MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump tiếc vì không áp thuế quan cao hơn lên hàng Trung Quốc

26-08-2019 - 08:52 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/8 thừa nhận ông có “nghĩ lại” về việc leo thang thương chiến với Trung Quốc...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/8 thừa nhận ông có "nghĩ lại" về việc leo thang thương chiến với Trung Quốc. Sau đó, người phát ngôn của ông Trump giải thích rằng ông chủ Nhà Trắng tiếc vì đã không áp thuế quan cao hơn.

Theo tin từ Bloomberg, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephani Grisham nói giới truyền thông đã hiểu nhầm về phát biểu lúc đầu của ông Trump. Ông Trump không tiếc vì đã tiến hành chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mà tiếc vì lẽ ra ông nên giáng những "đòn" thuế quan mạnh hơn vào đối phương.

"Tổng thống đã được hỏi liệu ông có ‘nghĩ lại về việc leo thang thương chiến với Trung Quốc’. Câu trả lời của ông đã bị hiểu sai lệch. Tổng thống Trump đã giải thích lại rằng ông tiếc vì không tăng thuế quan cao hơn", một tuyên bố của bà Grisham cho hay.

Câu trả lời mà ông Trump đưa ra lúc đầu, rằng ông lấy làm tiếc về thương chiến, đã được giới truyền thông toàn cầu giật tít. Thông tin này gây ngạc nhiên vì ông Trump là người hiếm khi "nghĩ lại" về những việc ông đã làm, mà thông thường, càng bị chỉ trích thì ông càng cứng rắn. Giải thích của thư ký báo chí Nhà Trắng được xem là phù hợp hơn với tính cách và lập trường của ông Trump.

Phát biểu trên được ông Trump đưa ra tại hội nghị nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra ở Biarritz, Pháp, khi ông có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày Chủ nhật.

Một nhà báo đã hỏi ông Trump liệu ông "có nghĩ lại về việc leo thang thương chiến" với Trung Quốc, sau khi ông tăng thuế quan trừng phạt áp lên 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào hôm thứ Sáu.

"Chắc chắn là có. Tại sao lại không chứ", ông đáp. "Tôi nghĩ lại về mọi thứ".

Những tuyên bố mới nhất của ông Trump một lần nữa cho thấy mức độ căng thẳng của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không những không giảm nhiệt, cuộc chiến này ngày càng leo thang trong lúc có nhiều dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Hôm thứ Sáu, ông Trump tuyên bố tăng thuế quan bổ sung lên 30% từ 25% đang áp dụng đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/10.

Ngoài ra, thuế quan áp lên lô 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên mức 15%, từ 10% như kế hoạch ban đầu. Một nửa của chương trình áp thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9, số còn lại thực hiện từ ngày 15/12.

Việc tăng thuế trên là cách ông Trump đáp trả quyết định mà Trung Quốc đưa ra hôm thứ Sáu: áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này như đậu tương, thịt lợn, bông và dầu thô. Động thái của Bắc Kinh được đánh giá rõ ràng nhằm vào lực lượng ủng hộ chính trị của ông Trump, là các nhà máy và nông trại ở vùng Midwest và phía Nam của nước Mỹ.

Vào cuối tuần, Trung Quốc đã thề sẽ dành cho Mỹ sự đáp trả mạnh mẽ.

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, ông Hu Xijin, nói rằng cho dù ông Trump có hối tiếc vì leo thang thương chiến hay không, Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc quan hệ Trung-Mỹ trở nên tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay.

"Cho dù ông ấy có nói thế nào, thì chúng tôi cũng đang chuẩn bị nghiêm túc cho kịch bản mà ở đó quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục xấu đi, xấu hơn rất nhiều so với hiện nay", ông Hu viết trên mạng xã hội Twitter.

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump đang có chiều hướng giảm trước khi ông chính thức bước vào vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Trong một số cuộc thăm dò dư luận, cử tri Mỹ đã tỏ ra lo ngại về chính sách bảo hộ mậu dịch và thương chiến với Trung Quốc của ông Trump.

Về phần mình, ông Trump muốn dựa vào một nền kinh tế tăng trưởng mạnh để gia tăng cơ hội tái đắc cử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ quan điểm lo ngại kinh tế Mỹ có thể sắp rơi vào suy thoái.

Một nhà báo đã hỏi ông Trump rằng liệu các nước đồng minh trong G7 có gây sức ép đòi ông phải từ bỏ thương chiến. "Không hề, tôi không nghe thấy chuyện đó", ông Trump đáp.

Trái với tuyên bố này của ông Trump, Thủ tướng Johnson sau đó nói rằng G7 "nói chung muốn có hòa bình trong lĩnh vực thương mại".

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên