Ông trùm bí ẩn đứng sau "núi kim loại" 5 tỷ USD ở Việt Nam mà cả thế giới thèm khát
"Vua nhôm" đối mặt với án tù lên tới 465 năm nhưng Mỹ vẫn chưa bắt được vì không có hiệp ước dẫn độ song phương.
Bên trong một khu công nghiệp nằm cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1 giờ lái xe là hàng đống kim loại thô khổng lồ nằm dưới lớp bạt đen, trải dài cả cây số. Theo thời giá, số kim loại ấy có thể lên tới 5 tỉ USD và đủ sức xoa dịu "cơn khát nhôm" trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, kho nhôm khổng lồ ở Việt Nam mà nhiều người cho là lớn nhất từng thấy có thể sẽ không bao giờ được đưa ra thị trường. Là đối tượng trong một vụ điều tra của Mỹ từ 2016, kho nhôm này đã có 1 hành trình ly kỳ trước khi "nằm đắp chiếu" ở Việt Nam và đứng sau nó là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Khởi đầu của kế hoạch
Năm 2014, một giám đốc công ty nhôm ở California đã thuê phi công bay qua thị trấn San Jose Iturbide (Mexico), dưới chân dãy Sierra Gorda và ghi lại hình ảnh toàn cảnh một nhà xưởng bỏ hoang hẻo lánh.
Và ông ta đã khám phá ra một điều bất ngờ. Gần 1 triệu tấn nhôm được chất đống gọn gàng đằng sau một pháo đài hàng rào kẽm gai.
Số nhôm - trị giá khoảng 2 tỉ USD ở thời điểm ấy, tương đương gần 6% tổng dự trữ nhôm toàn cầu, đủ để tạo ra 2,2 triệu chiếc xe bán tải Ford F-150 hoặc 77 tỉ lon bia - nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh đối với ngành công nghiệp nhôm của Mỹ và sau đó là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
WSJ dẫn nguồn chuyên gia Mỹ cho rằng, kho nhôm bí ẩn là một phần trong kế hoạch cực khủng của tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian (57 tuổi), chủ tịch tập đoàn Zhongwang Holdings khi đó, nhằm vượt mặt hệ thống thương mại toàn cầu.
Liu, còn được mệnh danh "ông trùm", "vua nhôm" là một trong những doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc, với khối tài sản được Forbes ước tính ở vào khoảng 1,8 tỉ USD (2021).
Tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian. Ảnh: AP
Tham vọng này khiến ông ta bị tòa án Mỹ truy tố với tội danh buôn lậu nhôm vào Mỹ và trốn 1,8 tỉ tiền thuế chống bán phá giá.
Theo cáo trạng của tòa án Mỹ, mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009 khi Zhongwang bắt đầu lên sàn chứng khoán và tìm cách lừa gạt các nhà đầu tư. Sau này kế hoạch mới biến tướng thành mánh lới qua mặt chính phủ Mỹ để trốn thuế nhập khẩu.
Mục đích ban đầu của Liu là thổi phồng giá trị thị trường của Zhongwang, khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng Mỹ có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nhôm của công ty. Đặt trụ sở ở Liêu Dương, Zhongwang tăng gần 1,3 tỉ USD với đợt phát hành chứng khoán công khai lần đầu (IPO) năm 2009 ở Hong Kong. Đây là một trong những đợt IPO lớn nhất thế giới năm đó.
Các công tố viên Mỹ cho hay, số kim loại được nhập khẩu qua các cảng ở Los Angeles và Long Beach, rồi bán cho một loạt các công ty. Những công ty này bề ngoài có vẻ độc lập nhưng kỳ thực đều thuộc kiểm soát của Liu. Xiangchun Shao, một cư dân California quản lý những doanh nghiệp ấy dưới cái tên Perfectus, cũng bị truy tố.
Để che giấu hoạt động, Liu và đồng phạm đã rót hàng trăm triệu USD qua các công ty ma tới những doanh nghiệp đặt ở California do ông ta kiểm soát và rồi số tiền sẽ quay trở về Zhongwang như thể tiền thanh toán cho các lô hàng. Nhờ vậy, Zhongwang có thể che mắt các nhà đầu tư bằng báo cáo với những khoản lợi nhuận kếch xù.
Năm 2010, sau khi kết luận Trung Quốc trợ cấp sản xuất nhôm đùn và bán phá giá ở thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế lên tới 374% đối với các sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc như nhôm ống, nhôm tấm. Zhongwang cũng nằm trong số công ty bị liệt vào danh sách.
Tuy nhiên, mức thuế này không áp dụng với sản phẩm đã hoàn thiện và Liu lợi dụng khe hở này.
Liu cho hàn nhôm thành dạng pallet trước khi xuất sang Mỹ. Sau đó, ông ta xây dựng các cơ sở ở Mỹ để nung chảy các tấm pallet thành một dạng thức dễ bán hơn.
Trong báo cáo thường niên của Zhongwang, Liu khẳng định các lô hàng tới Mỹ là bán cho khách hàng Mỹ nhưng trên thực tế không tấm pallet nào được bán. Chúng được chất bên trong các kho hàng quanh miền Nam California. Các công ty nói trên đã nhập ít nhất 2,2 triệu pallet nhôm từ năm 2011 tới 2014.
Kho nhôm khổng lồ ở Mexico
Đại diện ngành nhôm Mỹ Jeff Henderson cho rằng, Zhongwang Holdings của Liu Zhongtian còn trốn thuế ở Mỹ bằng cách đưa nhôm qua Mexico để ngụy trang xuất xứ.
Tài liệu giao dịch, báo cáo công ty và các giấy tờ pháp lý mà WSJ thu thập được cho thấy hàng trăm nghìn tấn nhôm đã được chuyển từ Trung Quốc tới Mexico thông qua hàng loạt công ty, trong đó có cả công ty thuộc sở hữu của con trai Liu và bạn làm ăn lâu năm của nhà tỉ phú.
Cùng thời điểm Mỹ áp thuế trừng phạt với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, một doanh nhân trẻ tuổi gốc Singapore, Po-Chi "Eric" Shen, bắt đầu tìm mua bất động sản ở Mexico. Anh ta chọn một khu đất gần San José Iturbide, cách biên giới Mỹ khoảng 500 dặm. "Eric" Shen chính là bạn của Liu Zuopeng, con trai tỷ phú nhôm Liu Zhongtian.
Tại Mexico, Shen nung nấu một kế hoạch táo bạo: Tạo ra một mạng lưới các công ty thương mại có khả năng đưa hàng trăm nghìn tấn nhôm từ Trung Quốc tới Mexico rồi đem nung chảy và chuyển tới Mỹ nhằm tránh các hạn chế về thương mại và tận dụng lợi thế từ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Công ty mà Shen góp phần thành lập, Aluminicaste Fundición de México, đã lên kế hoạch xây dựng 1 nhà xưởng để nung chảy nhôm thành kim loại thô.
Hình ảnh kho nhôm ở San José Iturbide, Mexico. Ảnh: MIKE RAPPORT
Trên giấy tờ, những ngày tháng phụ thuộc vào doanh thu nước ngoài của Zhongwang đã qua. Báo cáo thường niên năm 2011 của công ty cho thấy, 96% doanh thu đến từ các đơn hàng nội địa.
Nhưng thực tế, các công ty thương mại Trung Quốc mua nhôm từ Zhongwang rồi bán lại phần lớn cho một hãng buôn ở Singapore có tên GT88 Capital. Và ông chủ của GT88 không phải ai xa lạ. Đó chính là Shen của Aluminicaste.
Trong năm 2011, 2012, lượng nhôm đùn nhập khẩu của Mexico gia tăng. Phần lớn số kim loại được công ty Singapore của Shen chuyển cho công ty vận tải của Aluminicaste, theo hồ sơ vận chuyển do Panjiva Inc theo dõi.
Tuy nhiên, bức tranh vẫn còn thiếu 1 mảnh ghép. Aluminicaste cần một bên mua ở Mỹ để nung chảy nhôm và chuẩn bị bán ra tại Mỹ. Để giải quyết vấn đề, Shen bắt đầu đặt nền móng phát triển 1 công xưởng ở Barstow, California.
Các nhà điều tra tin rằng Liu định xây dựng một xưởng luyện kim ở Barstow hoặc mua lấy 1 xưởng ở Delair, N.J để nung chảy nhôm và bán lại ở thị trường Mỹ với mức giá thấp.
Thế nhưng kế hoạch này lại thất bại vì vướng mắc với vấn đề cấp phép hoặc môi trường. Aluminicaste cũng không được hưởng các điều khoản của NAFTA sau khi giới chức Mỹ kết luận số kim loại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Và rồi số nhôm đó lên đường tới Việt Nam - cụ thể là khu vực kho bãi của công ty nhôm Global Vietnam Aluminum (GVA).
"Điểm cuối: Việt Nam
Kể từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn nhôm đùn, trị giá 5 tỉ USD đã được chuyển từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ tới Việt Nam, theo Cơ quan Thông tin Thương mại Toàn cầu (GTIS).
"Đó là một kho nhôm khổng lồ", Eoin Dinsmore, một chuyên gia phân tích tại CRU Group ước tính kho nhôm ở Việt Nam chiếm tới 14% tổng lượng nhôm trên toàn thế giới. "Nếu nó được chuyển tới các thị trường khác thì sẽ gây tác động đáng kể tới giá cả".
Phần lớn số nhôm được chuyển tới khu công nghiệp ở Vũng Tàu, Dinsmore dẫn hình ảnh chụp từ vệ tinh cho hay. Vũng Tàu được cho là cảng vận tải chính của GVA. Điều đặc biệt nằm ở chỗ Jacky Cheung, một giám đốc của GVA lại là CEO của Aluminicaste.
Jeremy Scott, đặc vụ phụ trách điều tra của cơ quan an ninh nội địa Mỹ tại Los Angeles cho biết, Liu định nung chảy nhôm ở Việt Nam rồi có lẽ sẽ đưa quay trở lại Mỹ như một món hàng không xuất xứ từ Trung Quốc nhưng kế hoạch bại lộ.
"Kế hoạch rất phức tạp", Scott nói, "Tôi cho là rất tham vọng. Nhưng có lẽ nếu họ tìm được xưởng luyện kim sớm hơn thì tôi nghĩ kế hoạch này có thể thành công".
Còn về Liu, theo cáo trạng của phía Mỹ, ông ta và các bị cáo khác đối mặt với án tù lên tới 465 năm nếu bị kết án toàn bộ 24 tội danh bao gồm âm mưu, gian lận, rửa tiền, giả mạo giấy tờ thông qua cơ quan thuế...
Phát ngôn viên của Zhongwang đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan của ông Liu, lẫn công ty đối với những cơ sở ở Mexico và Mỹ mà công tố viên Mỹ đưa ra.
Được biết, không ai trong số này có mặt ở Trung Quốc và Trung Quốc thì không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Vụ việc để ngỏ, còn núi kim loại khổng lồ mà thế giới thèm muốn vẫn nằm chất đống ở Việt Nam.
Doanh nghiệp và tiếp thị