MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trịnh Văn Quyết: “Thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp”

Đây là quan điểm của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros tại buổi tọa đàm “Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ” ngày 13/5 tại tại FLC Quynhon Beach & Golf Resort.

Ưu tiên số 1 là chứng khoán , số 2 là bất động sản

Trả lời câu hỏi cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định “cho dù bất động sản tiềm năng, nhưng năm nay tôi vẫn xếp sau chứng khoán”.

Vị chủ tịch tập đoàn FLC cho biết, ngay từ đầu năm ông đã khuyến nghị với nhà đầu tư, bạn bè về kênh đầu tư năm 2017: Ưu tiên số 1 là chứng khoán, ưu tiên số 2 là bất động sản.

Còn về bất động sản, ông Quyết đánh giá kênh đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng có mức độ an toàn hơn. "Tôi đánh giá năm 2017 - 2018, tiềm năng sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng lớn hơn nhiều bất động sản thương mại. Bất động sản nghỉ dưỡng có thể bán trao tay, nhà đầu tư thích thì có thể cho chủ đầu tư thuê khai thác để hưởng lợi nhuận cố định".

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến từ các nhà đầu tư và chuyên gia cũng đều cho rằng, cổ phiếu FLC đang ở dưới giá trị thực. Như TS.Trần Du Lịch hay TS.Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đúng là giá trị sổ sách của FLC hiện đang trên 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá thị trường lại dưới mệnh giá. Trong khi cổ phiếu ROS có thị giá quanh 160 nghìn đồng/cổ phiếu, tức gấp khoảng 16 lần mệnh giá.

Lý giải về điều này, ông Quyết cho biết, cổ phiếu FLC là cổ phiếu của thị trường, nó biến động theo theo xu thế VN-Index. Nhà đầu tư gần như không quan tâm nhiều về hoạt động kinh doanh của FLC ra sao, dù lợi nhuận của FLC tới hơn 1.000 tỷ đồng.

"Tôi tin nếu lợi nhuận của FLC có tăng gấp đôi thì cũng khó kỳ vọng tăng giá mạnh cổ phiếu. Lý do là cổ phiếu FLC được định vị là cổ phiếu thuộc nhóm đầu cơ nên bất cần biết doanh nghiệp làm ăn ra sao, nhà đầu tư giao dịch theo xu hướng thị trường. Đó là điều còn chưa hợp lý, nhất là khi nhìn vào giá trị nội tại của doanh nghiệp chúng ta thấy có sự vênh nhau rất lớn", ông Trịnh Văn Quyết nói.

Cứ thị trường đi lên thì nhà đầu tư mua ào ào và khi đi xuống thì mọi người bán bằng mọi cách. Cổ phiếu FLC có một cái hay là bán bao nhiêu cũng được, không bao giờ mất thanh khoản và mua bao nhiêu cũng được.

Thực tế hiện nay cổ đông lớn chỉ có tôi và 1-2 quỹ của nước ngoài nắm trên 30%. Ngoài ra có các đối tác nhưng chỉ lướt sóng. Nên tỷ lệ cổ phần bên ngoài tương đối lớn, vào khoảng trên 60% cho các cổ đông nhỏ.

Để đưa cổ phiếu về giá trị thật, tôi sẽ mời một số đối tác là các nhà đầu tư tổ chức sở hữu cổ phiếu này trên 60%. Khi đó tôi sẽ không rõ giá cổ phiếu FLC sẽ về mức 15 hay 30 đồng, vì khi đó quan hệ cung cầu đã thay đổi.

Giống như cổ phiếu ROS, lúc lên sàn là hơn 10.000 đồng, nhưng nay thị giá lên cao và vốn hóa lên trên 2 tỷ USD và giá cổ phiếu lên gấp 16 lần. Cổ phiếu ROS do tôi làm chủ tịch và nắm trên 70%, quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ vài phần trăm nữa. Nên tôi nghĩ cổ phiếu này lên trên mức giá hiện tại là việc bình thường.

Chứng khoán cần là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp

Quanh việc đầu tư vào chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết cũng kiến nghị, để thị trường lấy lại những gì cổ phiếu đã mất năm 2007, khi VN-Index lên khoảng hơn 1.000 điểm, ông cho rằng chức năng của UBCKNN rất quan trọng. Cần phổ cập để mỗi người dân hiểu về thị trường chứng khoán, chỉ cần tỷ lệ mấy % của 100 triệu dân đầu tư vào thị trường thì điểm số, vốn hoá của thị trường sẽ không ở mức 400 ngàn tỷ đồng.

“Nhiều hôm riêng giao dịch FLC đã chiếm 1/3 thị trường. Do đó tôi muốn thị trường có những phiên 10.000 tỷ. Tôi muốn nhà đầu tư không gửi tiền ở ngân hàng thì hãy mang ra đầu tư. Tôi mong có những cách nào để đào tạo, quảng bá cho nhà đầu tư, để họ biết đây là kênh hữu hiệu và tất nhiên họ phải biết có lỗ có lãi. Tôi biết có nhiều nhà đầu tư am hiểu về chứng khoán nhưng họ đang thờ ơ, coi chứng khoán là đánh bạc, đó là quan điểm chưa đúng về bản chất về thị trường”, chủ tịch FLC khẳng định.

Ông Quyết cho biết, trong 10 năm qua ông đã thành công trên thị trường chứng khoán, thể hiện bằng cách huy động vốn trên thị trường này. Trong 10 năm qua, Tập đoàn FLC không dựa vào vốn thương mại, mà chủ trương huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Năm 2011-2012, nhiều doanh nghiệp vay vốn chịu lãi suất trên 30%, buôn gì cũng không lại được.

Vì vậy, “thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, chứ không trông chờ vào các nguồn vốn khác, như vốn ngân hàng thương mại”, Chủ tịch FLC, FLC Faros nhấn mạnh.

Theo Nguyên Minh

Bizlive

Trở lên trên