MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Bá Dương: Từ kỹ sư cơ khí đến tầm vóc Việt của một tỷ phú

27-01-2020 - 10:14 AM | Doanh nghiệp

Từ những ngày đầu làm ô tô, cho tới nay là một hệ sinh thái đa dạng, cả địa ốc lẫn nông nghiệp, tỷ phú Trần Bá Dương luôn tâm niệm làm sao để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ kỹ sư cơ khí

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải (Thaco) nằm trong số ít những đại gia Việt giàu lên nhờ đầu tư ngành công nghiệp nặng mà không phải là từ đất.

Tại lễ công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 diễn ra vào cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận đóng góp lớn của Thaco khi biến vùng đất Chu Lai trở thành niềm tự hào của Quảng Nam và cả nước.

Năm 2003, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus có công suất 25.000 xe/năm, diện tích 38 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, nhà máy đầu tiên tại khu kinh tế này.

Ông Trần Bá Dương: Từ kỹ sư cơ khí đến tầm vóc Việt của một tỷ phú - Ảnh 1.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco

Có xuất phát điểm là một kỹ sư cơ khí, đến khi ra trường, ông Trần Bá Dương làm việc cho một công ty sửa chữa ô tô - đây chính là cơ duyên để dẫn dắt ông tới ngành ô tô.

Khi doanh nhân sinh năm 1960 quyết liệt đầu tư Thaco, nhiều người cho rằng ông "điên". Ba câu hỏi lớn đã được đặt ra ngay với chính quyền Quảng Nam và ông Dương khi đầu tư tại Chu Lai là di chuyển đến các vùng miền không thuận lợi; chi phí đầu tư cao và nguồn nhân lực hạn chế. Vì dân ở đây phần lớn là nông dân, để chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp là vô cùng khó. Ngay cả chính quyền cũng rất lúng túng, không thể trả lời được các câu hỏi trên. Vậy mà ông Dương với Thaco đã giải được bài toán ấy.

Sau 15 năm, bộ mặt của Chu Lai tới nay đã hoàn toàn biến đổi. Ông chủ Thaco cũng vì thế mà được giới doanh nhân nể trọng bởi nghị lực phi thường và sự kiên định đến cùng để biến điều không thể thành có thể. Thaco đã xây dựng hàng loạt hệ thống các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, xây dựng cảng biển, thành lập trường cao đẳng nghề với số lượng nhân sự hơn 6.000 người, trong đó có tới hơn 80% là người Núi Thành (Quảng Nam) được tổ chức đào tạo theo kiểu vừa học vừa làm, bằng thực tiễn sinh động và sự huấn luyện của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Chiến lược quan trọng, tạo nên thành công của Thaco là không tập trung xây dựng thương hiệu ô tô Việt Nam, mà đi theo con đường liên doanh, liên kết với các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu để chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho công nghiệp hỗ trợ lên đến 40% với các sản phẩm ô tô tải và 50% với xe bus.

Nói về 15 năm gắn bó với Chu Lai, ông Dương cho biết: "Năm 2003, Chu Lai là vùng đất nghèo, còn hoang sơ và Thaco chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh và sửa chữa ô tô tại Đồng Nai. Bản thân tôi chỉ mơ ước làm kinh tế cho gia đình và lo cuộc sống cho 300 anh chị em cộng sự. Sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam và tôi cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước. Có thể nói 15 năm Chu Lai là giai đoạn vươn mình trưởng thành của Thaco và cuộc đời doanh nhân của tôi".

Đến hình bóng một doanh nhân lớn: Hơn 1 lần điên!

Sau khi đạt được thành công lớn khi đầu tư vào Thaco tại Chu Lai, ông Dương tiếp tục làm những điều không nhiều người ủng hộ. Không dừng lại ở ô tô, ông Dương nuôi nhiều tham vọng về một tập đoàn đa ngành và lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Năm 2013, ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch CTCP đầu tư đại ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm, Quận 2 (TP.HCM) theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư tính bằng đơn vị chục nghìn tỷ.

Thời điểm quyết định đầu tư vào Thủ Thiêm, nhiều người cho rằng ông Dương "điên" vì dự án đã rơi vào bế tắc suốt hàng thập kỷ. Bản thân ông Dương cũng vốn chỉ quen thuộc với lĩnh vực ô tô. "Là tân binh trên thị trường, nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng khu đô thị có quy mô lớn, kiểu mẫu tại TP.HCM", ông Dương nói.

Bốn tuyến đường chính Đại Quang Minh xây dựng đã tạo ra sự thay đổi lớn cho Thủ Thiêm, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối tốt hơn với khu trung tâm cả bờ Đông và bờ Tây, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ Thiêm và TP.HCM .

Chiến lược của Đại Quang Minh là tấn công tổng lực, hàng loạt công trình được đồng loạt triển khai, cần rất nhiều sự hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật, quản trị tổng lực và chi tiết. Ông Dương đã huy động toàn bộ các nhà thầu Việt Nam và chỉ có nhà thầu Việt Nam tham gia được vào dự án này.

"Tôi quan niệm trong đối tác không phân biệt đối tác chiến lược và đối tác thường. Đại Quang Minh có những nhà thầu lớn, nhưng đồ nhỏ tôi thuê các công ty nhỏ làm. Đất nước cho mình cơ hội phát triển thì mình phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển theo. Nếu người ta chưa đạt, mình phải giúp họ tiêu chuẩn tiêu chí để họ hoàn thiện. Khi anh Trình, giám đốc marketing đưa những thương hiệu nước ngoài vào Đại Quang Minh, tôi đau lắm. Phải làm sao đưa thương hiệu chất lượng của Việt Nam vào, nếu đúng tiêu chuẩn, tiêu chí, là chúng tôi mua", ông Dương chia sẻ.

Thành công với lĩnh vực sản xuất ô tô, Thaco tiếp tục mở rộng quy mô thành một tập đoàn đa ngành trên mặt trận mới - nông nghiệp sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu bằng việc đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức và thành lập CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (Thadi) với vốn điều lệ 900 tỷ đồng.

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I từng kể lại: "Khi anh Trần Bá Dương hỏi ý kiến về chuyện cứu anh Đoàn Nguyên Đức, bởi tôi cũng làm nông nghiệp, tôi cản. Cản vì chuyện làm nông nghiệp quy mô lớn là vô cùng khó khăn". Tuy vậy ông Dương vẫn quyết rót hơn 2.200 tỷ đồng vào HNG. Cái bắt tay giữa Thaco và HNG vừa là chiến lược, vừa là tình bạn lâu năm để giúp bầu Đức cơ cấu nợ, vực dậy nông nghiệp, hoàn thành các dự án bất động sản.

Nói về tham vọng với nông nghiệp, ông Dương cho biết, năm 2019, doanh thu xuất khẩu trái cây của Hoàng Anh Gia Lai là 100 triệu USD, của Thadi là 55 triệu USD; công ty trồng mới 15.000ha cây ăn trái, trong đó có 5.000ha chuối. Năm 2020, dự kiến doanh thu xuất khẩu trái cây của HNG là 400 triệu USD, của Thadi là 600 triệu USD. Như vậy cả hai sẽ đạt doanh thu xuất khẩu trái cây 1 tỷ USD. "Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để đạt doanh thu trong chăn nuôi và nông nghiệp, xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2022", ông Dương nói.

Động thái gần đây của ông Trần Bá Dương cho thấy, Thaco đang tập trung đẩy mạnh mảng kinh doanh trái cây và chủ yếu bán vào thị trường Trung Quốc. Thaco đã mở rộng đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu có diện tích 451ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng được phân kỳ đầu tư trong 5 năm.

Trong suốt hành trình dài, Trần Bá Dương sinh năm 1960 tại Huế, từng được Forbes công nhận sở hữu khối tài sản 1,76 tỷ USD (6/3/2018). Đến năm 2016, Thaco trở thành công ty ô tô lớn nhất của Việt Nam với thị phần ô tô chiếm 32%. 60 tuổi và 40 năm hành nghề, cuộc đời ông Trần Bá Dương đã trải qua không ít thăng trầm. Người ta thấy đâu đó trong ông Dương tư duy, tầm nhìn của một doanh nhân "lớn".

Điều mà ông Dương hướng tới trong kinh doanh có lẽ không chỉ là lợi nhuận mà còn là một tầm vóc Việt, làm sao để "Việt hoá" được tối đa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Trong lựa chọn đối tác, hợp tác sản xuất, ông Dương hoàn toàn có thể lựa chọn các doanh nghiệp nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm, cạnh tranh nhưng ông luôn ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp Việt, lao động trong nước để tăng tính nội địa, giá trị gia tăng cho từng sản phẩm; tạo thêm cơ hội, việc làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho người lao động trong nước.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

Trở lên trên