Ông Putin tuyên bố tranh cử tổng thống độc lập, lý giải Nga không có ứng viên thứ hai đủ mạnh
Ông Putin tuyên bố tranh cử tổng thống độc lập, lý giải Nga không có ứng viên thứ hai đủ mạnh
- 11-12-2017Tổng thống Putin bất ngờ tới Syria, tuyên bố rút quân
- 07-12-2017Video: Khoảnh khắc hàng triệu trái tim Nga sung sướng khi ông Putin tuyên bố tái tranh cử
- 26-11-2017Tổng thống Putin cho phép coi báo chí nước ngoài là tình báo
20:01 ngày 14/12/2017
Tổng thống Putin chúc mừng năm mới, kết thúc họp báo thường niên 2017
Kết thúc câu hỏi từ phóng viên Kazakhstan, tổng thống Putin nói, "Tôi muốn nhân dịp này chúc mừng tất cả mọi người nhân dịp năm mới sắp đến. Chúc mọi điều tốt đẹp, hạnh phúc, phồn vinh cho các bạn và người thân của các bạn. Chúc mọi điều tốt đẹp cho đất nước chúng ta. Chúng tôi luôn luôn đánh giá cao vai trò đóng góp của báo chí Nga trong đời sống của đất nước. "
Cuộc họp báo của ông Putin đã kết thúc vào lúc 15h49 giờ địa phương, kéo dài 3 tiếng 41 phút. Theo RT, lý do được thông báo là tổng thống có chương trình gặp gỡ các cựu chiến binh vào lúc 16h chiều.
(Ảnh: Kremlin)
19:57 ngày 14/12/2017
Ông Putin nói về liên minh kinh tế Á-Âu
Phóng viên Aider Kurtmylaev tới từ Kazakhstan: Liệu có một chương trình nào để thúc đẩy phát triển và ủng hộ liên minh kinh tế Á - Âu không?
- Ý tưởng thành lập liên minh kinh tế Á - Âu là của người Kazakhstan và ý tưởng này xuất hiện rất lâu từ trước khi có các biện pháp cấm vận Nga. Có ý tưởng đó là bởi vì có sự cần thiết phải sử dụng khả năng chung của các nước chúng ta được hình thành từ trong quá khứ.
Hiện nay tăng trưởng chung GDP của liên minh là 1,8%, cao hơn so với mức tăng trưởng của Nga. Trong sự hợp tác của chúng ta, cần phải hướng vào việc phát triển những công nghệ chung.
Hiện nay, liên minh kinh tế của chúng ta đang hoạch định những chương trình chung không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong lĩnh vực kĩ thuật số.
19:37 ngày 14/12/2017
Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ chống khủng bố ở Afghanistan
Phóng viên Afghanistan: Ngài tổng thống đánh giá như thế nào về triển vọng phối hợp hành động với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan?
- Đó là một trong số những phương hướng mà chúng tôi có thể hợp tác với Mỹ. Chúng tôi nhận thấy các nhóm vũ trang cực đoan ngày càng nắm giữ nhiều lãnh thổ ở biên giới phía Bắc Afghanistan.
Chúng tôi theo dõi sát tình hình này, chúng tôi cũng thấy chính phủ Kabul cần có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và chúng tôi sẵn sàng cho điều đó. Lãnh thổ Afghanistan là một vùng đất sản xuất ra nhiều ma túy nhất trên thế giới, chúng tôi sẵn sàng cùng với Mỹ và Afghanistan hành động để vượt qua tất cả những khó khăn đó.
19:36 ngày 14/12/2017
Ông Putin chỉ trích thẳng thừng cương lĩnh của đối thủ tranh cử tổng thống Nga
Nữ phóng viên Ksenia Sobchak của kênh truyền hình Mưa (Dozhds), người cũng tuyên bố ra tranh cử tổng thống Nga 2018, đặt câu hỏi cho tổng thống Putin. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một "ứng viên tương lai" đến dự họp báo của tổng thống Nga đương nhiệm và "đối mặt" tổng thống.
Bà Sobchak hỏi: Về vấn đề có cuộc tranh đua hay không có cuộc tranh đua tại các cuộc bầu cử. Tôi thấy các ứng cử viên phe đối lập hoặc không được tranh cử, hoặc bị gây nhiều khó khăn. Với bản thân tôi, bây giờ tôi biết rõ chuyện đó, hoặc cũng có trường hợp Alexei Navalny đã vấp phải những vụ án không có cơ sở. Tại sao lại có chuyện đó, có phải là chính quyền sợ một cuộc tranh cử thật sự hay không?
- Vấn đề không phải ở chỗ ai đó đã thích hợp với công việc nào đó hay chưa mà là ở chỗ phe đối lập cần phải đưa ra được một chương trình hành động tích cực, dễ hiểu đối với nhân dân.
Như chị chẳng hạn, chị đã đưa ra khẩu hiệu "chống lại tất cả". Đó là cái gì, chẳng nhẽ đó là một cương lĩnh tích cực ư? Có phải chị muốn có hàng chục "Saakashvili" chạy hô hoán khắp các quảng trường hay không? Những người mà chị nhắc đến chính là Saakashvili phiên bản Nga.
Nước Nga chúng ta đã trải qua những cái đó rồi, tôi tin rằng đa số người dân không muốn những cái đó lặp lại. Cần phải có sự tranh đua trong tranh cử, nhưng tranh đua cực đoan thì không được.
Tôi xin khẳng định với các bạn rằng chính quyền chưa, và không sợ ai hết. Chúng tôi không muốn lặp lại phiên bản Ukraine hiện nay đối với nước Nga, hoàn toàn không muốn và không để xảy ra việc đó.
19:11 ngày 14/12/2017
Putin: Có thể Mỹ lợi dụng khủng bố chạy từ Iraq sang Syria để chống Assad
Phóng viên hãng Interfax: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khôi phục các hạ tầng ở Syria? Các căn cứ của chúng ta ở Syria sẽ đóng vai trò như thế nào? Liệu các đối tác phương Tây của chúng ta có coi đó là công cụ để ủng hộ [tổng thống Syria] Bashar al-Assad hay không? Xin tổng thống cho hỏi vào thời điểm nào thì tổng thống quyết định bay sang Syria vừa rồi (ngày 11/12)?
Phóng viên của Cộng hòa Daghestan: Hiện nay tổng thống là một thủ lĩnh chống chủ nghĩa khủng bố, kinh nghiệm của người Mỹ không có tác dụng gì cả. Làm thế nào để tìm ra các tài trợ cho khủng bố? Theo tổng thống, liệu tới đây có xuất hiện tổ chức khủng bố mới hay không?
Phóng viên có tên Arsan Khasavov báo Người Giáo viên (Nga): Tôi đã đến trại tị nạn ở thành phố Homs, Syria. Ở đó có rất nhiều trẻ mồ côi mà không hề có chương trình giáo dục nào cả. Làm thế nào để giúp những trẻ em đó. Liệu có thể nghĩ đến một chương trình can thiệp về nhân đạo, giáo dục hay không?
- Theo tôi thì đã có một người từ Chechnya giải quyết các vấn đề nhân đạo theo hướng đó - người đó là ông [Razam] Kadyrov (tổng thống Chechnya). Ông Kadyrov đang đưa trẻ em rời khỏi trại tị nạn đó, tôi nghĩ làm như thế là rất đúng.
Nhưng bạn đã nhận xét rất đúng rằng chưa có chương trình giáo dục nào cho trẻ em cả. Cần phải làm những gì đó. Vấn đề người tị nạn nói chung thì rất phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu nhiều hệ lụy tại đây. Vấn đề này cũng là một thách thức với châu Âu.
Bản thân Syria tự mình không thể giải quyết được vấn đề này. Tất cả những ai có thiện chí cần phải giúp đỡ Syria và chúng ta cần phải đấu tranh chống lại những nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta sẵn sàng phối hợp trong khuôn khổ sự hợp tác quốc tế.
Còn nói về chuyến đi Syria vừa qua của tôi thì sự cần thiết của chuyến đi đó được đặt ra đã lâu. Vấn đề là bao giờ thì có những điều kiện thích hợp, tình hình diễn biến như thế nào. Vừa rồi điều kiện thuận lợi đã xuất hiện. Về cơ bản đã tiêu diệt được các nhóm vũ trang khủng bố. An ninh an toàn trên mặt đất và trên không thì được lực lượng quân đội chúng ta bảo đảm. Khi máy bay của tôi hạ cánh xuống, các máy bay tiêm kích của chúng ta bay ở phía dưới chuyên cơ để che chắn cho máy bay của tôi. Tôi rất biết ơn quân đội của chúng ta.
Nói thêm về đấu tranh chống khủng bố thì điều quan trọng là các đối tác trên thế giới không được có ý đồ sử dụng, lợi dụng các nhóm cấp tiến để giải quyết những nhiệm vụ của riêng mình.
Các phi công của chúng ta thấy rất rõ là các phần tử vũ trang khủng bố chạy khỏi Iraq và chúng ta đã thông báo cho người Mỹ biết việc đó nhưng họ chẳng phản ứng gì. Có lẽ người Mỹ trù tính có thể sử dụng những lực lượng đó để chống lại ông Assad, đấy là điều khủng khiếp nhất.
18:49 ngày 14/12/2017
Putin đã có ý tưởng sơ bộ về chính phủ Nga sau bầu cử
Vladimir Kondrachev của hãng truyền hình NTV: Mọi người đều quan tâm là nhiệm kì tổng thống mới sẽ khác với nhiệm kì trước như thế nào, và ê kíp nào sẽ làm việc với tổng thống. Liệu chính phủ hiện nay có tồn tại đến cuộc bầu cử hay không?
- Tôi cho rằng chính phủ hoạt động đạt yêu cầu. Chúng ta có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm nhưng nhìn chung chính phủ đã hoạt động vững vàng. Các bạn đừng phật ý, còn quá sớm để tôi nói về chính phủ tương lai. Những ý tưởng sơ bộ thì tôi đã có, nhưng tốt nhất là để đến sau bầu cử hẵng nói.
18:41 ngày 14/12/2017
Tổng thống Putin bình luận về Đại hội đảng Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai và Con đường"
Phóng viên Tân Hoa Xã: Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ Trung-Nga? Tổng thống bình luận như thế nào về kết quả hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong năm 2017.
Đề nghị Tổng thống bình luận về sáng kiến "Vành đai và Con đường", và kết quả Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Trước hết nói về những quyết định mà Đại hội ĐCSTQ thông qua, tôi đánh giá rất cao kết quả đó. Kinh tế Trung Quốc đang phát triển với nhịp độ cao. Những bổ sung mới vào Điều lệ ĐCSTQ cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển mang đặc sắc của mình.
Đối với Nga thì điều quan trọng là Trung Quốc là đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại của Nga với Trung Quốc là lớn nhất trong buôn bán của chúng tôi. Trong thời gian khủng hoảng, kim ngạch có giảm phần nào nhưng tôi tin trong thời gian tới sẽ đạt được chỉ số của những năm trước đây.
Còn về cuộc bầu cử tổng thống ở Nga, tôi tin tưởng hoàn toàn rằng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc có một sự đồng thuận quốc gia ở nước Nga và sẽ được tiếp tục không lệ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử.
Còn về "Vành đai và Con đường", thì tôi đã từng nói là ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với ý tưởng của Liên minh kinh tế Á-Âu. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong một loạt dự án. Chẳng hạn dự án xây dựng đường cao tốc. Đó cũng là Con đường Tơ lụa.
Chúng ta đã tăng gấp nhiều lần tốc độ vận chuyển hàng hóa và hành khách theo đường sắt. Giữa Nga và Trung Quốc cũng có nhiều dự án khác nữa trong lĩnh vực năng lượng, vũ trụ, hàng không. Hai nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển theo hướng đấy.
18:37 ngày 14/12/2017
Liên minh kinh tế Á-Âu là thành tựu to lớn
Phóng viên của kênh truyền hình MIR từ thủ đô Moscow: Tổng thống nghĩ như thế nào về việc các biện pháp cấm vận Nga ảnh hưởng đến liên kết trong liên minh kinh tế Á - Âu? Liên minh kinh tế Á - Âu đã đạt được những gì và những gì cần phải làm tiếp theo?
- Liên minh kinh tế Á Âu là một thành tựu to lớn của chúng ta. Có nhiều ý kiến phê phán nhưng các số liệu cho thấy những quyết định của chúng ta là đúng đắn. Trao đổi hàng hóa tăng lên khoảng 29%. Các nước tham gia liên minh này đều đã đạt được những kết quả tích cực.
18:35 ngày 14/12/2017
Ông Putin: Nga không có binh sĩ ở Donbass; ông Saakashvili hành động sỉ nhục nhân dân Ukraine và Gruzia
Hãng Ria Novosti: Việc thực hiện thỏa thuận Minsk (về Ukraine) đang bị đe dọa, làm thế nào để những thỏa thuận này có hiệu quả? Mỹ thường xuyên gặp mặt các thành viên của bộ tứ Normandy nhưng lại không ở trong nhóm này. Xin hỏi Tổng thống liệu có nên kết nạp Mỹ chính thức tham gia nhóm Normandy để lập nhóm 5 nước hay không?
Xin hỏi thêm quan điểm của Tổng thống về số phận của [cựu tổng thống Gruzia] Mikheil Saakashvili đang ở Ukriane. Tổng thống tiên liệu tình hình số phận của ông ấy như thế nào?
- Rõ ràng hiệu quả của các thỏa thuận Minsk rất thấp, một trong những nguyên nhân là do lập trường chính quyền Ukraine. Chính quyền Ukraine không muốn thực hiện tiến trình chính trị hiện hữu.
Mỹ là một đối tác đầy đủ, đối tác tham gia tiến trình giải quyết vấn đề Ukraine, không phân biệt việc Mỹ có ở trong nhóm Normandy hay không. Tôi không bao giờ phản đối việc Mỹ có thể tham gia nhóm này, nhưng việc đó không phải do chúng ta quyết định.
Những gì đang diễn ra ở vùng ở Donbass đúng là thảm kịch. Cần phải thấy nguyên nhân, gốc rễ của thảm kịch này - đó là cuộc đảo chính, cuộc chiếm quyền bằng vũ lực ở Ukraine.
Trên lãnh thổ Donbass không có quân đội Nga. Ở Donbass đã thành lập những đơn vị quân cảnh, có đủ lực và sẵn sàng đánh trả bất kì một cuộc tấn công quân sự nào chống lại Donbass. Chúng tôi cho rằng điều đó là phụ hợp với lợi ích của người dân địa phương. Bởi vì nếu còn đơn vị vũ trang đó thì những người dân ở đây sẽ bị tàn sát còn tệ hơn ở Srebrenitsa vì các phần tử của các nhóm quân sự dân tộc chủ nghĩa sẽ hành động như vậy. Chúng ta biết rõ điều đó.
Tổng thống Ukraine Poroshenko có nói về vũ trang cần thiết cho thành viên giám sát của Tổ chức an ninh hợp tác châu Âu (OSCE). Tôi đã đồng ý với ý kiến đó nhưng OSCE không chấp nhận việc trang bị vũ khí cho nhân viên của mình.
Sau đó tổng thống Ukraine nêu đề nghị sử dụng lực lượng của Liên Hợp Quốc (LHQ) để đảm bảo an ninh cho các nhân viên của OSCE. Chính sau đấy chúng tôi mới nêu ra một đề nghị tương ứng. Thủ tướng Đức Angela Markel đã gọi điện thoại đề nghị đảm bảo an ninh cho các nhân viên thanh tra của OSCE không chỉ ở đường cách ly 2 lực lượng mà ở trên toàn bộ khu vực xung đột. Tôi cũng đã đồng ý với đề xuất đó và Nga cũng đã sửa đổi đề nghị của mình, nhưng phải nói rằng những cuộc xung đột loại này là không bao giờ có thể giải quyết được bằng vai trò của các nhà trung gian.
Giải pháp chỉ có thể được tìm ra trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa các bên tham chiến.
Về ông Saakashvili, tôi cho rằng những gì ông ta đang làm là một sự sỉ nhục đối với nhân dân Ukraine và nhân dân Gruzia. Liệu các bạn có chấp nhận được cảnh tượng đó không? Ông ta chạy khắp các quảng trường, hô toáng lên rằng ông ta là người Ukraine. Chả nhẽ ở Ukraine lại không có những người Ukraine chính gốc nữa hay sao? Rất buồn khi phải xem những cảnh đó.
Thế giới Slavo đã phát triển rất phức tạp. Kiev đã từng là một bộ phận và là trung tâm của nước Nga. Về gốc gác thì chúng ta là một dân tộc. Trên bước đường phát triển của mình, Ukraine - vốn ở sát các đường biên giới phía Tây - đã phát triển theo cách riêng.
Ở Nga, người ta yêu quý văn hóa Ukraine, coi văn hóa Ukraine là một phần nền văn hóa của mình. Còn nhân dân Crimea thì đã định hình như ta đã thấy. Có những người nói rằng Ukraine cần phải phát triển như một quốc gia độc lập. Điều đó cũng là đương nhiên, không thể nào ngăn cản. Còn Nga và Ukraine thì người ta đã chia rẽ và gây thù oán. Điều đó thật không hay.
18:13 ngày 14/12/2017
Bình Nhưỡng đã bị Mỹ khiêu khích, ông Putin vẫn để ngỏ cơ hội hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên
Hãng tin AP: Mỹ muốn Nga tác động đến Triều Tiên để kiềm chế chương trình tên lửa của mình. Liệu Nga có ủng hộ những biện pháp trừng phạt nặng hơn nữa đối với Triều Tiên không? Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Nga với Mỹ và với ông Donald Trump.
- Các bạn hay thật đấy. Các bạn có để ý là các nghị sĩ Mỹ trông thì cũng rất thông minh, dáng vẻ rất đàng hoàng nhưng lại xếp nước Nga chúng tôi vào một hàng với Triều Tiên và Iran hay không? Và đã thế, họ lại còn hối thúc ông Donald Trump kêu gọi chúng tôi cùng với Mỹ giải quyết các vấn đề Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Iran.
Nói thật là chuyện này rất kì lạ. Chuyện này đúng là ngoài sức tưởng tượng.
Chính sách của nước Nga không như chính sách của một số nước khác. Không đi theo lợi ích chính trị nhất thời. Chúng tôi cố gắng làm việc với tất cả các đối tác một cách xây dựng về các vấn đề cấp bách. Bất chấp một số quyết định không bình thường đối với mình, chúng tôi vẫn nhất quán với chính sách đó.
Lập trường của chúng tôi đã rất rõ. Chúng tôi không công nhận quy chế hạt nhân của Triều Tiên. Chúng tôi nêu rõ những gì Triều Tiên đang làm là không có tính xây dựng, là bất lợi. Ngay từ năm 2005, đã có thỏa thuận là Triều Tiên sẽ ngừng chương trình hạt nhân, nhưng sau đó một vài tháng thì Mỹ lại cảm thấy kết quả đó là chưa đủ. Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt và đưa ra những đòi hỏi mới. Kết cuộc là Triều Tiên đã từ bỏ những thỏa thuận đã đạt được.
Thực tế là Triều Tiên đã bị khiêu khích. Sau đó đã diễn ra những sự kiện còn tệ hơn nữa: Libya, Iraq. Triều Tiên không thấy một lối thoát nào khác ngoài việc phát triển công nghệ tên lửa hạt nhân của mình. Đã phát triển đến mức mà họ có thể phóng được tên lửa tới lãnh thổ Mỹ.
Trước đây các bên cũng đã thỏa thuận không tiến hành các cuộc tập trận nhưng vẫn tổ chức các cuộc tập trận. Và Triều Tiên cũng tập trận.
Xung đột hạt nhân không phải là giải pháp cho vấn đề. Đánh Triều Tiên thì sẽ đánh vào vị trí nào? Liệu CIA có nắm được hết các mục tiêu chiến lược hay không? Tất nhiên là không vì Triều Tiên là một quốc gia khép kín.
Mỹ đã một lần sử dụng vũ khí hạt nhân và lần đó cũng không có cơ sở, đồng thời lần này cũng không hề có một sự cần thiết nào.
Dù sao cũng phải nói là trong ban lãnh đạo Mỹ cũng đã có những động thái hiểu được thực tế. Nếu chúng ta tiếp tục đi tiếp, tiếp tục có suy nghĩ tỉnh táo thì tất nhiên sẽ có sự hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
17:53 ngày 14/12/2017
Năm 2018 Nga sẽ không tăng thuế, nỗ lực để thuế kích thích phát triển
Báo điện tử Gazeta.ru: Qua những câu trả lời của tổng thống, tôi có ấn tượng tổng thống không được báo cáo chính xác về thực trạng của nền kinh tế. Liệu trong năm 2018 có tăng thuế hay không?
Hiện nay giới kinh doanh, người dân đều tin là chính quyền chưa tăng thuế để phục vụ cuộc bầu cử tổng thống. Còn về sau, chắc là thuế sẽ tăng. Tổng thống được báo cáo những gì về vấn đề này và liệu trên thực tế mọi chuyện như thế nào?
- Tôi không đồng tình với những ý kiến nói rằng là vấn đề thuế má không rõ ràng. Tôi thừa nhận đúng là trong quá trình cải cách thuế thì cũng đã có những áp lực đối với các doanh nghiệp. Trong tương lai, cần phải chế ngự được tình hình này.
Chúng tôi đã thống nhất là từ giờ đến năm 2018 thì sẽ không tăng thuế và tình hình nói chung đang được thực hiện như vậy. Còn sang năm 2019 thì sẽ như thế nào?
Tôi đã nhiều lần nói rằng chúng ta đã hoạch định được phương hướng phát triển cơ bản nhưng cần phải tìm kiếm thêm nguồn lực để hỗ trợ cho sự phát triển đó. Cần phải làm gì đối với hệ thống thuế để thuế sẽ là một đòn bẩy hữu hiệu, có tác động tốt tới các mục tiêu phát triển của đất nước.
Hiện nay nói về việc đó vẫn còn quá sớm vì trước hết vẫn cần sự thảo luân sâu rộng trong giới chuyên gia, sau đó đưa ra để cộng đồng doanh nghiệp, người dân thảo luận rộng rãi.
Đối với vấn đề thuế, chúng tôi sẽ thảo luận hết sức cẩn thận nhưng sẽ theo hướng làm sao để thuế kích thích được sự phát triển kinh tế, khuyến khích được người đóng thuế thực hiện chính sách chung.
17:43 ngày 14/12/2017
Putin đánh giá cao thành tựu của Trump, phản hồi việc Nga tiếp xúc chiến dịch ông Trump
ABC News (Mỹ) hỏi: Ngài Tổng thống giải thích như thế nào việc có rất nhiều cuộc tiếp xúc giữa Liên bang Nga và ê kíp tranh cử của ông Donald Trump?
Ngài đánh giá như thế nào về hoạt động của ông Trump trong một năm làm chủ Nhà Trắng?
- Tôi phải nói rằng việc đánh giá hoạt động của ông Trump không phải việc của tôi. Việc đó phải được cử tri Mỹ, nhân dân Mỹ thực hiện. Còn chúng tôi nhận thấy một số thành tựu khá lớn.
Các bạn hãy nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng, điều đó cho thấy có lòng tin đối với những gì ông Trump làm. Đó là thực tế khách quan và cần phải thừa nhận không phân biệt việc có đối lập với ông Trump hay không.
Theo tôi nghĩ, có những việc ông ấy muốn làm nhưng hiện tại chưa thể làm được, chẳng hạn cải cách y tế. Hoặc trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, thì đó là quan hệ với Nga. Có thể thấy là ông ấy muốn cải thiện quan hệ nhưng không thể làm được điều đó vì những hạn chế đã biết.
Tôi hi vọng là mong muốn của ông ấy vẫn tiếp tục được duy trì. Tôi hi vọng là trong tương lai, quan hệ Nga Mỹ sẽ được bình thường hóa, sẽ phát triển. Giữa hai nước chúng ta có nhiều vấn đề có thể hợp sức để làm một cách có tiếp quản.
Còn nói về cuộc tiếp xúc với chiến dịch của ông Trump thì mọi chuyện đều do những người ở phe đối lập với Trump đưa ra. Người ta làm điều đó mà không hiểu rằng chính điều đó gây tổn hại cho chính trị nội bộ của Mỹ.
Các bạn có tưởng tượng được không? Lẽ nào lại phải cấm hết mọi cuộc tiếp xúc? Đại sứ của Nga tại Mỹ bị cáo buộc là đã gặp người này người khác. Chuyện gặp gỡ như thế là chuyện bình thường, gặp để mà thảo luận những vấn đề triển vọng phát triển. Những hoạt động đó có ai cấm đâu? Vì sao người ta lại nói như thế đó là hoạt động gián điệp?
Các bạn cũng đã thấy người ta điều tra cả những hoạt động, những thông tin trên cả mạng xã hội. Trên các mạng đó, các công ty của chúng ta xuất hiện rất ít trong khi các công ty Mỹ xuất hiện nhiều hơn hẳn.
Người ta ứng xử với các phương tiện truyền thông của Nga cũng như vậy. Tỉ trọng của RussiaToday (RT) và Sputnik chẳng thấm tháp gì so với phương tiện truyền thông đài Mỹ. Tự do ngôn luận ở đâu?
17:34 ngày 14/12/2017
Công tác tổ chức World Cup 2018 tiến triển theo kế hoạch
Nhà báo Nikolai Yaremenko của Báo thể thao Soviet: Nước Nga chúng ta đã tổ chức những giải thể thao lớn rất tốt. Sang năm chúng ta sẽ đăng cai World Cup 2018. Tôi nghĩ mọi việc sẽ rất tốt. Chúng ta đều biết những thành phố lớn đều đã quen với khâu tổ chức những giải lớn rồi, nhưng những thành phố nhỏ mà ít người nước ngoài tới sẽ tổ chức WC2018 như thế nào?
- Bạn đã nói rất đúng. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức những cuộc thi đấu thể thao quốc tế lớn. Tôi sẽ không liệt kê ra đây, nhưng vừa qua chúng ta đã tổ chức giải cúp bóng đá các liên đoàn châu lục ở trình độ rất cao.
Hiện nay mọi vấn đề về tổ chức WC2018 đều đã tiến triển theo kế hoạch. Cũng có một địa phương thì tiến độ hiện nay đang chậm 2 tháng, nhưng tình hình sẽ được cải thiện. Chi phí tổ chức chưa đến một nửa tổng kinh phí giải từ ngân sách nhà nước, còn hơn một nửa là từ nguồn vốn của tư nhân.
Cũng như hồi đăng cai Olympic ở Sochi (2014), tiền nhà nước đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được thực hiện một cách đúng thời hạn với chất lượng cao.
17:25 ngày 14/12/2017
Nga sẽ đối thoại với các cơ quan thể thao quốc tế về việc cấm Nga dự Olympic và vấn đề doping
Câu hỏi của kênh truyền hình thể thao TV: Có những vấn đề giữa chúng ta với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Tổ chức Chống doping Quốc tế (WADA). Theo tổng thống, khả năng ra khỏi tình hình căng thẳng này như thế nào?
- Tôi và một số đồng nghiệp của tôi đã nói rằng vụ scandal này được thổi bùng lên trước dịp có những sự kiện chính trị nội bộ quan trọng ở nước Nga. Đúng như vậy, tôi biết rõ như thế. Nhưng đồng thời cũng phải nói rằng chính chúng ta cũng có lỗi bởi nhiều trường hợp sử dụng doping đã được phát hiện. Mặc dù các nước khác cũng có chuyện sử dụng doping, nhưng những vụ việc đó không bị chính trị hóa đến mức như của nước Nga.
Làng thể thao thế giới cũng có những vấn đề của nó. Chẳng hạn vì lí do sức khỏe, có những vận động viên được sử dụng những loại thuốc bị cấm. Điều đó là không bình thường. Như thế lại có những vận động viên có lợi thế trong thi đấu. Lẽ ra trong những trường hợp đó, những vận động viên đó nên rút lui.
Hôm nay tôi không muốn chỉ trích ai nhưng cần phải bảo đảm được sự ganh đua thể thao thực sự. Rồi đây chúng ta sẽ đối thoại với IOC và WADA như thế nào, tôi hi vọng cuộc đối thoại diễn ra một cách xây dựng. Chúng ta cũng sẽ đấu tranh qua các tòa án dân sự để bảo vệ lợi ích các vận động viên của chúng ta.
17:18 ngày 14/12/2017
Nga phát triển mạnh hệ thống bồi dưỡng trẻ em
Nữ nhà báo Arina Zhukova của kênh truyền hình trẻ em: Nhà nước giúp đỡ phát triển trẻ em có năng khiếu như thế nào? Và trong tương lai sẽ thực hiện chương trình này như thế nào?
Theo sáng kiến của tổng thống thì trại hè dành cho trẻ em năng khiếu Sirius đã được xây dựng, nhiều trẻ em có năng khiếu đã được tiếp nhận vào đây nhưng liệu bao nhiêu em khác thì sẽ như thế nào?
- Tôi đã nói rằng tất cả trẻ em đều có năng khiếu. Vấn đề làm thế nào để phát huy tài năng của các em? Đây không phải là câu nói suông mà đã có những công trình nghiên cứu để tìm cách giải quyết vấn đề này.
Bạn có nhắc đến trại hè Sirius, một trung tâm giúp đỡ, hướng dẫn các em có năng khiếu. Chúng tôi muốn xây dựng tiếp những cơ sở khác nữa đạt trình độ quốc tế, có công nghệ tin học hiện đại và nhiều công nghệ của nhiều ngành khoa học khác để cho các em học tập, hoạt động.
Hiện nay ở nước ta không chỉ có Sirius mà còn có những trại hè như Artek, Okean... Những cơ sở này giúp đỡ, hướng dẫn trẻ em. Đương nhiên chúng ta mong muốn có nhiều cơ sở như thế nữa khắp cả nước. Đây cũng là mối quan tâm lớn của nhà nước.
17:15 ngày 14/12/2017
Nga sẽ không rút khỏi các hiệp ước nền tảng, ngân sách quốc phòng 46 tỉ USD là đủ
Nhà báo Sergei Brilev của kênh truyền hình Rossia 1: Ngay từ khi tình hình địa chính trị chưa căng thẳng như hiện nay thì có những vấn đề cơ bản trong quan hệ quốc tế cũng đã bị lung lay. Liệu Hiệp ước Hạn chế Vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 3 có tiếp tục tồn tại được hay không?
Nếu như hiệp ước này không tồn tại được nữa, điều đó có dẫn tới cuộc chạy đua vũ tranh, buộc chúng ta phải tăng chi phí cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí hay không? Như vậy liệu các chi phí quân sự có ảnh hưởng đến chi phí xã hội của nước ta hay không?
- Chúng ta không rút ra khỏi những hiệp ước nền tảng, bảo đảm cho an ninh quốc tế. Chúng ta không rút ra khỏi hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng Mỹ thì đã đơn phương làm điều đó. Mỹ hiện nay cũng đang dự tính rút ra khỏi những hiệp ước khác nữa, họ đang tuyên truyền mạnh về khả năng này. Họ tìm cách cáo buộc nước Nga không thực thi hiệp ước nhưng chính họ lại xây dựng ở Romania những bệ phóng tên lửa mà từ đó, có thể dễ dàng phóng tên lửa tầm trung. Nếu tình hình như thế cứ tiếp diễn thì mọi chuyện sẽ rất xấu. Nhưng nước Nga chúng ta không có ý định rút ra khỏi bất kì hiệp ước nào.
Còn về Hiệp ước Hạn chế Vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 3 (SALT-3) thì chúng ta thường nghe Mỹ nói là hiệp ước đó không có lợi cho họ. Nếu Mỹ đơn phương rút ra khỏi hiệp ước, thì điều đó sẽ rất xấu cho hòa bình và ổn định trên thế giới. Nhưng chúng ta sẽ bảo đảm được an ninh cho mình mà không sa vào cuộc chạy đua vũ trang. Chi phí quân sự của chúng ta đã được cân đối.
Chúng ta cần phải bảo đảm an ninh quốc gia nhưng không để cho kinh tế bị suy sụp. Đó là nguyên tắc mà chúng ta làm căn cứ chính sách. Ở Mỹ vừa kí luật về chi phí quốc phòng 700 tỉ USD còn chúng ta thì chỉ hơn 46 tỉ USD một chút. Nhưng đối với chúng ta, số tiền đó là đủ.
17:03 ngày 14/12/2017
Nga tập trung nguồn lực khai thác Bắc Cực
Phóng viên từ nước cộng hòa Komi: Theo tổng thống thì các địa phương cần phải cân đối những ưu tiên của mình như thế nào để tạo điều kiện cho nhà nước tập trung được nhiều nguồn lực vùng khai thác Bắc Cực?
Chúng ta đã có cả một chương trình nhằm phát triển vùng Bắc Cực. Nói như Lomonosov, sự giàu có của nước Nga cần phải được gia tăng nhờ vùng Bắc Cực. Điều quan trọng là làm sao để việc khai thác công nghiệp vùng Bắc Cực tiến hành song song với vấn đề giải quyết liên quan đến môi trường, tự nhiên và bảo đảm được an ninh khu vực.
Cách đây chưa lâu, nhiều người hướng dẫn tham quan thường gọi một số hòn đảo ở vùng Bắc Cực là những hòn đảo "trước đây thuộc về nước Nga". Nhưng gần đây chúng ta đã tiếp cận được những hòn đảo này và chúng ta đã nhắc nhở mọi người những hòn đảo đó thuộc quyền sở hữu của ai?
Trong quá trình phát triển vùng Bắc Cực thì không được bỏ quên lợi ích của các dân tộc bản địa ở vùng miền Bắc, không được quên những ngành kinh tế truyền thống của họ. Do đó, khi nhà nước thực hiện dự án lớn để phục vụ lợi ích chung to lớn của nhà nước thì không thể quên biện pháp đền bù cho những dân tộc ở vùng miền Bắc.
16:56 ngày 14/12/2017
Nga đã vượt qua hai cú sốc 2014-2015, lạm phát thấp kỷ lục
Nữ phóng viên Kira Latukhina của Báo Nga: Tăng trưởng kinh tế mà chính phủ thường xuyên nói đến là dựa trên điều gì? Đó là chuyện đưa ra những con số đẹp hay là chúng ta đã thực sự sản xuất được máy công cụ, máy kéo, máy tính nhiều hơn?
- Kinh tế thật sự là có tăng trưởng, đây là thực tế chứ không phải là việc đưa ra những con số đẹp. GDP tăng 1,6%, sản lượng công nghiệp cũng tăng 1,6%. Công nghiệp sản xuất ô tô, nông nghiệp, dược phẩm cũng phát triển tốt trong năm nay với 3%. Vụ mùa thu hoạch kỉ lục tốt nhất trong lịch sử của nước ta. Xuất khẩu ngũ cốc tăng. Chúng ta đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc.
(Ảnh: © Moskva)
Tôi khẳng định là kinh tế có tăng trưởng và sự tăng trưởng đó là dựa trên việc chúng ta đã vượt qua được 2 cú sốc trong năm 2014-2015. Hai cú sốc đó là việc giá năng lượng giảm mạnh và những biện pháp cấm vận.
Hiện nay kinh tế của chúng ta phát triển dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước, đầu tư vào tài sản cố định của chúng ta tăng 4,2%. Điều này có nghĩa là việc đầu tư cho phát triển đang được tăng lên. Như vậy, sự phát triển trong tương lai được bảo đảm. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong năm nay đạt 2,3 tỉ USD, tăng gấp đôi so với 2016.
Ở nước ta, lạm phát thấp một cách kỉ lục trong toàn bộ lịch sử của nước Nga mới: 5,2%. Nền kinh tế đang trở nên lành mạnh hơn nên phải nói là chính phủ công bố số liệu một cách khách quan.
Nhưng đúng là có vấn đề liên quan đến môi trường, sinh thái bị ảnh hưởng do quá trình phát triển. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng nước Nga, cho nên chúng ta cần phải tìm kiếm biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, chúng ta đã có quyết định là trong trường hợp thực hiện các dự án hạ tầng lớn thì phải trồng cây đủ để bù lại số cây đã phải chặt phá để xây dựng đường sá, công trình. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm được biện pháp này thì chúng ta sẽ đi đúng hướng.
16:49 ngày 14/12/2017
"Người lãnh đạo cần nắm hết tình hình"
Nữ phóng viên Maria Kralotsova từ thành phố Kaliningrad: Năm nào cũng có những người dân gửi thư cho tổng thống trình bày các vấn đề, trong đó có những vấn đề rất riêng tư. Xin tổng thống cho biết vì sao họ coi đó là khả năng duy nhất để giải quyết vấn đề của mình? Cần phải có bao nhiêu thời gian để giải quyết được những vấn đề tồn đọng theo cách thức xử lí từng vụ việc như thế?
Xin hỏi câu hỏi tiếp, đường vành đai ở Primorie đang dang dở. Liệu chính quyền Liên bang có tham gia hỗ trợ để hoàn thành được hay không?
- Tôi đã nhiều lần nói một trong những ưu tiên của chính quyền trong những năm sắp tới là phải phát triển cơ sở hạ tầng. Trước hết đó là đường sá, hải cảng, sân bay, thông tin liên lạc ở Primorie, đường vành đai mà chỉ nói là cần phải được hoàn thành.
Chúng tôi sẽ có quyết định nhưng cũng còn phải tính toán, cân đối với những địa phương khác nữa. Chúng tôi sẽ cùng với chính phủ và các chuyên gia tìm kiếm nguồn tài chính cho những dự án tương tự. Câu trả lời cụ thể với câu hỏi của bạn, có lẽ tôi sẽ trả lời sau. Cần phải suy nghĩ thêm về vấn đề này.
Ông Putin cho rằng phe đối lập ở Nga không có một chương trình thực sự để giải quyết các vấn đề của đất nước (Ảnh: Kremlin)
Câu chuyện về việc quản lý điều hành giải quyết từng vụ việc một, một cách thủ công bị người ta nói hơi quá. Ở các địa phương cũng như ở cấp Liên bang, thì chính quyền giải quyết vô cùng nhiều vấn đề.
Chính quyền không thể can dự vào từng vấn đề cụ thể, nhỏ lẻ được. Tất nhiên người lãnh đạo cần phải biết hết, nắm hết tình hình. Và để làm được điều đó chúng tôi có nhiều biện pháp, chẳng hạn tổ chức các cuộc đối thoại, các kênh để người dân có thể liên hệ trực tiếp với quan chức nhà nước. Đó là sự bổ sung cho hệ thống hoạt động chung của chính quyền.
16:41 ngày 14/12/2017
Ông Putin độc lập ứng cử tổng thống Nga 2018
Phóng viên A. Kolesnikov của báo Kommersant: Tổng thống ra tái tranh cử với tư cách nào? Với tư cách cá nhân hay do một chính đảng giới thiệu? Tổng thống thuộc lực lượng nào? Có tin nói là trong phủ tổng thống hiện nay đang có bất đồng về lựa chọn người đứng đầu Ủy ban Vận động bầu cử của ông. Hôm nay tổng thống có thể cho biết ai sẽ lãnh đạo Ủy ban không, và liệu điều đó có quan trọng với tổng thống không?
- Tôi tự ra ứng cử, nhưng tôi rất hi vọng sẽ có được sự ủng hộ của những lực lượng chính trị chia sẻ quan điểm của tôi đối với việc phát triển đất nước và tin cậy tôi.
Hôm qua (13/12), tôi đã nói về vấn đề người đứng đầu Ủy ban Vận động bầu cử rồi, nhưng hiện nay chưa có quyết định cuối cùng.
Cuộc họp báo cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Putin thu hút lượng phóng viên đưa tin đông kỷ lục (Ảnh: Kremlin)
16:39 ngày 14/12/2017
Ông Putin lý giải nguyên nhân Nga không có ứng viên tổng thống thứ hai đủ mạnh
Phóng viên Alexei Yunashev của tờ Life: Khi Tổng thống chưa công bố quyết định tái tranh cử thì có một số người cho biết sẽ ra tranh cử Tổng thống. Nhưng điểm số tín nhiệm của những người đó rất thấp. Vậy xin hỏi Tổng thống tại sao ở nước ta không có một ứng cử viên thứ 2 nào thật mạnh?
Một phóng viên của từ nước cộng hòa tự trị Tatarstan: Câu hỏi của tôi liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, tổng thống cũng biết đấy, tại nước cộng hòa của chúng tôi và một số địa phương khác trong năm nay đã bùng lên vấn đề ngôn ngữ (tiếng dân tộc). Vấn đề này khiến cho chúng ta rất lo ngại. Liệu một hoặc hai năm nữa Tổng thống có nêu vấn đề này ra để xem xét hay không? Liệu tổng thống có kế hoạch sáp nhập một số nước cộng hòa hay không?
- Tôi cho là ở nước ta vấn đề dân tộc không gay gắt. Vấn đề ngôn ngữ được đặt ra nhằm một mục đích thôi, đó là bảo đảm cho trẻ em ở Liên bang Nga những điều kiện học tập bình đẳng. Tất cả các trẻ em đều phải có điểm xuất phát như nhau. Nếu các em chỉ biết tiếng dân tộc mà không biết tiếng Nga thì rất dở bởi vì việc giảng dạy tại các trường Đại học được thực hiện bằng tiếng Nga.
Cần phải bảo đảm cơ hội cho mọi người học tiếng dân tộc ở nước Nga chúng ta. Có nhiều dân tộc, do đó có rất nhiều tiếng dân tộc, đấy chính là tài sản của chúng ta.
Chúng tôi không có ý định áp đặt bất kì một phương án nào để sáp nhập các khu vực. Bất kì dân tộc não cũng phải được tự mình lựa chọn lấy hình thức tổ chức và chung sống với các dân tộc khác của nước Nga. Không có bất kì một kế hoạch nhà nước nào về việc sáp nhập các nước trên và không thể có những kế hoạch đó.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát tường thuật cuộc họp báo cuối năm của ông Putin (Ảnh: Hữu Dũng)
Bây giờ tôi trả lời câu hỏi về lực lượng đối lập. Bạn đã hỏi vì sao ở nước ta lại không có những ứng cử viên có sức cạnh tranh mạnh. Vấn đề của lực lượng đối lập thì tôi không chịu trách nhiệm. Nhưng đương nhiên tôi mong muốn là ở nước ta có được một hệ thống chính trị cân bằng mà muốn vậy thì không thể không có một sự cạnh tranh trên chính trường được.
Vì sao ở nước ta những người đối lập lại không tạo ra được một sự cạnh tranh thật sự đối với chính quyền? Có thể nói ở nước ta thì tình hình cũng có đặc thù.
Những người trẻ hiện nay không biết được những gì đã diễn ra ở nước ta trong những năm 1990, vì thế mà không thể so sánh được với tình hình hiện nay.
Ở nước ta, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 75% so với năm 2000, sản lượng công nghiệp tăng 70%. Tiền lương thực tế thì có giảm 1 ít nhưng kể từ năm 2000 đã tăng 3.5 lần, tiền hưu thực tế thì tăng 3.6 lần.
Tỉ lệ tử vong trẻ em thì giảm 2.6 lần. Tỉ lệ tử vong của người mẹ khi sinh cũng giảm. Chúng ta đã thay đổi hẳn tình hình dân số và nhà nước sẽ có thêm những biện pháp bổ sung để cải thiện tình hình dân số, và tôi tin chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này.
Tuổi thọ trung bình của nước ta trước đây là 65 tuổi, còn bây giờ là 73. Chúng ta đã từng sống trong điều kiện nội chiến khoảng 10 năm. Các bạn cũng thấy đấy, quân đội chúng ta hiện nay đã lớn mạnh như thế nào. Nguồn tài sản dự trữ của đất nước đã tăng 30 lần.
Khi chúng ta nói đến hoạt động của lực lượng đối lập thì điều quan trọng là không chỉ tập hợp người làm ầm ĩ trên các quảng trường, mà nên biết đề xuất những điều gì để làm cuộc sống tốt hơn.
Khi phân tích và xem xét những gì mà các thủ lĩnh phe đối lập đề xuất, thì người dân Nga có đầy những hoài nghi. Thực tế nên đề xuất những chương trình nghị sự khả thi, những chương trình mà người dân, cử tri có thể tin tưởng được.
16:15 ngày 14/12/2017
Vì sao ông Putin tái tranh cử?
Darya Knoppe, nữ phóng viên của đài tiếng nói Moksva, được đặt câu hỏi đầu tiên cho Tổng thống Nga.
Nữ phóng viên Darya Knoppe
Thưa ông, tại sao ông tái tranh cử? Mục đích là gì? Tổng thống muốn làm được những gì cho nước Nga? Nếu tái đắc cử thì Tổng thống mong muốn vào cuối nhiệm kì tiếp theo của mình, nước Nga trở thành quốc gia như thế nào?
- Các bạn đã nhiều lần hỏi tôi mong muốn nước Nga phát triển như thế nào. Nước Nga của tương lai phải là một quốc gia rất hiện đại, kinh tế phải phát triển dựa trên những công nghệ cao và phải tăng trưởng nhiều lần nữa.
Vào lúc này tôi không muốn nói về cương lĩnh tranh cử. Điều cơ bản mà chính quyền và xã hội cần phải quan tâm là phải phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, công nghệ cao, nâng cao năng suất lao động và cần phải tăng thu nhập của người dân.
16:05 ngày 14/12/2017
Ông Putin bắt đầu cuộc họp báo cuối năm truyền thống
Cuộc họp báo với sự góp mặt của hơn 1.600 phóng viên từ Nga và các nước chính thức mở màn lúc 16h08.
Ông Putin bước vào, bắt đầu cuộc họp báo. Ông không nói về tình hình trước, sau khi chào hỏi, Tổng thống cho biết không cầm theo giấy tờ, tư liệu gì về tình hình kinh tế xã hội và sẽ trả lời tùy theo từng câu hỏi.
Ông Putin bước vào hội trường họp báo (Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters)
15:02 ngày 14/12/2017
Số phóng viên kỷ lục dự họp báo được kỳ vọng nhất năm 2017 của tổng thống Putin
Cuộc họp báo cuối năm 2017 của tổng thống Putin bắt đầu lúc 12h trưa nay 14/12 theo giờ địa phương (tức 16h giờ Việt Nam) tại thủ đô Moskva, Nga, và được chúng tôi tường thuật trực tiếp với sự tham gia của nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương.
Theo hãng thông tấn TASS, số lượng phóng viên kỷ lục là 1.640 người, đến từ nhiều vùng của nước Nga và cả từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Ba Lan, Estonia,... đã được cấp phép tham dự họp báo cuối năm của tổng thống Putin.
Đáng chú ý, trong số phóng viên dự họp báo có nữ nhà báo Ksenia Sobchak, người cũng tranh cử tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm sau. Bà đại diện cho kênh truyền hình Dozhd. Sobchak đã dự họp báo của ông Putin trong hai năm 2014 và 2015.
Mức độ phổ biến của chương trình họp báo cuối năm của ông Putin đã gia tăng qua từng năm. Từ hơn 500 phóng viên tham dự vào năm 2001, con số này tăng lên thành 1.390 vào năm 2015, và 1.350 vào năm ngoái.
Cuộc họp báo năm nay sẽ là cuộc cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Vladimir Putin, và việc ông quyết định tái tranh cử khiến sự kiện này có "sức nóng" lớn hơn hẳn.
Chương trình họp báo cuối năm thường niên của ông Putin chỉ gián đoạn trong 4 năm, từ 2008 đến 2012, khi ông giữ cương vị thủ tướng Nga.
Tổng thống Nga có truyền thống họp báo vào tháng 12 hàng năm để tổng kết những thành quả đạt được trong năm vừa qua và sự kiện này không bị giới hạn về thời gian. Cuộc họp báo có thời lượng ngắn nhất là năm 2001, kéo dài 1 tiếng 33 phút. Kỷ lục kéo dài nhất là vào năm 2008, ông Putin đã trả lời các câu hỏi trong 4 tiếng 40 phút liên tục.
Trí thức trẻ