MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Đức Tài từng kể chuyện TGDĐ lấy về 200 tỷ tiền giảm giá thuê: ‘Tôi đã khó khăn mà còn làm khó thì tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?’

04-10-2021 - 06:38 AM | Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Tài từng kể chuyện TGDĐ lấy về 200 tỷ tiền giảm giá thuê: ‘Tôi đã khó khăn mà còn làm khó thì tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?’

"Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. Thế Giới Di Động nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê", Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ.

Trong đại dịch Covid-19 năm 2020, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã đưa ra sách lược ứng phó đầu tiên là bảo vệ dòng tiền.

Bên cạnh việc tăng lượng tiền gửi trong ngân hàng, quản lý nhân sự theo hướng cùng chia sẻ khó khăn, Thế giới Di động áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", "cái gì cắt được thì cắt", bao gồm cả tiền thuê mặt bằng cửa hàng.

Tôi đoán tỷ lệ thuê mặt bằng trên tổng doanh thu của chúng tôi khoảng 2% thì phía FPT Shop chắc phải 4-5%

"Thấy một chi phí thuê lớn thì tìm cách để cắt nó đi. Theo các bạn tài chính thì tiền thuê mặt bằng là một chi phí cố định (Fixed Cost), nghĩa là đã trả thì không thể đổi được. Chúng tôi sẽ cho nó thành biến phí (Variable Cost), đi một vòng và lấy về 200 tỷ tiền thuê", Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ tại sự kiện Shark Tank Forum tháng 11/2020.

"Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?"

Ông Tài cho biết, song song với việc cắt giảm chi phí mặt bằng, MWG đồng thời đánh giá mặt bằng mà doanh thu không tương xứng với giá thuê.

"Tỷ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của chúng tôi chỉ khoảng 1,5-2% thôi. Mặt bằng nào bất thường sẽ bị "xử" ngay. Tất nhiên có nhiều shop phải đóng cửa vì doanh thu không tương xứng với tiền thuê mặt bằng", ông Tài nói thêm.

Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di động còn tự tin khẳng định: "Nếu hai shop đối diện nhau thì doanh thu của Thế Giới Di Động gấp 1,5 thậm chí 2 lần đối thủ cạnh tranh".

"Tôi đoán tỷ lệ thuê mặt bằng trên tổng doanh thu của chúng tôi khoảng 2% thì phía FPT Shop chắc phải 4-5%", ông Tài trả lời một câu hỏi đến từ nhân viên của FPT Shop.

Ông Nguyễn Đức Tài từng kể chuyện TGDĐ lấy về 200 tỷ tiền giảm giá thuê: ‘Tôi đã khó khăn mà còn làm khó thì tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?’ - Ảnh 2.

Việc cắt giảm chi phí mặt bằng đã đem lại hiệu quả hoạt động cho MWG, nhưng không phải lần cắt giảm nào cũng suôn sẻ. Mới đây, một chủ nhà tại Thị xã An Nhơn (Bình Định) tố MWG tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của ông.

"Tôi biết việc đại dịch COVID-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp tuy nhiên không phải vì vậy mà Thế Giới Di Động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm mà không quan tâm đến ý kiến của người cho thuê nhà. Tôi thấy rằng đây là điều quá phi lý và không tôn trọng", ông Mùi viết trong đơn phúc đáp công văn yêu cầu được giảm giá thuê mặt bằng của MWG.

"… Nếu Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản đã ký ngày 16/1/2020, tôi sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết".

Trước diễn biến dịch trong năm 2021, do tác động của việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó" tại nhiều tỉnh thành để phòng chống dịch, MWG trải qua thử thách chưa từng có khi 70% tổng số điểm bán của TGDĐ/ĐMX trên toàn quốc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong suốt tháng 8; và 50% tổng số cửa hàng BHX tại Tp.HCM, một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi.

Tuy vậy, MWG cho biết công ty vẫn duy trì được hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận riêng tháng 8.

8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch LNST cả năm.

Theo PV

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên