MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Đắc Sinh: Chúng ta đáng lẽ làm được nhiều hơn thế

"So với tiềm lực nền kinh tế mình, so với độ thông minh con người mình đáng lẽ TTCK của chúng ta không phải như thế này. Có rất nhiều vướng mắc phải tìm cách trả lời", Chủ tịch Sở GDCK Tp.HCM trăn trở.

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng được Chủ tịch Sở GDCK Tp.HCM Trần Đắc Sinh tiếp chuyện trong một buổi chiều tại Phú Yên. Là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù thị trường đã có tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân trong 16 năm cả về thanh khoản và số lượng công ty niêm yết, song "vị thuyền trưởng của Vn-Index" vẫn cảm thấy tiếc nuối vì đáng lẽ, “chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế”.

Ông Sinh nhớ lại cách đây 20 năm, vào năm 1996, khi đó ông đang giữ chức giám đốc ngân hàng Nông nghiệp ở Lâm Đồng. Một ngày, ông Cao Sỹ Kiêm, thời điểm đó đang là Thống đốc NHNN, lên nhà thuyết phục ông Sinh ra Hà Nội tham gia thành lập UBCNN.

Ngày 28/11/1996, UBCKNN Việt Nam ra đời. Được sự động viên của ông Lê Văn Châu, Chủ tịch UBCKNN đầu tiên của Việt Nam và bà Nguyễn Sỹ Thanh, Vụ trưởng vụ Tổ chức UBCK, ông Sinh đã lên đường ra Hà Nội, đảm nhận chức Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường đầu tiên của UBCKNN, đó là ngày 1/7/1997.

Thời điểm đó mọi thứ vô cùng khó khăn. Ngân sách hạn hẹp, cuộc sống khó khăn, đáng lẽ ra ông Sinh chuẩn bị lên làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp nhưng cuối cùng lại rẽ sang ngạch chứng khoán.

Theo ông Sinh, “đó là một quyết định mạo hiểm”. Vì thời điểm đó, Việt Nam vẫn chưa hề có khái niệm gì về thị trường chứng khoán, tất cả phải dò dẫm từ đầu. Vụ phát triển thị trường của ông Sinh phải chuẩn bị nghiên cứu từ lệnh mua bán như thế nào, hệ thống giao dịch bảng điện tử ra sao, quy chế giao dịch…Thời điểm đó ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCK bây giờ - giữ chức Vụ trưởng vụ quản lý kinh doanh, đơn vị phụ trách quản lý các CTCK.

Năm 1998, ông Sinh quay lại Sài Gòn, đi tìm địa điểm thành lập Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, thời đó mới chỉ là Trung tâm giao dịch chứng khoán. Cuối cùng địa điểm được chọn là 50 Bến Chương Dương, là tòa nhà thượng nghị viện của chế độ cũ. Ông Vũ Bằng làm giám đốc, ông Sinh làm phó giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM, thời điểm đó HOSTC có khoảng 80 người trong đó có “một vài anh em ngoài Hà Nội tăng cường vào”.

Ba năm chuẩn bị, đến ngày 20/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với sự kiện khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM. Theo ông Sinh, “đó là một sự kiện quá lớn với đất nước, vì một đất nước xã hội chủ nghĩa có TTCK”.

20 năm ra đời TTCK, 20 năm vừa chạy vừa học hỏi, từ mốc sơ khởi chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, HOSE đã có 309 doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa tăng 1.347 lần, đạt 1.328.000 tỷ đồng, nếu tính cả sàn Hà Nội, quy mô vốn hóa thị trường đạt 34% GDP.

Thưa ông, là một trong những người xây dựng nền móng đầu tiên cho TTCK Việt Nam, cảm xúc của ông thế nào sau 20 năm song hành cùng TTCK?

Ông Trần Đắc Sinh:Là người gắn bó với TTCK Việt Nam từ những ngày đầu, ngoảnh đi ngoảnh lại đến nay đã là 20 năm. Bắt đầu từ số 0 đến thời điểm hiện tại với quy mô thị trường hiện tại tôi cho đó là điều đáng mừng. Trải qua nhiều thế hệ, anh Châu (ông Lê Văn Châu) là chủ tịch UBCK đầu tiên, đến anh Bằng (ông Vũ Bằng) là Chủ tịch UBCK thứ tư, anh em trong ngành chứng khoán đã rất cố gắng trong điều kiện người Việt mình vẫn chưa hiểu nhiều về TTCK và cái gì cũng đi “ngộ”.

Giai đoạn đầu, những gì anh em nghĩ ra phải đi “ngộ” các bộ ngành và Chính phủ để thuyết phục họ ủng hộ mình. Việc xây dựng thị trường chứng khoán thời gian đầu rất khó khăn vì nó liên quan đến vấn đề tư nhân hóa, liên quan đến xung đột lợi ích và xung đột về tư tưởng giữa nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp. Rất ít người hiểu về TTCK.

Nhưng đến thời điểm hiện tại Chính phủ đã rất ủng hộ TTCK. Ai cũng hiểu TTCK là thị trường vốn, mà không có thị trường vốn thì nền kinh tế sẽ phát triển một cách méo mó. Các ngân hàng sẽ phải cõng trên lưng trọng trách huy động vốn trung và dài hạn trong khi đó là việc của thị trường vốn.

Đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đã “làm được một ít”. Tôi nói một ít vì chúng ta vẫn đang là thị trường sơ khai, vẫn là thị trường quá nhỏ bé so với các nước xung quanh trong khu vực. Mình không thể hiểu sao mình lại nhỏ như thế. Ví dụ trong cuộc họp với HoSE lần trước tôi nói cố gắng phấn đấu đến năm 2020 thnah khoản hàng ngày của chúng ta bằng Phillipins, và giá trị vốn hóa thị trường so sánh với GDP cố gắng bằng Indonesia, đó là các nước có TTCK tầm trung bình trong khu vực. So với tiềm lực nền kinh tế mình, so với độ thông minh con người mình đáng lẽ TTCK của chúng ta không phải như thế này. Có rất nhiều vướng mắc phải tìm cách trả lời.

Chúng ta vẫn chưa được cả thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường, nền kinh tế của ta vẫn còn nhiều hạt sạn trong đó,dẫn đến làm cho TTCK phát triển khó, tôi hy vọng thời gian tới càng ngày càng đỡ hơn.

Ví dụ, Chính phủ yêu cầu năm 2015 chúng ta phải cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp nhưng chỉ được một số ít cổ phần hóa thành công, với cách cổ phần hóa vài phần trăm và với phương pháp như hiện nay thì rất khó về đích đúng hẹn. Chúng ta phải có phương pháp khác, tuyên bố bán bao nhiêu phần trăm, có nhà bảo lãnh giá cả đàng hoàng chứ không phải cách làm như hiện nay. Tiềm năng của khối doanh nghiệp nhà nước có bao nhiêu triệu tỷ tài sản có thể nhân lên nhiều lần khi ra thị trường nhưng với cách bán hạn hẹp thế này tôi cho là rất khó.

Nếu nhìn về bản chất thị trường, nếu giá trị của TTCK mang đến cho DN tham gia là kênh huy động vốn nhưng có nhiều doanh nghiệp không huy động được dòng vốn này thưa ông?

Ông Trần Đắc Sinh: Có mấy vấn đề, nhưng quan trọng nhất là sự minh bạch, kể cả các doanh nghiệp niêm yết vì chuẩn mực kế toán vẫn còn nhiều sơ hở. Khi sự minh bạch chưa được mọi người thấu hiểu và thấu hiểu nhưng nhà đầu tư thấy chưa minh bạch thì họ chưa đầu tư. Đừng nói doanh nghiệp nhà nước tham nhũng, doanh nghiệp cổ phần cũng tham nhũng, một thể chế quản trị điều hành của một xã hội chứ không phải UBCK hay SGDCK làm được, thị trường huy động vốn ít cũng do yếu tố đó.

Tôi cho rằng các anh em UBCK, Sở GDCK đã hết sức cố gắng, làm không biết mệt mỏi nhưng có mắc, mắc ở tầm vĩ mô, ngoài tầm nên phải chịu (!).

Mình biết điểm yếu nhưng sao chưa giải quyết được nút thắt thưa ông?

Ông Trần Đắc Sinh: Tôi không làm được, nhưng tôi thấy do thể chế, do quyết tâm và cách làm. Nếu anh bán doanh nghiệp Nhà nước anh phải rao bán khắp thế giới và có bảo lãnh phát hành. Ví dụ như Vietnam Airlines chào bán, tôi công bố bán với giá đó, đấu giá bảo lãnh phát hành, bên đó mua rồi bán cho người khác. Thế giới họ làm nhiều cách chứ không bỏ phiếu và đếm phong bì trong hòm bỏ phiếu như mình.

Ngay cả vấn đề nới room. Mặc dù đã có Nghị định 60 nhưng vẫn còn thút thắt. Thứ nhất là thị trường mình vẫn còn quá bé nên không có nhiều quỹ đầu tư lớn ở đây. Họ muốn đầu tư vài ba trăm triệu USD thì mua ở đâu. Thứ hai là việc mở room đã thông qua về mặt chủ trương nhưng vấn đề kỹ thuật lại tắc vì Việt Nam vẫn phân biệt DN nước ngoài và trong nước, chính sách lương, thuế và hải quan khác nhau do đó chưa triển khai được.

Đó là một nền kinh tế chuyển đổi nhưng vướng, mở được cái này vướng cái kia. Nếu Chính phủ hết sức quyết tâm, có chỉ đạo rồi nâng vai trò của UBCK lên để UBCK thực sự được đóng vai trò là một ủy ban quản lý thị trường vốn của cả nền kinh tế thì mới tháo gỡ được nút thắt cổ chai. Ủy ban chứng khoán phải là ủy ban của chính phủ, có thể do phó Thủ tướng đứng đầu, có quyền quyết định toàn bộ các chính sách về luật, trong khi đó các Sở GDCK chỉ tham gia phát hiện vấn đề, còn ở thời điểm hiện tại Sở nhìn thấy nhiều vấn đề vướng mắc nhưng không biết giải quyết như thế nào.

Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn đang chờ đợi TTCK được nâng hạng, vậy quá trình này đến đâu rồi thưa ông?

Ông Trần Đắc Sinh:Tiêu chí nâng hạng thị trường của MSCI bao gồm 3 nhóm chính (i) sự phát triển kinh tế, (ii) quy mô và thanh khoản thị trường, (iii) tiêu chí tiếp cận thị trường. Do đó, để có thể xếp hạng là Thị trường mới nổi, Việt Nam cần có tối thiểu 3 công ty có vốn hóa đạt ít nhất 1.26 tỷ USD, trong đó vốn hóa của phần không hạn chế chuyển nhượng đạt ít nhất 630 triệu USD.

Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch của chứng khoán trong năm phải đạt ít nhất 15% giá trị vốn hóa của chứng khoán đó. Ngoài ra, còn phải đáp ứng các tiêu chí về tiếp cận thị trường như: (i) độ mở đối với NĐTNN (room, nhà đầu tư nhỏ lẻ, cung cấp thông tin bằng tiếng Anh), (ii) dễ dàng luân chuyển vốn, (iii) tính hiệu quả của thị trường (thuận tiện mở tài khoản của NĐTNN, khung pháp lý, hệ thống thanh toán bù trừ phát triển, có hệ thống vay và cho vay chứng khoán, có cơ sở pháp lý cho phép bán khống…), (iv) tính ổn định của thị trường...

Tôi kỳ vọng đến năm 2017 mình có thể được nâng hạng vì có nhiều tiêu chí mình thực hiện được. Ngay cả báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, chúng ta được IFC tài trợ, chúng là một trong các tiêu chí nâng hạng quản trị công ty để xét nâng hạng thị trường.

Về việc hợp nhất hai Sở, Chính phủ đã có quyết định sẽ đặt trụ sở chính tại HoSE. Ông đánh giá về việc này như thế nào?

Ông Trần Đắc Sinh: Tôi rất hoan nghênh quyết định này của Chính phủ. Sở GDCK là một doanh nghiệp, DN không nhất thiết phải đặt ở gần cơ quan quản lý nhà nước cấp cao.

Ở đây HoSe là doanh nghiệp, cơ sở vật chất đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư data center 300 tỷ đồng, trụ sở xây 400 tỷ đồng. Trung tâm Dữ liệu dự phòng của HOSE do đối tác Hàn Quốc cung cấp được xem là một Data Center với trang thiết bị công nghệ mang tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á .Đây là hệ thống tiên tiến bậc nhất thế giới, có đầy đủ sản phẩm của thị trường phát triển trên thế giới. Gói công nghệ này rất lớn, dùng ít nhất có độ dài tới 20 năm.

TTCK hoạt động theo cơ chế thị trường thì phải vận hành theo cơ chế thị trường chứ không nên duy ý chí và áp đặt.

Ông kỳ vọng thị trường chứng khoán 5 năm tới như thế nào và ông mong muốn điều gì ở các nhà quản lý trong thời gian tới?

Tôi kỳ vọng thị trường trong thời gian tới sẽ minh bạch hơn, phải tạo ra minh bạch rõ ràng trong công ty cổ phần, quy định pháp luật trong TTCK, nhiều ca bây giờ xử lý không được vì không minh bạch.

Thứ hai là phải đẩy mạnh cổ phần hóa nhà nước vì lượng hàng hóa rất lớn.

Thứ ba, phải tạo ra các sản phẩm mới, các sản phẩm phái sinh. Nếu như trong giai đoạn phát triển ban đầu, quy mô và thanh khoản là vấn đề được quan tâm và chú trọng nhất thì giai đoạn hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam tập trung vào chất lượng phát triển, đặc biệt là vấn đề quản trị công ty và quản trị rủi ro, minh bạch thông tin và phát triển sản phẩm mới.

Xin cảm ơn ông.

Theo Phương Mai

Người đồng hành

Trở lên trên