MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nhậm Chính Phi: "Chỉ với một lần trả phí, người dùng trên toàn thế giới sẽ được truy cập vĩnh viễn vào các bằng sáng chế, mã code và bí quyết chế tạo công nghệ của Huawei!"

13-09-2019 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ với Economist hôm 10/9, ông Nhậm cho biết ông sẵn sàng chia sẻ công nghệ 5G của Huawei - trọng tâm của tăng trưởng doanh thu trong tương lai.

Trong một hội trường được thiết kế theo phong cách Hy Lạp cổ đại, được bao quanh bởi các cột đá trang trí với hình những nữ thần, sẽ là nơi phù hợp để ông Nhậm Chính Phi "làm hoà" với phương Tây với 1 phần của Huawei. 

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ với Economist hôm 10/9, ông Nhậm cho biết ông sẵn sàng chia sẻ công nghệ 5G - trọng tâm của tăng trưởng doanh thu trong tương lai. Chỉ cần đóng phí 1 lần, giao dịch sẽ cung cấp cho người mua quyền truy cập vĩnh viễn đối với các bằng sáng chế, giấy phép, mã code, bản thiết kế kỹ thuật và bí quyết chế tạo của Huawei công nghệ 5G của Huawei.

Người mua có thể sửa đổi mã nguồn, có nghĩa là cả Huawei và chính phủ Trung Quốc đều không thể kiểm soát bất kỳ cơ sở hạ tầng viễn thông nào được xây dựng bằng thiết bị do công ty mới sản xuất. Huawei cũng có thể tự do phát triển công nghệ của mình theo cách họ muốn.

Huawei đã đối mặt với một "cuộc tấn công" vào năm nay. Điều này khiến ông Nhậm đều phải ra ngoài vào mỗi tháng từ hồi tháng 1 để phỏng vấn với một loạt các kênh truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, ý tưởng về việc chuyển giao công nghệ 5G cho đối thủ cạnh tranh là một lời đề nghị táo bạo nhất từ trước đến nay.

Ý tưởng chia sẻ, bán công nghệ 5G có mục đích gì?

Lời tuyên bố này của ông Nhậm nhằm mục tiêu tạo ra một đối thủ có thể cạnh tranh với Huawei trong lĩnh vực 5G. Theo ông, điều này sẽ giúp cân bằng "sàn đấu", khi nhiều người ở phương Tây ngày càng hoantg sợ về viễn cảnh một công ty Trung Quốc sẽ cung cấp thiết bị cho hầu hết mạng lưới điện thoại trên thế giới. Ông nói: "Sự phân phối lợi ích công bằng là điều có lợi cho tình trạng sống còn của Huawei."

Thực tế là, lệnh trừng phạt kéo dài nhiều tháng của Mỹ đã khiến Huawei náo loạn, nơi mà mạng lưới toàn cầu của họ bị nghi ngờ là cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi các nước khác. Thoạt nhìn, ý tưởng của ông Nhậm cho thấy rằng mọi thứ sẽ có "cái kết êm đẹp". Nếu việc bán công nghệ sẽ tạo ra một đối thủ cạnh tranh "sừng sỏ", thì các quốc gia như Úc sẽ không còn phải lựa chọn một bên là công nghệ vừa hiện đại và rẻ, như của Huawei, và bên kia là nỗi lo về việc Trung Quốc nghe lén. Họ có thể sử dụng công nghệ tốt nhất từ một đồng minh, thay cho Huawei.

Ông Nhậm Chính Phi: Chỉ với một lần trả phí, người dùng trên toàn thế giới sẽ được truy cập vĩnh viễn vào các bằng sáng chế, mã code và bí quyết chế tạo công nghệ của Huawei! - Ảnh 1.

Động thái này cũng có thể thuyết phục những ai nghi ngờ về công nghệ của Huawei rằng mục đích kinh doanh của họ là mờ ám. Ông Nhậm nói rằng tiền có được từ thương vụ này sẽ cho phép Huawei "thực hiện những bước tiến lớn hơn hướng tới tương lai". Giá trị của toàn bộ danh mục đầu tư công nghệ 5G của họ, nếu được bán, thì có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Trong thập kỷ qua, công ty này đã chi ít nhất 2 tỷ USD vào hoạt động R&D cho thế hệ kết nối di động mới.

Ngay cả khi nhà nước Trung Quốc chấp nhận ý tưởng đó, thì liệu ai sẽ sẵn sàng mua? Ông Nhậm thì nói rằng ông cũng "không biết". Các nhà phân tích nghi ngại rằng những "gã khổng lồ" như Ericsson và Nokia sẽ không chấp nhận lời đề nghị vì sự tự tôn và sẽ đặt ra câu hỏi về giá trị của công nghệ Huawei. 

Những mặt trái của ý tưởng táo bạo

Công nghệ này cũng không thể giúp một công ty nhỏ hơn đủ sức để cạnh tranh với Huawei. Huawei có mối quan hệ mật thiết với những nhà cung cấp lớn, họ sẽ không chấp nhận rủi ro tài chính để hợp tác với một nhà cung ứng mới. Có khả năng sẽ là cả một nhóm người muốn mua, nhưng ai sẽ là thành viên của nhóm đó thì vẫn là điều chưa rõ ràng.

Người mua có thể bị dao động bởi những lựa chọn khác. Nếu Huawei thực sự sẵn sàng chuyển giao toàn bộ công nghệ cho một công ty khác, thì có thể họ sẽ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn từ một đối thủ cạnh tranh sừng sỏ trong tương lai. Tuy nhiên, độ phủ sóng rộng lớn của Huawei không chỉ nhờ vào công nghệ mà còn là mức giá rẻ, cũng như việc họ tung ra sản phẩm rất nhanh.

Ông Nhậm Chính Phi: Chỉ với một lần trả phí, người dùng trên toàn thế giới sẽ được truy cập vĩnh viễn vào các bằng sáng chế, mã code và bí quyết chế tạo công nghệ của Huawei! - Ảnh 2.

Ngoài ra, việc Huawei sẵn sàng cung cấp dịch vụ ở những nơi phương Tây không muốn "ngó ngàng" tới cũng là một yếu tố quan trọng: còn ai khác ngoài Huawei sẽ băng qua các đầm lầy với dịch sốt rét ở châu Phi và đưa các trạm căn cứ lên sườn núi ở Colombia? Ông Nhậm biết điều này. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng một công ty Mỹ, với bí quyết của Huawei, sẽ có thể thành công hay không, ông nói với giọng đầy tự tin: "Tôi không nghĩ vậy." Tuy nhiên, những người mua tiềm năng cũng biết điều đó.

Cuối cùng, không có nhiều người tin rằng việc bán công nghệ sẽ giúp xoa dịu bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ, ít nhất là trong thời gian ngắn. Một đối thủ cạnh tranh gần như chắc chắn vẫn cần phải chế tạo thiết bị ở Trung Quốc - nơi sản xuất ra 1 nửa bộ thiết bị viễn thông của Mỹ. Mối lo ngại về hành vi nghe lén của Trung Quốc sẽ khôgn biến mất. Và cuộc tấn công mới đây nhất vào Huawei không phải là điều gì hấp dẫn. Tuần trước, họ đã đệ đơn kiện Mỹ vì đã bắt giữ nhân viên Huawei và cáo buộc chính phủ Mỹ nhắm vào họ với các cuộc tấn công mạng. Động thái ấy có thể khiến mối quan hệ thêm phần căng thẳng.

Liệu lời đề nghị của ông Nhậm có thể hiện cho sự tuyệt vọng của Huawei hay không?

Ông tuyên bố rằng Huawei đã tìm thấy những nhà cung ứng khác cho hoạt động kinh doanh mạng lưới cơ sở hạ tầng mà không bị ảnh hưởng bởi danh sách đen của Mỹ. Ông phủ nhận việc Huawei sẽ chịu lỗ trong năm tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiêu dùng đang phải chịu áp lực. Một nửa doanh số năm ngoái của công ty là 105 tỷ USD đến từ 208 tỷ USD doanh số bán smartphone trên toàn cầu. Mảng này cũng chiếm phần lớn lợi nhuận, nhưng lại đang đối mặt với vấn đề nan giải. Điện thoại mà Huawei bán bên ngoài Trung Quốc là thiết bị được ưa chuộng chờ phần mềm Android của Google, là nguồn mở, có sẵn và miễn phí. Nhưng những ứng dụng trong đó thì không. Bởi Google đến từ Mỹ và các ứng dụng được tạo ra ở Mỹ, nên Bộ Thương mại đã ra lệnh Huawei không được phép sử dụng.

Ông Nhậm Chính Phi: Chỉ với một lần trả phí, người dùng trên toàn thế giới sẽ được truy cập vĩnh viễn vào các bằng sáng chế, mã code và bí quyết chế tạo công nghệ của Huawei! - Ảnh 3.

Ông Nhậm cho biết Google đã vận động chính quyền ông Trump để cho phép họ tiếp tục cung cấp cho Huawei phần mềm Android độc quyền, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan. Trừ khi chính sách của Mỹ thay đổi, Huawei sẽ mắc kẹt với Android phiên bản mở mà không có ứng dụng nào đáng mong đợi. Huawei đang trong quá trình hoàn thiện hệ điều hành của riêng mình, Harmony OS, nhưng đó sẽ không phải là đối thủ của hệ sinh thái Android đã quá lớn mạnh.

Thị phần của Huawei tại thị trường smartphone Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, 2/5 doanh số bán điện thoại hàng năm, khoảng 20 tỷ USD, đến từ nước ngoài. Mặc dù các giám đốc điều hành liên tục từ chối dự báo, nhưng tăng trưởng doanh thu toàn công ty trong 8 tháng tính đến tháng 8 đã giảm còn 20% so với năm ngoái, từ mức 23% của nửa đầu năm 2019. Nếu mẫu điện thoại mới Mate 30 không được như kỳ vọng, Huawei có thể mất hàng tỷ USD doanh thu hàng năm.

Huawei đang bị buộc phải thay đổi từ một công ty sản xuất và bán phần cứng, trở thành một công ty cũng sản xuất nhiều linh kiện khác nhau mà trước đây đi mua từ bên khác. Đây là sự thay đổi gây khó khăn cho Huawei. Mảng kinh doanh "ra tiền" nhất đang bị đe doạ, trong khi họ phải đầu tư mạnh để có thể thay thế các nhà cung ứng và các phần mềm không còn mua được từ Mỹ.

Ông Nhậm có thể hy vọng rằng đề xuất việc bán công nghệ 5G của mình sẽ giúp ông có đủ "nhiên liệu" để giúp Huawei bay cao và xa hơn nữa. Thế nhưng, nhìn đằng sau những bức bích hoạ đầy màu sắc ở Thâm Quyến cùng nhưng ý tưởng khoa trương của ông, thì tương lai của Huawei vẫn còn rất mơ hồ. 

Hương Giang

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên