Ông Tập cười khi nghe thông báo kết quả sửa hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch TQ
Ông Tập Cận Bình được đánh giá là có thái độ "tự tin và thư giãn" trong phiên họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 về vấn đề sửa đổi hiến pháp.
- 03-02-2018Thượng tướng Trung Quốc xuất hiện cùng ông Tập Cận Bình, đập tan tin đồn "ngã ngựa"
- 10-11-2017Quan điểm đối lập về toàn cầu hóa của Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm nóng ngày cuối CEO Summit
- 10-11-2017Ông Tập Cận Bình: Toàn cầu hóa là một bước ngoặt lịch sử không thể nào đảo ngược
- 03-11-2017Tập Cận Bình – Người tô màu cho “giấc mộng Trung Hoa”
Cuộc biểu quyết nhanh chóng và nghiêm ngặt
Gần 3.000 nhà lập pháp Trung Quốc đã bỏ phiếu với tỉ lệ đồng thuận lên đến gần 100% để thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp nước này, bao gồm xóa bỏ quy định về giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, đồng thời ghi vào hiến pháp Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Tập - với gương mặt không biểu cảm trong nhiều phiên họp kể từ khi kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc thứ Hai tuần trước (5/3) - đã tỏ ra thoải mái hơn nhiều trong ngày 11. Ông thậm chí còn mỉm cười khi nghe Phó chủ tịch Quốc hội Vương Thần công bố kết quả cuộc bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp, với chỉ 2 trong số 2.964 đại biểu bỏ phiếu phản đối, ngoài ra có 3 phiếu trắng và 1 phiếu không hợp lệ.
Bản hiến pháp sửa đổi năm nay của Trung Quốc nhận được tỉ lệ ủng hộ cao nhất kể từ lần sửa đổi năm 1999, và quá trình bỏ phiếu cũng hoàn thành trong thời gian kỷ lục là dưới một tiếng đồng hồ. Lần gần đây nhất, vào năm 2004, Quốc hội Trung Quốc đã mất gần 2 giờ để tiến hành quy trình biểu quyết về sửa hiến pháp.
Ông Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên họp Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 (Ảnh: AP)
SCMP mô tả, hầu như không có tranh cãi, thảo luận hay "kéo phiếu". Toàn bộ sự kiện được điều hành chặt chẽ đến từng chi tiết. Tất cả đại biểu tập trung ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh vào đúng 15h chiều ngày 11/3 (giờ địa phương). Mỗi đại biểu nhận một lá phiếu màu hồng kích thước A4, họ được hướng dẫn nhanh cách dùng chiếc bút thiết kế đặc biệt để điền lựa chọn vào phiếu, trước khi bỏ phiếu vào 1 trong 28 chiếc thùng kiểm phiếu bằng điện tử màu đỏ - được lập trình để scan và ghi lại kết quả trên phiếu ngay lập tức.
Toàn bộ quá trình diễn ra nhanh chóng và không hề gặp trục trặc.
Trên nền bản nhạc truyền thống vui vẻ của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình bước lên lễ đài để bỏ lá phiếu đầu tiên giữa "những tràng pháo tay như sấm" - theo SCMP.
Ông Vương Kỳ Sơn, người điều hành chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập trong suốt 5 năm đầu nhiệm kỳ, cũng nhận được những tràng vỗ tay lớn dù ông đã về hưu sau Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2017) và hiện là một đại biểu Quốc hội phổ thông.
Ông Vương, 69 tuổi, được truyền thông quốc tế quan tâm khá nhiều khi ngồi ở hàng ghế thứ hai trên lễ đài, ngay phía sau 7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc. Mọi chi tiết như thế trong các sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc đều được nhìn nhận là có sự tính toán kỹ lưỡng và mang theo những thông điệp chính trị.
Quốc hội Trung Quốc thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 2018
Các lãnh đạo Trung Quốc "thở phào" sau khi bỏ phiếu
Cũng theo SCMP, bầu không khí trên lễ đài của Đại lễ đường nhân dân trở nên dễ chịu hơn so với vài ngày trước. Nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tỏ ra thoải mái hơn sau khi bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp.
Ông Vương Thần - người điều hành quá trình bỏ phiếu - được nhìn thấy trò chuyện tự nhiên với ông Tập, thủ tướng Lý Khắc Cường và chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang. Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Hàn Chính thì trao đổi khá nhiều với Bí thư Ban bí thư Vương Hỗ Ninh và Chánh văn phòng trung ương ĐCSTQ Đinh Tiết Tường.
Tiếp xúc báo giới bên ngoài Đại lễ đường, đa số đại biểu bày tỏ ủng hộ nhiệt liệt với tu chính án mới thông qua, hoặc từ chối trả lời.
Ông Thẩm Xuân Diệu, chủ nhiệm Ủy ban công tác pháp chế thuộc Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, bỏ qua câu hỏi của phóng viên Reuters - liên hệ hiến pháp sửa đổi với Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc (1966-1976). Ông nói rằng việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức Chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm này sẽ không vấp phải rủi ro đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ "quyền lực một người", hay dẫn đến các vụ cạnh tranh quyền lực nội bộ.
"Với những giả định, phỏng đoán và suy diễn trong câu hỏi của bạn, tôi tin rằng nó không tồn tại," ông Thẩm phát biểu.