Ông Trầm Bê và các cựu cán bộ 4 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank, VNCB lại sắp phải hầu toà
Dự kiến phiên toà xét xử vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào ngày 24/7 đến 15/8/2018.
- 22-06-2018Không phát sinh tình tiết mới trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2
- 21-06-2018Toà án tiếp nhận lại hồ sơ truy tố Trầm Bê, Phạm Công Danh
- 20-06-2018Điều tra bổ sung vụ Phạm Công Danh: Phát sinh tình tiết mới tại Sacombank, BIDV?
Thông tin từ Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cho biết, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - hay còn gọi là vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 - sẽ được đưa ra xét xử trở lại vào ngày 24/7 tới đây. Phiên toà dự kiến kéo dài trong hơn 3 tuần, đến 15/8/2018.
Trước đó hồi tháng 1, Toà án nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm vụ án này với 46 bị cáo phải ra trước toà, trong đó có dàn cựu lãnh đạo VNCB, nguyên Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang, nguyên phó chủ tịch Sacombank Trầm Bê, nguyên phó giám đốc khối KHDN TPBank Đặng Thị Bích Thuỷ, nguyên giám đốc khối KHDN TPBank Đinh Việt Cường... nhưng sau gần 1 tháng xét xử, qua thời gian nghị án thì Hội đồng xét xử lại yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ thêm các vấn đề.
Các vấn đề được yêu cầu làm rõ bao gồm:
Một là, qua quá trình xét hỏi công khai tại toà, các bị cáo là cán bộ của các ngân hàng khác khẳng định không quen biết Phạm Công Danh, chỉ biết các công ty do VNCB và Phạm Công Danh giới thiệu, không biết mục đích vay tiền thực tế và sau khi vay được, dòng tiền đổ về cho Phạm Công Danh. Các bị cáo này có lỗi chưa tuân thủ đúng quy trình, nhưng không cố ý giúp sức cho Phạm Công Danh.
Hai là, bị cáo Trầm Bê khăng khăng cho rằng cùng hành vi như nhau tại 3 ngân hàng, nhưng chỉ mình bị cáo bị truy tố. Trầm Bê cho rằng việc cho vay như vậy là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật cũng như quy trình của ngân hàng. Bị cáo Trầm Bê nói chỉ phê duyệt chủ trương, không biết mục đích thật của Phạm Công Danh và các doanh nghiệp giả mạo hồ sơ vay tiền. Bị cáo không biết mục đích vay tiền, thực tế bị cáo Danh dùng tiền làm gì, do đó không thể buộc bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái. Sai sót chỉ là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới. Bị cáo không phục cáo buộc của Viện kiểm sát, đề nghị xem xét, làm rõ vấn đề này.
Hai nội dung trên, HĐXX đề nghị VKS đánh giá một cách khách quan, đảm bảo không oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Ba là, đối với các bị cáo là cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định, qua thẩm vấn, tranh tụng tại toà, đại diện Viện KSND xác định lại các bị cáo vi phạm một điều khoản khác với nội dung cáo trạng truy tố. Cần xác định lại để có căn cứ xét xử phù hợp, đúng người, đúng tội.
Bốn là, trong quá trình xét hỏi, có ý kiến cho rằng bị cáo Danh và đồng phạm có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Qua xét xử công khai, xác định bị cáo Danh có dùng tiền vay vốn của ba ngân hàng để trả nợ, trả lương nhân viên, nâng vốn điều lệ… Vì vậy cần điều tra bị cáo Danh có chiếm đoạt tài sản hay không, chiếm đoạt vào thời điểm nào và chiếm đoạt bao nhiêu?
Năm là, trong phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị thu hồi số tiền 6.126 tỷ của 3 ngân hàng để trả lại cho VNCB, vì đây là tiền vật chứng, đồng thời đề nghị làm rõ dòng tiền vay các ngân hàng, nếu là vật chứng thì thu hồi.
Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng có ý kiến cho rằng nếu thu hồi theo yêu cầu của VKS sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng. HĐXX xét thấy cần làm rõ chính xác hơn 6.126 tỷ đó vi phạm quy định nào, trên cơ sở đó xác định rõ vật chứng đó là của hành vi cố ý làm trái nào của Phạm Công Danh, bị truy tố cụ thể trong vụ án nào?
Sáu là, Phạm Công Danh và các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét 4.500 tỷ chuyển về VNCB để tăng vốn điều lệ, đây là tiền vay từ ba ngân hàng nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Số tiền này, theo tài liệu có thể hiện đã chuyển về VNCB, được VNCB sử dụng. Vậy Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ hay không, cần xác định rõ xem số tiền là bao nhiêu.
Các bị cáo trong vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2 ra toà hồi đầu tháng 1/2018
Đến đầu tháng 5/2018, Cơ quan CQĐT - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án.
Sau khi làm rõ vụ việc, phía cơ quan Công an kết luận hành vi của các đối tượng liên quan tại Sacombank, TPBank và BIDV đã được làm rõ, đã khởi tố hoặc kiến nghị xử lý hành chính khiêm khắc. Kết quả xác minh không phát sinh các tình tiết mới nên cơ quan Công an giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây.
Quá trình điều tra, có cơ sở căn cứ về hành vi của Phạm Công Trung (em trai của Phạm Công Danh) là đồng phạm, giúp sức cho Phạm Công Danh. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội "Cố ý làm trái…"; ông Trung đang điều hành Công ty Thiên Thanh, công ty này đang hoạt động bình thường và phối hợp với Công an giải quyết vấn đề dân sự của vụ án. Vì vậy, cơ quan điều tra đã không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự với Phạm Công Trung.
Về việc Vụ 3 – Viện KSND Tối cao yêu cầu làm rõ căn cứ kết luận vật chứng của vụ án là những khoản tiền nào, đảm bảo cho việc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng xác định là hậu quả thiệt hại cho VNCB, cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, các hợp đồng tín dụng trong việc cho 29 lượt công ty của ông Danh vay tiền có đủ hiệu lực pháp lý với 3 ngân hàng nêu trên và các khách hàng trong việc thực hiện nghiệp vụ cho vay theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra cũng làm rõ, VNCB sau đó được chuyển đổi thành Ngân hàng TNHH MTV Xây Dựng do Nhà nước làm chủ sở hữu. VNCB từng xin ý kiến NHNN hướng dẫn việc hạch toán số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB nhưng chưa được trả lời. Vì vậy, VNCB đang chờ kết quả xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn II cũng như hướng dẫn của NHNN để xử lý số tiền này.