MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông trùm" bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này

08-12-2022 - 18:15 PM | Lifestyle

Theo doanh nhân Feng Lun, qua ngưỡng tuổi 35, điều khiến con người sợ hãi nhất không phải không có tiền mà là mất phương hướng. Vậy làm sao để đi đúng trên con đường thành công?

35 tuổi là thời kỳ hoàng kim để phát triển sự nghiệp của một người. Số đông còn cảm thấy nếu 35 tuổi chưa thành công, về cơ bản mong ước làm giàu sẽ càng bế tắc.

Nhưng trên thực tế, nhiều triệu phú đạt được đỉnh cao của sự nghiệp ở độ tuổi ngoài 40. Khi Ren Zhengfei 35 tuổi, ông còn vẫn còn trong quân đội và thành lập Huawei ở tuổi 43. Liu Chuanzhi rời Học viện Khoa học Trung Quốc ở tuổi 40 và thành lập Lenovo. Lei Jun thành lập Xiaomi khi đã bước sang tuổi 41.

“Ông trùm bất động sản” Feng Lun ở tuổi 33 từ chức cán bộ cấp phó phòng để đi kinh doanh. Feng Lun từng nghèo đến mức không đủ tiền mua vé tàu, chỉ khi bước qua ngưỡng 35 mới có thể thành công vang dội, trở thành doanh nhân thành đạt đáng ngưỡng mộ.

Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này - Ảnh 1.

Chân dung Feng Lun. Ảnh: ST

Theo Feng Lun, sở dĩ những triệu phú này sau 35 tuổi mới thành công bởi khi đó mới là lúc họ làm được 3 điều này. Khi bạn kiên trì thực hiện những việc này, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình thay đổi rõ rệt, thành công không còn xa tầm với.

1. Vượt qua sự mất phương hướng

Khác với tuổi trẻ, tuổi 35 luôn có nhiều lo lắng. Bạn đã bao giờ suy nghĩ kỹ mình sợ điều gì nhất chưa?

Một lần, Feng Lun và người bạn thân đi khám phá sa mạc Gobi ở Tân Cương. Không ngờ trời quá nóng, xe hỏng giữa đường, điện thoại di động không có sóng, lương khô và nước uống cũng gần hết… Trên sa mạc Gobi bỏng rát, nhóm người rơi vào tuyệt vọng và sợ hãi không đáy.

Nhờ trải nghiệm này, Feng Lun nhận ra: "Con người sợ nhất khi nào? Không phải không có tiền, không phải không có nước, mà là không có phương hướng!"

Khi biết cần đi về hướng nào, bạn có thể thoát khỏi sa mạc Gobi và được giải cứu. Dù điều kiện có khó khăn đến mấy, con người cũng sẽ không quá hoảng loạn. Điều thực sự khiến mọi người sụp đổ chính là kiểu tuyệt vọng nhìn xung quanh, một sa mạc mênh mông không lối thoát.

Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này - Ảnh 2.

Nhờ trải nghiệm trên sa mạc, Feng Lun nhận ra điều con người sợ hãi nhất chính là mất phương hướng. Ảnh: ST

Hầu hết những người 35 tuổi đều từng trải qua cảm giác mông lung, bối rối này. Chỉ khi xác định được con đường cần đi, bạn mới có thể chịu đựng, kiên trì vượt qua những khó khăn trước mắt. Vậy làm thế nào để thấy được hướng đi?

Trong giới startup, có một khái niệm gọi là sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP). Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra đó là "các bước nhỏ của thử nghiệm và có lỗi sai, rồi lặp lại nhanh chóng". Thông qua chu trình "sản xuất - xem xét - điều chỉnh - tái sản xuất", chúng ta sẽ tìm được lộ trình phát triển đúng đắn.

Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này - Ảnh 3.

Mô hình MVP. Ảnh: ST

Ví dụ nếu ai đó muốn làm phim, tốt hơn hết là bắt đầu với phim trực tuyến có chi phí thấp hơn. Trước tiên hãy tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, đưa nó ra thị trường để quan sát phản ứng của khán giả, sau đó xác định bước tiếp theo.

Nói cách khác, nếu bạn muốn tạo ra những đổi mới trong công ty của mình, bạn cũng có thể chọn một bộ phận nhỏ và bắt đầu với những thay đổi đơn giản nhất. Nếu khả thi và mọi người chấp nhận thì tiếp tục phát huy, nếu bị phản đối thì phân tích nguyên nhân hoặc chuyển hướng, hoặc tiếp tục thử sau khi sửa đổi.

Phương pháp MVP không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn giúp xác định chính xác hướng phát triển phù hợp nhất cho chúng ta, những người đã qua ngưỡng 35.

2. Có sự nhẫn nại

Feng Lun cho rằng nếu bạn không nhất quán và tập trung vào một việc, bạn không thể kiếm được nhiều tiền. Theo quan điểm của ông, đưa ra ít quyết định hơn sẽ giúp bạn dễ đạt được thành tựu hơn. Bí quyết này Feng Lun học được từ Henry Keswick, Chủ tịch Tập đoàn Jardines Matheson.

Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này - Ảnh 4.

Chân dung Henry Keswick. Ảnh: Insider

Vậy làm thế nào để "giảm thiểu quyết định"? Câu trả lời là hãy kiên nhẫn và đừng đưa ra quyết định một cách quá vội vàng. Ví dụ nếu bạn tìm hướng đi với MVP, hãy tiếp tục thực hiện cho đến khi nó "đơm hoa kết trái". Đừng chỉ nghe ai đó nói "đang có xu hướng mới", sau đó lại bắt đầu lại.

Những quyết định được đưa ra mà không cân nhắc kỹ lưỡng thường có nhiều điểm mù. Bạn có khả năng phạm sai lầm và đặt mình vào tình huống tồi tệ hơn vì thay đổi mà không tìm hiểu, phân tích thực tế. Tất cả những thứ có giá trị không thể được nhìn thấy trong ngắn hạn. Kiên nhẫn là "vũ khí" quan trọng nhất để giành lấy sự giàu có.

Bạn cũng có thể ghi lại những quyết định của mình cùng lý do bạn ra quyết định đó. Nếu bạn muốn làm ngược lại với quyết định cũ, hãy lấy ghi chép ra và xem lý do ban đầu còn hiệu lực hay không. Đừng thay đổi hướng đi một cách quá dễ dàng. Có thể bạn đang rất gần với thành công nên cần kiên trì thêm một thời gian nữa.

3. Tâm trí vững vàng, suy nghĩ khách quan

Theo quan điểm của Feng Lun, không có "người tốt và kẻ xấu" trên thế giới. "Người tốt" cũng có thể làm những việc không tốt cho bạn, và "người xấu" cũng có thể ra tay giúp đỡ bạn vào thời điểm nguy cấp nhất.

Ông trùm bất động sản Trung Quốc: Tại sao sau 35 tuổi nhiều triệu phú mới thành công? Không phải nhờ chăm chỉ mà đó là lúc họ làm được 3 điều này - Ảnh 5.

Theo quan điểm của Feng Lun, không có "người tốt và kẻ xấu" trên thế giới. Ảnh: ST

Bạn cần có "tư duy thước xám" để nhìn vào sự ấm áp và lạnh nhạt của các mối quan hệ giữa con người với nhau. Bản chất con người rất phức tạp, nhiều thứ trên thế giới không rõ ràng đen hay trắng. Vì vậy, bạn phải thay đổi góc nhìn để nhận ra khoảng xám lớn giữa "tốt và xấu", từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Ví dụ khi một người mới đến công ty, cố gắng thể hiện lấn lướt mọi người và được sếp chú ý hơn. Bạn nên làm gì? Coi họ là “người xấu” và làm việc cùng người đó tâm lý đố kỵ? Bạn không biết người mới sẽ cảm thấy như thế nào nhưng chắc chắn bạn sẽ đi làm với tâm trạng khó chịu hơn mỗi ngày.

Trên thực tế, chỉ cần bạn thay đổi góc nhìn, bạn sẽ thấy sự việc không phức tạp như bạn vẫn nghĩ. Những gì người mới muốn là sự công nhận, những nhà lãnh đạo muốn là hiệu suất còn bạn sẽ vẫn có mục tiêu của mình: thăng chức, tăng lương… Khi nhận ra những điều này không xung đột với nhau, bạn sẽ không còn nghi kỵ với đồng nghiệp mới, tinh thần thoải mái để theo đuổi nhiệm vụ của riêng bạn.

Kết lại

Ở tuổi 35, ai cũng sẽ phải đối mặt với những hoang mang, lo lắng. Một mặt, một phần ba con đường phát triển sự nghiệp đã trôi qua, ước mơ ban đầu vẫn còn xa tầm với, đằng sau luôn là gia đình. Mặt khác, yêu cầu ở nơi làm việc cho người trên 35 tuổi cũng khắt khe hơn. Tuy nhiên, nên nhớ khủng hoảng thường là cơ hội để tạo ra bước ngoặt.

Phương Linh

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên