MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Gia Bình: 7 trường Đại học ở Đài Loan sang ĐH Bách Khoa, ĐH FPT để tuyển người cho ngành bán dẫn, sẵn sàng tài trợ học phí, vé máy bay, sinh hoạt phí...

25-04-2024 - 11:08 AM | Doanh nghiệp

"Ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu. Nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thuật lại lời của một vị đại sứ nước ngoài…

Chia sẻ tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 24/4, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT, đề cập về cơ hội khó tin của Việt Nam và chỉ có 18 tháng để nắm bắt.

"Cách đây một tuần trong buổi gặp với đại sứ Mỹ, đại sứ Nhật Bản, đại sứ Singapore. Có vị đại sứ nói với tôi rằng: Ông không biết cơ hội của đất nước ông lớn thế nào đâu. Nhưng các ông chỉ có 18 tháng thôi", ông Bình thuật lại.

"Tôi hiểu như thế này. Cơ hội ở đây là bán dẫn. Ngành bán dẫn chọn quốc gia, dân tộc. Nhưng Việt Nam chỉ có 18 tháng thôi vì thế giới sẽ không chờ chúng ta. Rồi thế giới sẽ phải chọn đường khác nếu chúng ta không đáp ứng kịp. Bằng mọi giá thế giới không thiếu chip được".

Chủ tịch FPT cho biết thế giới đã "nếm nỗi đau" đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19. Hãng ô tô hàng đầu của Mỹ sản xuất ra không bán được. Hiệp hội bán dẫn Mỹ đến các nước thúc đẩy, lập danh sách, xây dựng và bỏ tiền tấn để có thể sản xuất, để không sợ đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ Nhật Bản và các nước khác cũng như vậy.

Ông Trương Gia Bình nhìn nhận Việt Nam phải tính thời gian 18 tháng bằng cách tiệm cận và đột phá.

"Tôi đồng ý cách tiếp cận của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ Kế hoạch Đầu tư là chúng ta nhìn vấn đề rất lớn, không làm việc nhỏ".

"Ông Jensen Huang – CEO NVIDIA khi đến Việt Nam có nói: Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể tham gia đầy đủ các công đoạn của chuỗi bán dẫn. Đột phá mới là quan trọng. Chúng ta phải đột phá về thể chế. Trong 18 tháng phải thể hiện: Việt Nam không phải có cơ hội mà còn cam kết với cơ hội đó", ông Bình nói.

Với nhận định Việt Nam phải là hub (trung tâm) nhân lực của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Bình đặt vấn đề: Làm thế nào để thành hub (trung tâm) nhân lực ngay lập tức?

"Bảy trường đại học ở Đài Loan đến gặp các anh (Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ) và FPT để tuyển người. Các nước sẵn sàng tài trợ học phí, vé máy bay, chi phí sinh hoạt... mọi thứ. Và chúng ta phải đáp ứng nhiều nhất có thể nguồn nhân lực cho họ".

"Vì họ đã nói: thiếu 1 triệu người. Chúng ta cần chứng minh rằng, Việt Nam có sinh viên sẵn sàng theo học", ông Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các quan điểm:

Thứ nhất, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.

Theo Bình An

An ninh tiền tệ

Trở lên trên