MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Duy Hưng: Đừng nghĩ rằng tiền chỉ có từng đây, cứ có hàng tốt bán ắt sẽ có người đến mua

Câu chuyện tài chính là câu chuyện hút vốn, nơi nào có nhiều câu chuyện thì dòng tiền kéo đến. Có thể giá IPO ban đầu sẽ thấp trong ngắn hạn nhưng là cơ hội để các nguồn tiền khác chảy về, là cơ hội để thị trường nâng hạng.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2017 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn diễn ra chiều nay tại Dinh Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI ông Nguyễn Duy Hưng đã trả lời các câu hỏi của nhà báo và nhà đầu tư về nhận định thị trường và hoạt động kinh doanh của SSI.

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn vì sao SSI đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 10% so với kế hoạch 2016, tại sao SSI không đặt kế hoạch so với con số đã thực hiện năm trước?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Bản thân chúng ta mong muốn công ty phát triển nhanh hơn nhưng ngành tài chính không thể một mình phát triển mà dựa vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như các công ty cùng ngành. Rất mừng là SSI trong các năm qua đều giữ được tăng trưởng và vượt các kế hoạch cũng như đạt kết quả vượt xa so với các đơn vị cạnh tranh khác về tất cả các tiêu chí. Tuy nhiên trong tất cả các dự báo từ 2015 đến nay chúng ta đều nhìn nhận thị trường đều có những khó khăn nhất định.

Mỗi năm có đột biến, còn kế hoạch dựa vào nghiên cứu tình hình thị trường, hướng tới phân tích những gì sắp xảy ra, tương lai thị trường tốt hay xấu. Khi đặt kế hoạch năm tôi thường đứng ở vai trò là cổ đông và ép các bộ phận đặt kế hoạch cao. Nhưng năm nay không có nhiều câu chuyện mới và việc đặt kế hoạch dựa trên việc SSI có thể giành thêm thị phần.

Với tất cả những gì đang có chúng tôi đặt ra mục tiêu tham vọng tăng hơn 10% so với kế hoạch 2016 đồng thời giữ vững các chỉ tiêu dẫn đầu thị trường. Chúng ta chấp nhận đi theo trường phái đầu từ giá trị với nguyên tắc chúng ta cùng thành công thì công ty phải bảo vệ rủi ro cho công ty, cho khách hàng, đối tác và cả những người tham gia với SSI.

Tôi cho rằng niềm tin lớn nhất cho thị trường chứng khoán trong 2 năm tới là nâng hạng thị trường, nếu làm được sẽ là cơ hội lớn của TTCK và tôi cho rằng điều này có thể xảy ra trong 2 năm nữa. Đó là đích đến và động lực mới mà chúng ta nhắm tới.

Theo ông đâu sẽ là động lực tăng trưởng để nâng hạng thị trường?

Khi tôi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài thì họ nhìn Việt Nam có rất nhiều thứ để nói. Với nền kinh tế, hiện nay rõ ràng Chính phủ đã chuyển từ việc huy động nguồn lực sang định hướng nguồn lực và để cho các tổ chức kinh tế tự huy động nguồn lực. Điều này giúp gần với thị trường hơn. Tính hiệu quả của thị trường là cái quan trọng nhất để giữ tăng trưởng bền vững. Ví dụ như thay vì chạy theo 1% tăng trưởng GDP thì tăng trưởng 0,1% cho các ngành sử dụng nhiều lao động trong xã hội như ngành nông nghiệp.

Thứ hai là chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa và đẩy mạnh các DN lên niêm yết. Như ngày hôm nay Tập đoàn Petrolimex chào sàn. Trước đây chúng ta nghĩ rằng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực 100% vốn của Nhà nước, nhưng hiện nay PLX đã niêm yết trên sàn Hose và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thông tin minh bạch. PLX là cổ phiếu được các NĐT nước ngoài rất quan tâm. Với các doanh nghiệp gốc nhà nước chỉ cần chuyển đổi cơ chế thì sẽ rất hấp dẫn vì room tăng trưởng tốt, sở hữu khối tài sản lớn. Đây là tập đoàn nhà nước không có dự án “trùm mền”, hệ thống quản trị tốt, nguồn nhân lực tốt.

Khi ngày càng nhiều các tập đoàn lớn lên sàn, chúng ta sẽ có nhiều PLX, nhiều Vinamilk, nhiều SSI, Sabeco…và đó là động lực cho thị trường phát triển. 15 năm trước chúng ta đâu có tưởng tượng như hôm nay, và tôi tin rằng 5-10 năm sau thị trường sẽ có bộ mặt hoàn toàn khác.

Thời gian vừa rồi Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất nhiều, thậm chí SSI sắp thành công ty nước ngoài (cười).

Nhưng ông có cho rằng thị trường sẽ bị “ngập lụt” các cổ phiếu không?

Người ta hay nghĩ theo hướng "con gà quả trứng" rằng tiền chỉ có từng đây nên nếu nhiều cổ phiếu thì sẽ không hấp thụ nổi. Điều này không phải như vậy. Có 2 vấn đề, nếu có hàng bán thì có người đến mua, nếu nghĩ deal lớn nhất 10 triệu USD thì chỉ có con cá nhỏ còn có deal hàng trăm triệu USD thì mới có dòng vốn nước ngoài quan tâm. Tôi đã tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn nước ngoài và họ nói rằng họ không thể rót vốn nếu quy mô quá bé.

Câu chuyện tài chính là câu chuyện hút vốn, nơi nào có nhiều câu chuyện thì dòng tiền kéo đến. Có thể giá IPO ban đầu sẽ thấp trong ngắn hạn nhưng là cơ hội để các nguồn tiền khác chảy về, là cơ hội thị trường tăng trưởng. Những gì yếu tố thị trường thì để thị trường quyết.

Chứng khoán phái sinh sắp đến gần, liệu các CTCK đã sẵn sàng chưa thưa ông?

Có hai vấn đề đối với TTCK phái sinh đó là nhà đầu tư phải được phổ biến đầy đủ các kiến thức về phái sinh và bản thân cơ quan quản lý phải hoàn thiện các quy trình để quản lý vì phái sinh là sản phẩm mua bán kỳ vọng. Đầu tư phái sinh hoàn toàn 100% dựa vào phân tích kỹ thuật, phí bỏ ra rất nhỏ so với tổng giao dịch nên rủi ro rất lớn, và tất nhiên đi kèm với đó là lợi nhuận cao.

SSI hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của phái sinh. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại làm phái sinh dễ hơn ngày xưa mở thị trường chứng khoán vì số người hiểu biết về thị trường tài chính nhiều hơn bây giờ. Nhưng để tất cả thành tố thị trường cùng hiểu được cuộc chơi thì là việc của cả cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và bản thân người tham gia.

Vấn đề là mỗi NĐT phải hiểu mình đang tham gia cuộc chơi gì mới là quan trọng nhất, mình có thể thu lợi nhuận ra sao, có thể mất bao nhiêu...Tại thời điểm này tôi cho rằng việc triển khai TTCK phái sinh là phù hợp và nhìn từ SSI tôi cho rằng lộ trình có thể đúng như công bố.

Thông tư mới khiến hàng loạt các CTCK báo lãi lớn, ông đánh giá thế nào về việc này?

SSI đã có 13 quý liên tiếp đứng số 1 thị phần trên sàn Hose và thị phần số 1 sàn Hà Nội, theo ông điều này nhờ đâu?

Từ sau 2009 chúng tôi để ý đáng kể phát triển môi giới cá nhân và dựa vào đó để giữ thị phần.

Ông có cho rằng giá cổ phiếu SSI có phản ánh đúng giá trị?

Bản thân tôi cũng không làm giá được SSI. Ngay từ đầu SSI chọn con đường theo đầu tư giá trị. Với nhà đầu tư lớn nhỏ đều được tiếp cận thông tin như nhau, quyết định là mỗi người, làm sao để tất cả tìm quyền lợi chung.

Xin cám ơn ông.

Theo Hoàng Trung

NDH

Trở lên trên