MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump phát tín hiệu đạt thỏa thuận thương mại trong cuộc gặp ông Tập

30-11-2018 - 17:23 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/11 nói rằng ông đang tiến rất gần đến “làm một điều gì đó” với Trung Quốc...

Phát biểu được ông Trump đưa ra trước thềm cuộc gặp với ông Tập Cận Bình một lần nữa làm dấy lên hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể đi đến một "thỏa thuận ngừng bắn" cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - hãng tin Bloomberg cho hay.

Suốt mấy tuần qua, quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bàn bạc nhằm đưa cuộc gặp sắp diễn ra giữa lãnh đạo hai nước đạt kết quả tốt nhất. Theo dự kiến, ông Trump và ông Putin sẽ cùng nhau dùng bữa tối vào ngày thứ Bảy bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.

Trong kịch bản tốt nhất về cuộc gặp, giới phân tích cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng việc áp thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau và vạch ra được một lộ trình đàm phán tiếp theo. Còn trong trường hợp xấu nhất, không có thỏa thuận nào và ông Trump sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, nguồn thạo tin cũng tiết lộ rằng Mỹ và Trung Quốc đang tính khả năng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Tập Cận Bình, đến Washington vào giữa tháng 12 để đàm phán thương mại. Tuy nhiên, khả năng diễn ra một chuyến thăm như vậy tùy thuộc vào kết quả cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập vào cuối tuần này.

Mấy ngày gần đây, ông Trump đưa ra những tín hiệu trái chiều về khả năng đạt thỏa thuận với ông Tập. Một mặt ông tỏ ra cứng rắn và cương quyết với chiến lược áp thuế quan lên hàng Trung Quốc, mặt khác cũng để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận.

"Tôi cho rằng chúng tôi đang tiến rất gần đến làm được một điều gì đó với Trung Quốc, nhưng tôi không chắc là tôi có muốn làm điều đó không, bởi thứ mà chúng tôi đang có hiện nay là hàng tỷ, hàng tỷ USD chảy vào Mỹ dưới dạng thuế quan và thuế", ông Trump nói với các nhà báo khi ông rời Nhà Trắng để lên đường đến thượng đỉnh G20.

"Tooi muốn nói với các bạn rằng tôi thấy Trung Quốc rất muốn đạt thỏa thuận", ông Trump nói tiếp. "Tôi để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận, nhưng thưc lòng mà nói tôi thích những gì chúng tôi đang có hiện nay".

Nguồn thạo tin cho biết Nhà Trắng đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất nào từ Trung Quốc giải quyết tất cả mọi vấn đề mà ông Trump muốn giải quyết. Theo nguồn tin, ông Trump có thể nhất trí về một thỏa thuận "ngừng bắn" với ông Tập, nhưng tiến bộ ít ỏi mà hai bên đạt được cho tới thời điểm này cho thấy khả năng đạt một thỏa thuận để giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là tương đối xa vời.

Tuần này, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nói rằng ông Trump muốn ông Tập đề xuất nhiều hơn tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo thì hai bên mới có thể đạt được sự đột phá.

Đến nay, ông Trump giữ vững yêu cầu Bắc Kinh phải giải quyết một loạt vấn đề tồn tại bấy lâu trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, bao gồm cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Phái "diều hâu" trong chính quyền ông Trump cũng muốn Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ chính sách công nghiệp và công nghệ.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa nhượng bộ yêu cầu nào trong số trên của Mỹ, đồng thời đòi hỏi một giải pháp cho chiến tranh thương mại phải là giải pháp bình đẳng và có đi có lại.

Mỹ hiện đã áp thuế quan bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng Mỹ. Dự kiến, mức thuế 10% mà Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ tăng lên mức 25% từ năm sau. Ngoài ra, ông Trump cũng dọa áp thuế lên thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng nghĩa đánh thuế bổ sung toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ hàng năm.

"Hàng tỷ USD đang chảy vào quốc khố của nước Mỹ nhờ đánh thuế hàng Trung Quốc, và vẫn còn một chặng đường dài để đi", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter vào ngày thứ Năm. "Nếu các công ty không muốn nộp thuế quan, thì hay xây nhà máy ở Mỹ. Nếu không, thì hãy cứ để đất nước của chúng tôi trở nên giàu có hơn bao giờ hết!".

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên