Ông Trump "khai tử" TPP bằng cách nào?
Sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 21-11 tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay khi nhậm chức, mọi người đang thắc mắc ông sẽ khai tử hiệp định này thế nào?.
- 22-11-2016Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam?
- 22-11-2016Thủ tướng Nhật: “TPP vô nghĩa nếu không có Mỹ”
- 22-11-2016Quay lưng với TPP, Mỹ đánh rơi vai trò đầu tàu ở châu Á
Đài ABC News dẫn lời các chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ không tốn quá nhiều công sức nếu muốn “giết” hiệp định thương mại mà ông cho là khiến người lao động Mỹ mất việc.
Theo nhà kinh tế Derek Scissors đến từ Viện Doanh nghiệp Người Mỹ (AEI), TPP hiện vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn nên hiệp định này gần như đã "chết" sau khi ông Trump thắng cử.
Dĩ nhiên là quốc hội Mỹ vẫn có thể thông qua TPP từ giờ cho đến khi ông Trump nhậm chức nhưng họ không muốn làm thế. Trước cuộc bầu cử, không ít nghị sĩ đã tỏ thái độ phản đối TPP.
Ông Scissors kết luận để TPP hết đường sống, ông Trump thực sự không cần phải làm thêm gì cả, cứ để nó "nằm" đó, không được đưa ra quốc hội là đủ.
Giám đốc Jon Lieber của Công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group cũng cho rằng do Mỹ chưa phê chuẩn TPP nên hiện tại, ông Trump chỉ cần tuyên bố Washington sẽ không còn liên quan gì đến hiệp định là đủ để nó "chết" tại Mỹ.
Ông Trump không tốn nhiều công sức nếu muốn "giết" TPP. Ảnh: AP
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew (PRC) công bố hồi tháng 4 cho thấy 49% người Mỹ tin rằng sự tham gia của đất nước trong nền kinh tế toàn cầu là một điều không tốt đẹp gì. Nhiều người e ngại các thỏa thuận thương mại tự do có thể làm giảm việc làm trong lĩnh vực sản xuất, đồng thời dẫn đến tác động kinh tế tiêu cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo việc rút khỏi TPP sẽ khiến Mỹ sụt giảm vị thế trên vũ đài thế giới. Ngoài ra, uy tín đàm phán các thỏa thuận, hiệp ước kinh tế của Mỹ có thể bị suy giảm.
“Một số đối tác thương mại sẽ rất thất vọng nếu Mỹ rút khỏi TPP. Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu muốn bắt đầu các hiệp định quốc tế khác về kinh tế, thương mại hay đàm phán một thỏa thuận nào đó” – giáo sư Jiawen Yang chuyên về các vấn đề kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH George Washington (Mỹ) nhận định.
Dù khẳng định việc rút lui khỏi TPP không ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ nhưng ông Scissors đồng ý với giáo sư Yang về khía cạnh địa chính trị, đó là uy tín của người Mỹ chắc chắn sẽ bị tổn thương nếu từ bỏ TPP.
Không những vậy, nếu Mỹ bỏ rơi TPP, người được hưởng lợi chính là Trung Quốc. Washington đang tìm kiếm một khối thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương đủ mạnh để đối trọng với Bắc Kinh. TPP được xem là niềm hy vọng. Nhưng một khi Mỹ quay lưng với hiệp định này, các nước đối tác phải tìm “đầu tàu” mới, và không loại trừ khả năng họ hướng về Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Ông Lieber cũng cảnh báo rằng những cơ hội đầu tư mà các công ty Mỹ có thể có ở châu Á nhiều khả năng rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.
Người lao động