MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Economist: Ông Trump tự hào Mỹ là cường quốc năng lượng số 1 thế giới nhưng "ông vua" thực sự lại là Trung Quốc!

25-09-2020 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc – nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất thế giới nhưng đang dẫn đầu làn sóng năng lượng tái tạo – sẽ có lợi thế trong xu hướng rời xa nhiên liệu hóa thạch.

"Mỹ hiện là cường quốc năng lượng số 1 thế giới", Tổng thống Trump từng phát biểu tại Midland, Texas trong chuyến đi tới đây mùa hè vừa qua, khi ông đang đứng trên 1 sân khấu được trang trí bằng những thùng dầu sáng bóng. Điều khiến ông Trump tự tin đến vậy là sản lượng dầu khổng lồ được khai thác từ những mỏ dầu đá phiến nằm dưới vùng Midland và những nơi khác trên khắp nước Mỹ. Thập kỷ vừa qua, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong khi sản lượng khí đốt cũng tăng hơn 50%. Mỹ đứng đầu thế giới ở cả 2 lĩnh vực.

Nếu như vẫn còn sống đến tận bây giờ và nghe ông Trump tuyên bố "chúng ta sẽ không bao giờ phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp không thân thiện ở nước ngoài nữa", các đời Tổng thống Mỹ từ Franklin Roosevelt có lẽ cũng sẽ nhanh chóng gật đầu tán thành. Sau thế chiến thứ hai, khả năng tiêu thụ dầu quá lớn của Mỹ khiến khả năng sản xuất trong nước không thể đáp ứng. Đảm bảo nguồn cung từf nước ngoài trở thành ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên cú sốc giá dầu trong những năm 1970 đã ảnh hưởng rất mạnh đến cả kinh tế và địa chính trị, là nguyên nhân chính khiến Mỹ can thiệp vào Trung Đông. Sau đó nguồn cung nội địa đã tăng mạnh trong những năm 2010, vừa giúp thúc đẩy nền kinh tế vừa mở ra những cơ hội địa chính trị mới. Mỹ có thể áp đặt lệnh cấm vận lên các quốc gia dầu mỏ như Iran, Venezuela và Nga mà không e ngại thiệt hại về kinh tế.

Nhưng qua thời gian thì khái niệm cường quốc năng lượng cũng đang thay đổi do 3 xu hướng. Thứ nhất, giờ đây ngành năng lượng nhận ra rằng thứ tác động mạnh nhất đến thị trường năng lượng là cầu chứ không phải cung. Trong báo cáo "Triển vọng năng lượng thế giới" được công bố hôm 14/9, tập đoàn dầu khí BP cho biết đang có kế hoạch chuyển sang hướng trung hòa carbon với dự đoán nhu cầu về dầu đã đạt đỉnh và có thể giảm mạnh trong tương lai.

Xu hướng thứ hai là hầu hết các nước đều thừa nhận rằng cần phải chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vì biến đổi khí hậu. Và điều này lại dẫn đến xu hướng thứ ba: điện khí hóa. Báo cáo của BP nhấn mạnh trong tương lai, tỷ lệ năng lượng được sử dụng dưới dạng điện sẽ tăng từ mức 20% trong năm 2018 lên hơn 50% vào năm 2050.

Nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch sụt giảm khiến quyền lực không còn nằm trong tay nhà sản xuất nữa mà thuộc về người tiêu dùng. Và xu hướng rời xa nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa trở thành 1 nước sản xuất dầu hùng mạnh không mang đến quá nhiều quyền lực cho Mỹ như trước đây. Ngược lại, Trung Quốc – nước nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất thế giới nhưng đang dẫn đầu làn sóng năng lượng tái tạo – sẽ có lợi thế.

Đại dịch Covid-19 mang đến cơ hội "xem trước" 1 thế giới mà trong đó nhu cầu về dầu sụt giảm mạnh. Khi trái đất dường như ngừng quay hồi tháng 3, cơn khát dầu cũng đột ngột biến mất. Các nước có ngân sách phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu đối mặt với thâm hụt nghiêm trọng. Nhà đầu tư cũng quay lưng với các công ty dầu mỏ. Giá trị của ngành dầu đá phiến Mỹ đã giảm hơn 50% kể từ tháng 1 đến nay. Đã là thành viên của chỉ số công nghiệp Dow Jones từ năm 1928 nhưng ExxonMobil cũng phải ngậm ngùi ra đi. Với giá trị vốn hóa 155 tỷ USD, giờ đại gia dầu mỏ còn nhỏ bé hơn cả hãng giày Nike.

Việc nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc – hiện là nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới – vẫn tăng lên đã giúp thị trường cân bằng lại. Tuy nhiên những công ty lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã trở nên quá lớn đến mức quyết định mức giá sàn. Mảng giao dịch của những tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ như Sinopec và CNPC hiện là 2 trong số 3 công ty giao dịch dầu thô lớn nhất trên sàn giao dịch Dubai, ảnh hưởng lớn đến giá dầu thô ở châu Á. Giá dầu giảm mạnh cũng cho phép Trung Quốc nhanh chóng xây dựng kho dự trữ chiến lược.

Theo Kevin Tu, chuyên gia đang công tác tại ĐH Beijing Normal, những mỏ dầu khổng lồ mới được tìm thấy ở ngoài khơi Brazil và Guyana, cùng với sản lượng khí hóa lỏng của Australia tăng vọt và cú bùng nổ dầu đá phiến ở Mỹ đã mang đến rất nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Vẫn có nhiều bên lạc quan và có suy nghĩ đối lập với BP, rằng nhu cầu về dầu vẫn chưa đạt đỉnh. Tuy nhiên chính họ cũng thừa nhận rằng nguồn cung dầu đang lớn hơn nhu cầu, và các bên sẽ phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt để tìm kiếm khách hàng.

Trong nhiều trường hợp, đó là cuộc cạnh tranh để phục vụ nhu cầu của Trung Quốc. Khi ở trong cuộc chiến về giá với Nga mùa xuân năm nay, Saudi Arabia đã giảm mạnh giá những thùng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Những công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc đang có kế hoạch mua lại 1 liên minh để tăng sức mạnh khi đàm phán với Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Trung Quốc cũng có thể tăng cường sức mạnh tài chính khi các quốc gia dầu mỏ đang gặp khó khăn vì nợ: nước này đã phát hành các khoản nợ đảm bảo bằng dầu mỏ cho các nước giàu dầu mỏ như Angola và Brazil.

Vị thế là người mua giúp Trung Quốc cản trở Mỹ trừng phạt các nước xuất khẩu dầu. Lâu nay các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập dầu từ Iran và Venezuela. Và liên minh năng lượng Nga – Trung cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên