MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông tổ" giao dịch nội gián Phố Wall: Không phải JP Morgan hay Joseph P. Kennedy, người đàn ông ít ai biết đứng đằng sau cơn hoảng loạn của nước Mỹ năm 1792 là ai?

31-03-2022 - 20:03 PM | Tài chính quốc tế

"Ông tổ" giao dịch nội gián Phố Wall: Không phải JP Morgan hay Joseph P. Kennedy, người đàn ông ít ai biết đứng đằng sau cơn hoảng loạn của nước Mỹ năm 1792 là ai?

Trong những năm 1790, có một người đàn ông đã từng "làm mưa làm gió" tại phố Wall.

Khởi đầu tốt đẹp

Câu chuyện của Phố Wall bắt đầu vào ngày 17/5/1792, tại một vùng đất xa xôi được gọi là Manhattan, một nhóm người đã bắt tay vào bàn việc kinh doanh. Họ đã ký kết một văn bản bên dưới gốc cây sung, được gọi là Thỏa thuận Buttonwood. Ngày nay hầu như không ai còn nhớ đến cái cây đó, nhưng họ đều biết đến Phố Wall.

Mọi người chắc hẳn đều đã từng nghe nói về JP Morgan, người đàn ông từng nắm trong tay nhiều quyền lực đến mức kiểm soát gần một nửa số cổ phiếu giao dịch trên Phố Wall và đã nhiều lần cứu nước Mỹ khỏi sự điêu tàn về tài chính. Hầu hết mọi người đều nghe nói về Joseph P. Kennedy, người định giá, bán khống, thao túng thị trường và là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ. Một số người thậm chí có thể đã nghe nói về Charles Mitchell, chủ tịch Citibank một thời và là người đã phát minh ra việc bán cổ phiếu cho công chúng. Nhưng rất ít, rất ít người biết đến William Duer.

Ông tổ giao dịch nội gián Phố Wall: Không phải JP Morgan hay Joseph P. Kennedy, người đàn ông ít ai biết đứng đằng sau cơn hoảng loạn của nước Mỹ năm 1792 là ai? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ngày nay William Duer đã bị lãng quên. Nhưng vào thời của ông, Duer được biết đến với biệt danh "Vua của những con hẻm", và đối với những người trong lĩnh vực kinh doanh, ai cũng biết ông là người góp phần định hình Phố Wall nhiều hơn tất cả những người khác.

Cái tên William Duer đã nổi tiếng từ rất lâu về trước, trước cả khi Thỏa thuận Buttonwood được kí kết, khi việc giao dịch trái phiếu và chứng khoán diễn ra ngay trên đường phố. Chính nhờ Duer mà những người đàn ông đó đã tập hợp lại với nhau dưới gốc cây sung ấy, và thành lập sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên của New York. Trên thực tế, có thể nói William Duer đã tạo nên Phố Wall như ngày nay.

Vậy người đàn ông này là ai? William Duer là nhà đầu tư thực hiện giao dịch nội gián đầu tiên của Phố Wall và là người đứng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1792 tại Mỹ. Tại Phố Wall, chỉ có một việc duy nhất quan trọng, đó chính là kiếm tiền. Bạn càng kiếm được nhiều tiền, mọi người càng nhớ đến bạn, và ngược lại. Nhưng có lẽ lịch sử đã gạt William Duer sang một bên quá nhanh.

Quá khứ huy hoàng

Trước cơn hoảng loạn năm 1792, Duer là một cái tên đồng nghĩa với sự chính trực. Ông sinh ra trong tầng lớp thượng lưu, sống ngay gần Phố Wall hiện giờ. Và khi ông kết hôn, người mai mối cho vợ chồng ông chính là George Washington. Duer từng là thành viên của Quốc hội Lục địa. Ông là thẩm phán New York, bạn tốt của Alexander Hamilton, và thậm chí là người ký kết Điều khoản Hợp bang. Không một ai nổi bật hơn ông vào thời đó. Ông cũng là thư ký của Hội đồng Kho bạc, và đây cũng chính là nơi mọi rắc rối của ông bắt đầu.

Chính từ vị trí này, Duer đã học được tất cả những kiến ​​thức về nền tài chính Mỹ, và vào năm 1791, ông từ chức tại Bộ Tài chính. Sau đó, ông hợp tác với một người đàn ông tên là Alexander Macomb, một trong những người giàu có nhất New York.

Ông tổ giao dịch nội gián Phố Wall: Không phải JP Morgan hay Joseph P. Kennedy, người đàn ông ít ai biết đứng đằng sau cơn hoảng loạn của nước Mỹ năm 1792 là ai? - Ảnh 2.

Sử dụng tiền của Macomb, cũng như kiến ​​thức và mối quan hệ nội bộ của mình, vào tháng 3/1792, Duer bắt đầu đầu cơ vào cổ phiếu của Ngân hàng New York. Ngân hàng New York là công ty đầu tiên từng giao dịch trên Phố Wall và được thành lập bởi Alexander Hamilton. Ông là một nhà cách mạng người Mỹ, là người cha sáng lập và là thư ký đầu tiên của Kho bạc. Tuy nhiên, người ta thường nhớ đến ông khi nhìn vào tờ 10 USD.

Duer đã đặt cược vào mọi cổ phiếu ngân hàng mà ông có thể tìm thấy và cũng giống như những con bạc khác, ông không thể dừng lại. Khi tiêu hết tiền mà Macomb cho, ông bắt đầu đi vay ngân hàng và từ những người môi giới. Ông thậm chí còn vay mượn từ những người đánh giày, chủ cửa hàng và người quét đường. Càng vay, số cổ phiếu ông nắm giữ ngày càng nhiều, nhưng như vậy với ông vẫn chưa đủ.

Tiền mất tật mang

Và điều gì nên đến rồi cũng đến. Cuối cùng, tất cả đều sụp đổ. Một người nào đó thông minh và có nhiều tài nguyên hơn Duer đã phát hiện ra ông lợi dụng quyền truy cập thông tin mật để đầu cơ cổ phiếu và trái phiếu. Nguồn cung tiền cạn kiệt, các ngân hàng bắt đầu đòi nợ. Không còn tiền, Duer không thể trả nợ và tất cả là kết thúc.

Duer đã bị đưa ra sau song sắt, cũng như Macomb, người bạn của ông. Trên thực tế, mọi người truyền tai nhau rằng Duer đã tự giam mình lại. Ông đã vay tiền của hầu hết tất cả mọi người trong thị trấn: thợ nấu rượu, thợ may, thợ rèn, người bán thịt, thậm chí cả những góa phụ, và họ đều phẫn nộ. Duer sẽ luôn được biết đến là người thực hiện giao dịch nội gián đầu tiên của Phố Wall và là kẻ đứng sau cuộc hoảng loạn năm 1792. Sau tất cả, ông đã phải sống những ngày còn lại của mình trong cảnh nợ nần.

https://cafef.vn/ong-to-giao-dich-noi-gian-pho-wall-khong-phai-jp-morgan-hay-joseph-p-kennedy-nguoi-dan-ong-it-ai-biet-dung-dang-sau-con-hoang-loan-cua-nuoc-my-nam-1792-la-ai-2022033018023085.chn

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên