MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Ngọc Báu: Lãi suất đã tạo đỉnh, áp lực thanh khoản có thể sẽ sớm giảm

28-12-2022 - 17:40 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Trần Ngọc Báu tại chương trình

Ông Trần Ngọc Báu tại chương trình

Theo chuyên gia, nhiều tín hiệu cho thấy các quốc gia khó có thể tiếp tục duy trì thắt chặt tiền tệ. Áp lực thanh khoản của Việt Nam sẽ sớm hạ nhiệt trong năm sau. Đồng thời, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ bắt đầu hạ xuống vào quý 2.

Tại tọa đàm "Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023" do tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu CEO Wi Group cho biết, cung tiền vừa ghi nhận tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm qua. Đây cũng là lý do khiến người dân và doanh nghiệp thấy "ngột ngạt" hơn trong năm 2022.

Chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân thanh khoản thiếu hụt trong nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, lần lượt là 1) chênh lệch tín dụng và huy động, 2) xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, 3) sự chấn chỉnh ở các thị trường tài chính.

"Có khoảng 11,6-11,7 triệu tỷ đồng tín dụng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà băng chỉ đang huy động được 11,2-11,3 triệu đồng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng đang cho vay nhiều hơn huy động", ông Báu đánh giá về nguyên nhân thứ nhất.

Bên cạnh đó, một số vụ việc sai phạm trên các thị trường tài chính cũng đã khiến cho nhà đầu tư có sự thận trọng hơn trong việc đầu tư. Điều này dẫn đến việc huy động vốn của các ngân hàng cũng có phần khó khăn hơn.

Chuyên gia nói thêm, dù Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những hành động để hạn chế những ảnh hưởng, song không thể phủ nhận việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt tiền tệ rất nhanh và mạnh từ đầu năm đến nay đã tạo ra không ít áp lực lên Việt Nam, đặc biệt là vấn đề tỷ giá, lãi suất và thanh khoản.

Về thời gian tới, chuyên gia cho rằng, những điểm nghẽn trên thị trường tài chính, bất động sản hiện nay đã có những phương án nhằm cải thiện và lành mạnh hóa thị trường.

"Năm 2023 nhiều người lo ngại lạm phát sẽ rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát không hề cao. Đỉnh điểm lạm phát sẽ là đầu năm 2023 và giảm dần về cuối năm. Đó cũng là tiền đề để hỗ trợ cho một giai đoạn thanh khoản mở rộng trong năm sau", ông Báu dự báo.

Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ nhanh và mạnh, tình hình kinh tế nhiều quốc gia đang cho thấy những dấu hiệu xuống sắc, quý 2 hoặc quý 3 năm sau có thể các tín hiệu sẽ rõ nét hơn. Việc tiếp tục duy trì các chính sách "thắt lưng buộc bụng" như trước là khó lòng phù hợp.

Với Việt Nam, năm sau tỷ giá cũng sẽ vơi bớt áp lực, thanh khoản có thể sẽ tiếp tục được quay lại. Lãi suất đã tạo đỉnh và có thể bắt đầu giảm trong quý 2 năm 2023.

Văn Tuệ

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên