Ông Nguyễn Khắc Hải (SSI AM): Chia nhỏ bước giá là cần thiết cho các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam
Sự ra đời của các sản phẩm mới như Chứng quyền và Quyền chọn niêm yết vốn có thị giá thấp cũng sẽ khiến bước giá lớn không còn phù hợp. "Sẽ cần khoảng thời gian để NĐT dần quen và thấy được những lợi ích lâu dài, bền vững của cơ chế giao dịch mới này."
- 20-09-2016Khi các quỹ đầu tư ngoại nắn lại dòng tiền
- 03-09-2016Chia nhỏ bước giá sẽ làm Thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn như thế nào?
- 26-08-2016Chia nhỏ bước giá, đến thời của cổ phiếu “rau dưa, trà đá”?
Đây là nhận định của ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ SSI AM về ảnh hưởng của cơ chế giao dịch mới được áp dụng một tuần trở lại đây.
Nhiều ý kiến của các nhà đầu tư, thậm chí các môi giới phản hồi về những khó khăn khi theo dõi bảng điện cơ chế mới này. Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, không thể phủ nhận cơ chế giao dịch mới mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư. Phóng viên NDH đã có cuộc trao đổi với ông Hải để có góc nhìn toàn diện hơn về ảnh hưởng của cơ chế mới này.
Cơ chế giao dịch mới đã được hai Sở GDCK áp dụng từ 12/9, xin ông cho biết những thay đổi cơ bản và đáng chú ý trong cơ chế mới này?
Ông Nguyễn Khắc Hải: Đối với sàn HoSE, cơ chế giao dịch mới sẽ cấm hủy mọi lệnh trong phiên ATO, ATC; Chia nhỏ bước giá giao dịch và tăng khối lượng giao dịch tối đa. Còn trên sàn HNX, nhà đầu tư sẽ không được hủy, sửa lệnh trong phiên ATC; Điều chỉnh đơn vị yết giá với chứng chỉ quỹ ETF.
Cụ thể, trên sàn HoSE, nhà đầu tư được phép đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tối đa 500.000 đơn vị/lệnh đối với giao dịch khớp lệnh, thay vì mức tối đa trước đó là 19.990 đơn vị.
Đơn vị yết giá được chia nhỏ xuống còn 10 đồng đối với cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng, 50 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 10.000 - 49.950 đồng và 100 đồng đối với cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng trở lên. Đơn vị yết giá theo quy định cũ là 100 đồng, 500 đồng và 1.000 đồng, tương ứng với các chứng khoán có thị giá dưới 50.000 đồng, từ 50.000 đồng và từ 100.000 đồng trở lên. Đơn vị yết giá mới đối với chứng chỉ quỹ là 10 đồng, áp dụng cho tất cả các mức giá.
Còn trên sàn HNX, đơn vị yết giá đối với cổ phiếu vẫn giữ nguyên là 100 đồng, nhưng đối với chứng chỉ quỹ ETF sẽ giảm từ 100 đồng xuống 1 đồng
Xin ông cho biết quan điểm về ảnh hưởng của cơ chế giao dịch mới đặc biệt là việc chia nhỏ các bước giá khi áp dụng trên thị trường trong ngắn và dài hạn?
Trong thời gian đầu, việc chia nhỏ các bước giá có thể khiến các nhà đầu tư cá nhân bám bảng điện gặp một vài khó khăn do chưa quen với việc thu hẹp các bước giá và thấy rối khi có nhiều bước giá hơn.
Điều này, có thể gây tâm lý ngại giao dịch và tạo cảm giác giao dịch không mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, một khi các nhà đầu tư cá nhân đã quen hơn với bảng điện với các bước giá thấp, và hiểu rõ hơn các lợi ích của việc chia nhỏ bước giá thì tâm lý này sẽ nhanh chóng biến mất. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ tích cực giao dịch hơn trong dài hạn.
Đối với nhà đầu tư tổ chức (như các Quỹ đầu tư) và các trader chuyên nghiệp, có thể khẳng định việc chia nhỏ các bước giá không ảnh hưởng tiêu cực gì các giao dịch của họ. Cụ thể, các nhà đầu tư tổ chức thường định giá cổ phiếu và thực hiện giao dịch dựa trên yếu tố cơ bản và tiềm năng tăng trưởng của tổ chức phát hành. Tương tự, các trader chuyên nghiệp trên thị trường cũng thực hiện giao dịch chủ yếu dựa trên đồ thị phân tích kỹ thuật, xác định các điểm mua/bán dựa nhiều vào các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự trong quá khứ.
Yếu tố nào theo ông khiến việc chia nhỏ bước giá giao dịch mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư?
Trong dài hạn, việc chia nhỏ các bước giá sẽ giúp tăng thanh khoản của thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu có thị giá nhỏ. Từ đó, giúp các nhà đầu tư tổ chức, các trader chuyên nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân có thể thực hiện giao dịch dễ dàng hơn.
Nguyên nhân là bởi việc chia nhỏ bước giá giao dịch sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn đặt lệnhgiao dịch. Hai nữa, nhà đầu tư có thể tối ưu hoá chi phí giao dịch chứng khoán bởi việc chia nhỏ bước giá làm giảm chênh lệch giá chào mua/chào bán (Bid/ask Spread). Ví dụ, khi mỗi bước giá giảm từ 100 đồng xuống còn 10 đồng sẽ làm cho khoảng cách giữa giá chào mua và giá chào bán giảm xuống từ hơn 1% xuống còn chỉ hơn 0,1%.
Ngoài ra, chia nhỏ bước giá sẽ giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng dàng mua bán các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tại mức giá xoay quanh giá trị cơ bản của cổ phiếu và NAV của chứng chỉ quỹ. Ví dụ, NAV của các quỹ ETF niêm yết và giao dịch trên hai Sở hiện trên dưới 10.000VND, nếu bước giá giao dịch CCQ trên sàn là 100 đồng tương đương khoảng 1% giá của CCQ thì mỗi khi nhà đầu tư đặt lệnh mua hoặc bán chứng chỉ quỹ thì chênh lệch giữa chào mua/chào bán tối thiểu có thể lên tới 2%, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi lựa chọn đặt lệnh mua/bán.
Trong khi đó, biến động Giá trị tài sản ròng (NAV/CCQ) có thể thay đổi thấp hơn 1% rất nhiều. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư đặt lệnh mua chứng chỉ Quỹ thứ cấp có thể phải mua với giá cao hơn rất nhiều hoặc bán với giá thấp hơn rất nhiều so với biến động tăng, giảm giá của NAV/CCQ.
Thứ tư, các nhà tạo lập thị trường hoặc tổ chức tạo lập quỹ có thể dễ dàng thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường và các giao dịch arbitrage do họ có thể thực hiện được giao dịch tại nhiều bước giá hơn và hạn chế được rủi ro do giảm chênh lệch giữa giá chào mua và gia chào bán.
Bước giá được chia nhỏ cũng sẽ giúp tạo tiền đề cho sự ra đời của các sản phẩm mới sắp ra đời như Chứng quyền (Covered Warrant) và Quyền chọn niêm yết (Listed Option) vốn là các sản phẩm có thị giá thấp (chỉ vài nghìn đồng/chứng quyền, quyền chọn). Việc chia nhỏ bước giá giao dịch sẽ tăng thanh khoản cho các sản phẩm mới này.
Ban đầu việc chia nhỏ bước giá hướng đến mục tiêu tăng thanh khoản nhưng thực tế thanh khoản các phiên gần đây, không kể “phiên ETF”, lại khá thấp. Xin ông cho biết quan điểm của về vấn đề này? Liệu thanh khoản thị trường thời gian tới có được cải thiện?
Nếu chúng ta nhìn trên toàn thị trường thì có thể thanh khoản có giảm đôi chút. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số như VN30 hay HNX30 thì xu hướng thanh khoản vẫn duy trì khá ổn định. Điều này cho thấy các cổ phiếu có vốn hóa lớn vẫn được các nhà đầu tư giao dịch khá ổn định. Việc giảm thanh khoản có thể tới từ các cổ phiếu Midcap hoặc penny, các cổ phiếu có thị giá thấp do các nhà đầu tư cá nhân chưa quen với các bước giả nhỏ như tôi đã đề cập ở phần trên.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia phát triển, việc chia nhỏ bước giá tới hai chữ số thập phân cũng đã được áp dụng từ lâu đối với giao dịch cổ phiếu và chứng khoán phái sinh. Tôi tin rằng sau một thời gian đầu áp dụng, nhà đầu tư cá nhân sẽ dần quen và sẽ thấy được những lợi ích lâu dài, bền vững.của cơ chế giao dịch mới này.
Có quan điểm cho rằng cơ chế giao dịch mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hành vi của đội lái lên giá cổ phiếu. Điều gì giúp cơ chế giao dịch mới có thể hạn chế được vấn đề trên?
Với các thay đổi mới như chia nhỏ bước giá, cấm sửa hủy lệnh tại các phiên khớp lệnh định kỳ sẽ phần nào hạn chế được hành vi thao túng giá của đội lái. Bởi khi thanh khoản của cổ phiếu tăng lên, thì cung cầu thực trên thị trường sẽ quyết định giá giao dịch cuối cùng.
Cùng với đó, việc cấm sửa hủy lệnh sẽ khiến đội lái không thể cố tình đặt rồi hủy các lệnh quy mô lớn vào các phiên ATO, ATC nhằm tạo tâm lý, cung cầu ảo, gây hoang mang cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu.
Hơn nữa, khi có nhiều bước giá hơn với những cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng, thì bản thân đội lái sẽ khó có thể nhìn được độ sâu của cung cầu trên bảng điện, từ đó họ sẽ không dám mạnh dạn quét giá để tạo tâm lý gom/xả nhằm gây khó khăn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Người đồng hành