Ông Vũ Bằng: 'Hệ thống cũng như con người, phải có lúc ốm đau'
Nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng, hệ thống sàn giao dịch bản chất cũng như con người, cũng phải có lúc ốm đau. Thay vì căng thẳng, chỉ trích, nhà đầu tư nên đồng hành để cùng tìm ra giải pháp.
Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, hầu các công ty chứng khoán đều không cho phép nhà đầu tư hủy, sửa lệnh trên sàn HOSE.
Trước đó, cuối tuần trước, UBCKNN đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các công ty chứng khoán giữ thị phần gần 70% trên thị trường, với nội dung chính là kêu gọi các CTCK ủng hộ giải pháp chặn, hủy/ sửa lệnh trên HOSE.
Trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, chưa bao giờ có việc cấm hủy, sửa lệnh giao dịch.
Việc cấm huỷ, sửa lệnh giao dịch trên HOSE đồng thời diễn ra với tình trạng giá cổ phiếu nhảy nhót loạn xạ, không biết ở mức nào để đặt mua – bán gây bức xúc rất lớn trong giới đầu tư. Đặc biệt, vấn đề này được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhà đầu tư tháo chạy, "nhắm mắt" đặt lệnh MP để mua bán bằng bất cứ giá nào đã khiến thị trường giảm tới gần 60 điểm trong 2 ngày đầu tuần.
Một nhà đầu tư cá nhân cho biết: Giao dịch kiểu "bịt mắt" dẫn tới thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư. Thà cứ để như trước, lúc nào sàn đơ, không giao dịch được nữa thì dừng còn minh bạch hơn là tình trạng như hiện nay người được sửa lệnh người thì không.
Cùng với đó, vị này cho rằng nên đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Tài chính, UBCKNN. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước thiệt hại của nhà đầu tư? Những vấn đề này đang làm mất lòng tin rất lớn của nhà đầu tư.
Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN để có thêm góc nhìn khách quan.
Ông Vũ Bằng: Nhà đầu tư bực mình, chỉ trích ở thời điểm hiện tại là dễ hiểu khi hệ thống giao dịch chứng khoán thiếu ổn định, nghẽn lệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, hệ thống sàn giao dịch chứng khoán cũng như con người ấy, đến ở các nước phương Tây hiện đại cũng có lúc xảy ra trục trặc, nữa là hệ thống của chúng ta nhưng lại chưa tự chủ được.
Hệ thống của HOSE là của Thái Lan cung cấp và chúng ta không có bản quyền. Vì vậy, ngay từ thời tôi làm Chủ tịch UBCKNN, 3 lần sập sàn đều phải gọi chuyên gia Thái Lan sang hỗ trợ sửa, chứ kỹ thuật của ta không dám động vào vì không xây dựng từ đầu, không biết đường nào mà lần. Trong khi đó, thời gian gần đây thị trường tăng trưởng quá nhanh tới mức khó hình dung. Khi nhà đầu tư F0 đạt kỷ lục, lượng giao dịch cao chưa từng có, hệ thống lại quá yếu thì sẽ dẫn tới nghẽn, sập sàn. Nhà đầu tư có chỉ trích, yêu cầu cách chức thì thị trường cũng chẳng thể vận hành trơn tru ngay được, bản thân cơ quan quản lý cũng lực bất tòng tâm.
Về đề xuất không vận hành trơn tru được thì tạm dừng, nhưng để dừng cũng không phải đơn giản. Có người lại bảo chỉ nên giao dịch sáng, dừng chiều, lúc đó tất cả lệnh dồn vào buổi sáng thì cũng vẫn sẽ nghẽn lệnh, sập hệ thống. Nên bây giờ để tìm một giải pháp tạm thời là rất khó.
Còn về lâu về dài thì giải pháp là đẩy nhanh quá trình đưa hệ thống mới vào vận hành. Động viên FPT và Sở giao dịch HOSE làm ngày làm đêm, cả thứ 7, chủ nhật thì kỳ vọng tới cuối tháng 6, giữa tháng 7 là có thể đưa hệ thống mới vào vận hành được, song song với đó là tiếp tục làm với Hàn Quốc. Đấy là giải pháp căn cơ nhất.
Bạn hãy hình dung chúng ta đi cái xe từ thời cách đây 20 năm, dù là giải pháp nào thì trên khung cái xe quá cũ quá và bé thì rất khó đi xa và an toàn được. Còn nếu muốn tìm giải pháp tạm thời, trung hoà giữa tất cả các bên thì UBCKNN, HOSE nên có một cuộc họp với công ty chứng khoán, FPT để các bên hiến kế, để tìm giải pháp theo giai đoạn.
Còn với nhà đầu tư, rất mong có sự chia sẻ với cơ quan quản lý. Có thể họ đã rất nỗ lực nhưng vấn đề không hề đơn giản nếu chỉ nhìn từ bên ngoài vào. Sự chia sẻ và đồng hành của nhà đầu tư thời điểm hiện tại sẽ là động lực để hệ thống mới sớm được đi vào vận hành vào cuối tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Đặc biệt trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang phải giãn cách như thế này thì sự nỗ lực của FPT, HOSE càng nên được động viên.
Xin cảm ơn ông!
Nhà đầu tư