MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, thị trường tài chính Việt còn vấn vương điều gì?

19-08-2016 - 08:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Với BIDV, ông Trần Bắc Hà dù không phải là ông chủ thực sự của ngân hàng mà chỉ là người làm thuê và do Nhà nước chỉ định đại diện vốn, nhưng nói đến BIDV không thể không nhắc tới Trần Bắc Hà.

Hôm nay (19/8/2016), ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Ngân hàng BIDV (BID) tròn 60 tuổi. Theo đúng quy định, ông sẽ rời nhiệm sở sau 35 năm gắn bó với nhà băng này và về hưu kể từ ngày 1/9. Người kế nhiệm của ông, được cho là một cán bộ trong ban lãnh đạo ngân hàng hiện thời.

Ông Trần Bắc Hà làm việc tại BIDV từ năm 1981 với khởi điểm là chi nhánh Bình Định – quê hương của ông, rồi sau đó lần lượt kinh qua các vị trí Giám đốc của các chi nhánh, các công ty con của BIDV. Từ năm 1999, ông Bắc Hà làm Phó Tổng giám đốc BIDV và đến năm 2003 làm Tổng giám đốc. Sau 5 năm ở cương vị CEO, ông Bắc Hà lên giữ ghế chủ tịch từ 2008 và tiếp tục ở vị trí này cho đến nay.

Ông Hà còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Dưới thời ông Bắc Hà làm sếp ở BIDV, ngân hàng đã không ngừng lớn mạnh. Từ một ngân hàng với nguồn vốn chưa đến 13.500 tỷ vào năm 2008 thì nay đã đạt hơn 34.000 tỷ. Tổng tài sản của ngân hàng từ dưới 250 nghìn tỷ trong cùng thời gian đã tăng lên trên 930 nghìn tỷ, chiếm xấp xỉ 13% tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận ngân hàng từ quanh mức 2.000 - 3.000 tỷ giờ đây đạt 6.000 - 8.000 tỷ/năm.

Nhân sự của BIDV từ chỉ hơn chục nghìn người nay đã lên đến 24.000 người – nhiều nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần và chỉ đứng sau Agribank (hơn 40.000 người) trong toàn hệ thống.

Không chỉ có độ phủ dày đặc khắp cả nước, thương hiệu ngân hàng BIDV còn được hiện diện ở các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Ngân hàng cũng đã cổ phần hóa và đang giao dịch trên sàn chứng khoán với mã BID.

Ngoài ra, ngân hàng có 6 công ty con và 7 công ty liên kết trong hầu khắp các lĩnh vực tài chính từ bảo hiểm, xử lý nợ, chứng khoán, cho thuê tài chính, quản lý quỹ cho đến …cho thuê máy bay.

Với thị trường tài chính Việt nói chung, ông Trần Bắc Hà là cái tên nổi bậc nhất trong số các đại gia và ông chủ. Mỗi sự kiện có sự hiện diện của ông đều thu hút được sự chú ý. Những phát biểu của ông Hà cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chẳng hạn như cách đây 3 năm, hồi tháng 2/2013 có thông tin sai lệch rằng ông bị bắt giữ. Sự việc này đã khiến thị trường tài chính bị một phiên xáo động với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn khiến chỉ số VnIndex giảm 18 điểm, còn vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 30.000 tỷ, tỷ giá cũng biến động mạnh.

Sau này ông Bắc Hà cho biết, “Đáng lẽ Tết ra tôi phải lo xử lý bao nhiêu việc, nhưng tin đồn loạn lên thành ra có cú điện thoại nào tôi cũng phải nghe, không thì người ta tưởng tôi bị bắt thật”. Ông Hà cũng cho rằng những kẻ tung tin đồn liên quan đến ông hôm đó có lẽ đã kiếm được 500 – 700 tỷ đồng.

Hay như liên quan tới vụ việc ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức – một đối tác lớn của ngân hàng – lâm vào cảnh nợ nần tới hơn 27.000 tỷ đồng, BIDV đã chủ trì nhóm họp các chủ nợ của HAGL và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ của HAGL bằng việc giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi một số khoản nợ, kéo dài thời gian trả lãi và gốc phù hợp hơn cho tập đoàn này. Ông Hà còn thiện chí rằng “HAGL quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả sòng phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ”.

Bởi là ngân hàng lớn nên BIDV cũng là đại chủ nợ của hàng loạt tập đoàn, công ty lớn khắp cả nước. Chẳng hạn với khách hàng Hoàng Anh Gia Lai, nếu tính cả khoản cho vay tín dụng đơn thuần và phát hành trái phiếu thì BIDV và công ty con cho HAGL nợ lên đến 10.700 tỷ đồng. Hay như ở Công ty Hùng Vương (vua cá tra) cũng đang vay hàng nghìn tỷ tại BIDV, cả bằng tín dụng trực tiếp lẫn trái phiếu doanh nghiệp.

Hoặc như ở Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh (bị cáo đang bị xét xử trong Đại án 9.000 tỷ) thì BIDV cũng cho vay tới 4.700 tỷ đồng với tài sản thế chấp là các lô đất tại SVĐ Chi Lăng (cũng lô đất này sau đó được Thiên Thanh dùng để làm tài sản thế chấp vay 5.000 tỷ ở VNCB, trong đó Phạm Công Danh dùng 2.600 tỷ để trả nợ BIDV). Được biết, khoản tiền vay từ BIDV được ông Danh dùng để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Xây dựng.

Với BIDV, ông Trần Bắc Hà dù không phải là ông chủ thực sự của ngân hàng mà chỉ là người làm thuê và do Nhà nước chỉ định đại diện vốn, nhưng nói đến BIDV không thể không nhắc tới Trần Bắc Hà.

Năm nay tròn 60 tuổi, theo quy định thì ông Hà phải rời nhiệm sở. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng đến tuổi thì phải nghỉ hưu. Nhưng ắt hẳn khi thị trường tài chính thiếu cái tên Trần Bắc Hà cũng sẽ có chút gì đó hẫng hụt.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên