Ông Nguyễn Duy Hưng chia sẻ về vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế
Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI) vừa có những chia sẻ về vai trò của TTCK đối với nền kinh tế.
- 17-05-2017Kiến nghị Thủ tướng về vụ 60 dự án BĐS khiến cả thị trường xôn xao
- 17-05-2017Vì sao lãi suất ở Việt Nam lại cao hơn so với các nước khu vực?
- 27-04-2017Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: Ngay bây giờ hay ngày mai, bạn đều có thể tham gia thị trường chứng khoán
Theo Chủ tịch SSI, TTCK sinh ra với mục tiêu chính là huy động vốn cho nền kinh tế và được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Nói thế để thấy chỉ khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, minh bạch, nhà đầu tư yên tâm đầu tư vốn vào các doanh nghiệp không chỉ để kiếm lời ngắn hạn mà còn là nơi giữ tài sản của họ trong dài hạn thì thị trường chứng khoán mới thực sự phát triển và trở thành kênh dẫn vốn chủ đạo của nền kinh tế, thay vì quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng như hiện nay.
Bất cứ quốc gia nào chỉ số tăng trưởng GDP đều rất quan trọng, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng mới là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu, hiệu quả đầu tư phải được nhìn nhận như yếu tố sống còn của chiến lược tăng trưởng. Nền kinh tế cần đặt ra các chỉ tiêu tăng trưởng dài hạn và trong ngắn hạn thậm chí phải hy sinh tăng trưởng để củng cố hiệu quả đầu tư. Các chỉ số có thể sử dụng như ICOR, TFP để đánh gia chất lượng tăng trưởng, hoặc có định hướng rõ ràng tăng trưởng dựa vào đầu tư sản xuất hàng hoá quan trọng hơn nhiều tăng trưởng dựa vào đầu cơ tài sản hay khai thác tài nguyên. Mục tiêu của nền kinh tế là doanh nghiệp hoạt động minh bạch hiệu quả chứ không phải là số lượng doanh nghiệp hay hình thức sở hữu doanh nghiệp (tư nhân hay nhà nước) v.v.
Để tiếp cận với các nguồn vốn trên thị trường tài chính quốc tế, định mức tín nhiệm quốc gia là một yếu tố quyết định độ quan tâm của các nhà đầu tư. Đối với thị trường chứng khoán nói riêng, để có thể tăng thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay thì cần xác định mục tiêu nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trưởng mới nổi và Chính phủ chỉ đạo các cấp có kế hoạch hành động cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí của thị trường mới nổi. Nâng định mức tín nhiệm quốc gia, nâng hạng thị trường chứng khoán phải được coi là mục tiêu trước mắt của để có thể thu hút nguồn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài trong thời điểm hiện nay.
Thị trường chứng khoán là nơi mua bán giao dịch các loại sản phẩm tài chính, các doanh nghiệp và nhà đầu tư là người mua bán nhưng nhà nước có trách nhiệm làm sao để thị trường minh bạch công bằng, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hoá khi được mang ra thị trường thì mới phát triển ổn định, bảo vệ nhà đầu tư phải được đặt lên hàng đầu vì chính họ là đối tượng mà thị trường nhắm tới để huy động vốn cho nền kinh tế. Ngành tài chính là ngành kinh doanh có điều kiện, mọi sản phẩm tài chính khi bán ra thị trường cần được xem xét khả năng của các tổ chức phát hành trước khi cấp phép. Những sản phẩm tài chính phát hành ra thị trường mà tổ chức phát hành không đủ khả năng thực hiện cam kết trong tương lai sẽ trở thành những khoản nợ dưới chuẩn trong tương lai gây đổ vỡ thị trường tài chính.
Cuối cùng, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng trước mắt nền kinh tế cần chú trọng vào minh bạch nền kinh tế và chất lượng tăng trưởng, lấy hiệu quả đầu tư làm thước đo, có kế hoạch hành động để nâng định mức tín nhiệm quốc gia, nâng hạng thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư để giữ họ lại với thị trường với nền kinh tế. Khi những mục tiêu này đạt được nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ phát triển.