MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Bắc Hà vắng mặt, tòa xử làm sao?

25-07-2018 - 15:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Chủ tọa công bố rằng ông Trần Bắc Hà phẫu thuật ung thư cách đây 1 tuần tại Singapore và có đơn bảo lưu lời khai tại công an.

Ngày 25-7, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử bị cáo Trầm Bê (SN 1959; nguyên phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965; nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Phan Huy Khang (45 tuổi; nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) và 43 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ án xảy ra tại 4 ngân hàng: VNCB, BIDV, Sacombank và Tiên Phong (TPBank). Phiên tòa dự kiến được xét xử từ ngày 24-7 đến ngày 15-8.

Đến cuối buổi sáng 25-7, đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố mới công bố xong cáo trạng truy tố 46 bị cáo.

Trong phiên tòa này, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT) được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Ông Trần Bắc Hà vắng mặt, tòa xử làm sao? - Ảnh 1.

Ông Trần Bắc Hà

Tuy nhiên, trong phiên khai mạc tòa sáng 24-7, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản công bố ông Trần Bắc Hà đang trị bệnh tại Singapore. Theo thông tin được công bố công khai tại tòa, ông Trần Bắc Hà nhập cảnh vào Singapore vào ngày 15-7 đến ngày 19-7 được phẫu thuật ung thư gan.

Do vậy, ông Trần Bắc Hà đã ủy quyền cho đại diện đến tòa nộp đơn xin được vắng mặt và giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.

Ông Trần Bắc Hà vắng mặt, tòa xử làm sao? - Ảnh 2.

Ông Trầm Bê (giữa) và các đồng phạm

Về việc vắng mặt của ông Trần Bắc Hà, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) phân tích nếu ông Trần Bắc Hà đã có lời khai đầy đủ tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an, những chứng cứ liên quan đến vụ án đã được đánh giá, ghi chép đầy đủ trong hồ sơ vụ án và ông Hà đã có đơn không thay đổi lời khai thì HĐXX vẫn xét xử bình thường.

Trong trường hợp nếu xét thấy lời khai của ông Trần Bắc Hà cần được phân tích, làm rõ để bổ sung hành vi của những bị cáo liên quan trong vụ án thì chủ tọa sẽ công bố lời khai trước tòa. HĐXX sẽ đánh giá chứng cứ, lời khai của ông Trần Bắc Hà tại Bộ Công an.

Hàng chục năm tham gia công tác xét xử và quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Thủy nói nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng do ngại khai trước tòa nên họ có nhiều lý do để có đơn xin vắng mặt. Cho nên trong quá trình xét xử, xét thấy hành vi của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng có dấu hiệu tội phạm thì HĐXX sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; kiến nghị cơ quan điều tra xử lý, khởi tố hoặc mạnh hơn nữa thì khởi tố tại tòa.

Từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank (1.800 tỉ đồng), TPBank (1.666 tỉ đồng) và BIDV (4.700 tỉ đồng).

Quá trình điều tra, CQĐT Bộ Công an xác định Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt hại.

Theo Phạm Dũng

Người lao động

Trở lên trên