Ông Nguyễn Trí Hiếu: “Lãi suất sẽ tiếp tục tăng”
“Dựa trên những diễn biến trên thị trường và tín hiệu kinh tế vĩ mô, tôi dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng”...
- 28-06-2017Nhiều ngân hàng tăng lãi suất: Nhất thời hay xu hướng?
- 10-05-2017Ngân hàng lại tăng lãi suất huy động
- 07-05-2017Sức ép tăng lãi suất sẽ lớn dần trong nửa cuối năm
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
“Dựa trên những diễn biến trên thị trường và tín hiệu kinh tế vĩ mô, tôi dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Một sức ép nữa khiến áp lực tăng lãi suất trong những tháng tới, đó là nợ xấu”, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Số liệu thống kê được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54% và là kỷ lục trong 6 năm trở lại đây. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông đánh giá thế nào về mức tăng kỷ lục này?
Theo tôi, tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất quan trọng, bởi đây là một trong những kênh chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% như Chính phủ mong muốn. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng một cách số học thì không đủ, mà phải nhìn vào chất lượng của tín dụng.
Tôi thấy có một phần trong tín dụng không đóng góp nhiều vào GDP nhưng lại giúp tăng nhu cầu về tín dụng, đó là những tài sản ở trên thị trường thứ cấp như: bất động sản, chứng khoán...
Như vậy, để tăng trưởng tín dụng thực sự đóng góp vào nền kinh tế, theo tôi, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng xem có bao nhiêu phần trăm tăng trưởng tín dụng đóng góp thực sự vào khu vực sản xuất kinh doanh? bao nhiêu phần trăm tín dụng với mục đích hỗ trợ các giao dịch thương mại trên thị trường thứ cấp?...
Chỉ có như vậy, mới dẫn hướng dòng vốn tín dụng vào được đúng đối tượng và phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, trái ngược với tăng trưởng tín dụng, thì huy động vốn trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng ở mức 5,89%. Vậy, bức tranh tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn trong 6 tháng đầu năm sẽ dẫn đến những rủi ro gì, thưa ông?
Số liệu về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy một nghịch lý và nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu tín dụng cao hơn huy động vốn, đến một lúc nào đó nền kinh tế sẽ bị lâm vào tình trạng “nghẹt cổ”, vì không đủ tính thanh khoản. Do đó, đảm bảo thanh khoản của ngân hàng rất quan trọng.
Vậy nên, trong 100 đồng huy động được, thì 80 đồng sẽ cho vay ra, còn 20 đồng sẽ được giữ lại để bảo đảm thanh khoản trong trường hợp khách hàng đến rút tiền. Không thể nào huy động vào 100 đồng nhưng cho vay ra 100 đồng, thậm chí là tới hơn 100 đồng, khi đó rủi ro của ngân hàng sẽ rất lớn.
Trong một nền kinh tế điều hòa một cách tuần hoàn thì tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) vào khoảng 80% là đẹp nhất.
Quay trở lại câu chuyện tín dụng tăng cao hơn huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2017, sẽ dẫn đến hai rủi ro: thứ nhất, là rủi ro về thanh khoản của các ngân hàng, thứ hai là rủi ro về lãi suất.
Theo tôi, cần có nghiên cứu sâu về tỷ lệ LDR là bao nhiêu? Nó có vượt quá mức 80% như Ngân hàng Nhà nước mong muốn hay không? Đặc biệt, với một số ngân hàng có thể tỷ lệ LDR có lẽ đang ở mức rất cao và cần có sự điều chỉnh? Nhất là theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN (sửa một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống còn 40% vào đầu năm 2018.
Nếu nguồn huy động tiếp tục hạn hẹp như hiện nay thì tới đây vốn tín dụng sẽ càng eo hẹp hơn.
Theo ông, diễn biến từ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trong nửa đầu năm sẽ có những tác động như thế nào đến mặt bằng lãi suất trong các tháng cuối năm?
Dựa trên những diễn biến trên thị trường và tín hiệu kinh tế vĩ mô, tôi dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Một sức ép nữa khiến áp lực tăng lãi suất trong những tháng tới, đó là nợ xấu.
Rất có thể trong khoảng hơn 1 tháng tới, nợ xấu trong hệ thống của ngành ngân hàng sẽ tăng cao nhằm được hưởng những quy định tại Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 tới đây. Nợ xấu tăng sẽ đẩy chi phí hoạt động tăng, từ đó sẽ đẩy lãi suất tăng lên.
Tôi đồng tình với Nghị quyết của Quốc hội trong việc xử lý dứt điểm nợ xấu. Khi nợ xấu được xử lý dứt điểm sẽ tạo sự lành mạnh cho nền kinh tế. Dĩ nhiên, trong xử lý nợ xấu chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Tôi rất lo lắng khi nợ xấu lên tới hơn 600 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến cuối quý I/2017 khoảng 667 nghìn tỷ đồng, như vậy, nợ xấu đang tương đương với vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cần 50% nợ xấu trở thành thiệt hại, thì vốn chủ sở hữu sẽ giảm mạnh. Do đó, cần hạch toán cho đúng số liệu về nợ xấu để có thể nhận định rõ về tình hình tài chính tại mỗi ngân hàng, từ đó có các giải pháp điều chỉnh cho đúng. Để xử lý dứt điểm nợ xấu, thà rằng chịu đau một lần còn hơn phải sống chung với lũ trong nhiều năm tới.
Vneconomy