MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Thành Tự Anh: Chúng ta không được phép nhỡ tàu!

"Nếu không giải quyết được yếu kém nội lực doanh nghiệp, nội lực quốc gia thì yếu tố bên ngoài càng làm yếu kém nội tại. Chúng ta không được phép tụt hậu, không được phép nhỡ tàu".

“Nhìn vào bức tranh toàn cầu, dù Trump thay đổi, các vấn đề nội tại Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Nếu không giải quyết được yếu kém nội lực doanh nghiệp, nội lực quốc gia thì yếu tố bên ngoài càng làm yếu kém nội tại. Chúng ta không được phép tụt hậu, không được phép nhỡ tàu. Cách đây 20 năm là tụt hậu của người đi bộ với người đi xe, còn bây giờ là tụt hậu của người đi bộ với… tên lửa! Phải có đủ sự tự tin cần thiết để vượt lên phía trước”.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, đại học Fulbright Việt Nam trong hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ & thế giới sau Trump do BSA tổ chức tại TP. HCM.

Những gì Trump nói và những gì Trump làm khác nhau

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, “Nhìn vào bối cảnh kinh tế toàn cầu, Việt Nam và cả thế giới đang trải qua quá trình bình thường mới, thật ra là “tầm thường mới”, tăng trưởng GDP suy giảm. Trong vòng 4 năm trở lại đây, còn số này suy giảm cho cả khối, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản đều đi xuống.

Suy giảm tăng trưởng GDP và thương mại toàn cầu, khoảng 20 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng thương mại suy giảm hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Vì vậy không có cơ sở GDP tăng trưởng trong vài năm tới”, ông Tự Anh cho biết.

Nói về sức mạnh Mỹ, ông Tự Anh phân tích: “Trump đề ra những mục tiêu ngoài khả năng, như GDP tăng trưởng 4% là không tưởng. Người không hiểu gì về nền tảng kinh tế mới phát biểu như vậy. Nước Mỹ chỉ vĩ đại trở lại không chỉ trong nước mà quan tâm đến toàn cầu, lo mình anh chưa được làm sao mà vĩ đại?

Những gì Trump nói và những gì Trump làm khác nhau, vấn đề là chúng ta có thể dự báo về xu thế mà thôi, vì bản thân Trump cũng không tự tin ở mình, làm sao chúng ta có thể dự báo Trump sẽ làm gì”.

Bàn về rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm gần một nửa, số nợ xấu tăng 4 lần từ khủng hoảng, chắc chắn sẽ có trục trặc, biến động. Vậy nợ xấu Trung Quốc nằm ở đâu, ở các địa phương, xoay quanh nợ vay ở ngân hàng nước ngoài, một loạt doanh nhân tháo chạy. Tôi không dự báo Trung Quốc sụp đổ, nhưng chắc chắn Trump sẽ không dại gì có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Những gì xảy ra chỉ là sức ép để tạo thế thương lượng mới với Trung Quốc. Một loạt gian lận thương mại sẽ nảy sinh, thép là điều đã nhìn thấy làm ảnh hưởng đến Việt Nam. Công nghệ lạc hậu của Trung Quốc sẽ bị đẩy sang Việt Nam, trong đó nhiều công nghệ bẩn như trường hợp của thép Thái Nguyên, Fomosa”.

Việt Nam liệu có đuổi kịp các nền kinh tế mới nổi?

Lý giải điều này, ông Tự Anh cho biết: “Ngay cả khi chúng ta tăng trưởng rất cao, nhưng vẫn tụt hậu so với các nước mới nổi 20 năm. Nếu trước đây chúng ta tăng trưởng 8% thì khi năng suất lao động đi xuống, trước khi kịp giàu thì đã già. Với lao động trẻ, chúng ta nghĩ có một kho vàng trong tay. Nhưng với chính sách đào tạo thế này, chúng ta không có vàng, đây là áp lực rất lớn. Nguy cơ già trước khi giàu và sức ép đáp ứng kỳ vọng của tầng lớp trung lưu mới. Chỉ còn duy nhất cơ hội lớn cho Việt Nam là lực lượng doanh nghiệp tư nhân mạnh lên, và cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp tư nhân là năng suất lao động”.

Bàn về khát vọng mà chính phủ đưa ra cho năm 2017, qua phân tích các số liệu đáng tin cậy, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết: “Tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2016 giảm đáng kể vì sự sụt giảm của nông nghiệp và công nghiệp khai thác. Chúng ta nên chấp nhận mức tăng trưởng GDP thấp hơn 6,7% năm 2017, vì môi trường thế giới cực kỳ không thuận lợi. Chính sách tài khóa giảm bội chi ngân sách 3,5% trong bối cảnh tỉnh nào cũng muốn đầu tư, chi tiêu, TP. HCM, Đà Nẵng đã bị giảm ngân sách, làm sao có thể thực hiện được? Chính phủ có thể sẽ thắt chặt tiền tệ. Xuất khẩu tăng 6-7% cũng khó đạt được. Năng suất TFP đóng góp 30-35% vào tăng trưởng GDP, năng suất lao động tăng bình quân 5% … đây là khát vọng mà nếu không có thay đổi quyết liệt về thể chế thì không thể thực hiện được”.

Làn sóng hội nhập mới ở Việt Nam: Chúng ta không được phép nhỡ tàu

Nhấn mạnh đến quyết tâm chính trị để đổi mới trong nước trước làn sóng hội nhập mới và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, ông Vũ Thành Tự Anh cho biết: “Cần phân biệt rõ giữa thông điệp chính sách và thực hiện chính sách. Về thông điệp, chúng ta có “Chính phú kiến tạo”, “Chính phủ phục vụ”, “Đất nước khởi nghiệp”… Chúng ta cũng nói về tái cấu trúc bao năm nay rồi nhưng có làm được không trong bối cảnh tính hệ thống bị phân mảnh, chính phủ bị thương mại hóa như đánh giá của đại học Havard? Thất bại về nguồn nhân lực là thất bại lớn nhất trong nền kinh tế.

Về đào tạo, dạy nghề thất bại suốt 30 năm đã kéo chúng ta lại. Liên quan đến nông nghiệp, nếu nhìn vào phân tích của các nhà kinh tế, khu vực tổn thương nhất là nông nghiệp, chế tạo chế biến. Nhưng chính sách gần như không nói gì đến “cái lưới an toàn” để nông dân có thể bấu víu vào. Kinh tế Việt Nam manh mún, đất nước có 63 tỉnh thành, cục bộ, doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, đất đai ngày càng manh mún…

Chúng ta trong giai đoạn vừa qua rất hồ hởi để hội nhập, nhưng muốn hội nhập thành công, phải quay lại cải cách trong nước, đó là bài học cực lớn từ WTO cách đây 10 năm. Bất cứ hiệp định khu vực nào chúng ta cũng tham gia, vấn đề là phải đủ quyết tâm chính trị để đổi mới trong nước.

Khi thế giới đang ở ngưỡng cửa của cuộc cách mạng lần thứ 4, vừa là điện tử thông tin, vừa là công nghệ số. Trí tuệ nhân tạo đã thắng con người ở việc đánh cờ, điều đó có nghĩa thế giới đang ở ngưỡng cửa sáng lạn về công nghệ. Nhưng chúng ta mới đang ở ngưỡng của của cuộc cách mạng lần thứ…2! Dù chúng ta khoác vào mình những chiếc áo như Intel, Samsung… nhưng cuối cùng vẫn chỉ là thân phận gia công, công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp. Nếu không giải quyết nội tại, nền kinh tế thế giới vẫn đi lên, còn chúng ta thậm chí tụt hậu lại”.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu, thương mại quốc tế không thuận lợi, Trump đầy bất trắc, quy mô thị trường đi xuống… Với chính phủ và doanh nghiệp, quản lý rủi ro và ứng phó linh hoạt vô cùng quan trọng.

Theo Kim Yến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên