MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông vua tiền số" Bitcoin và những lời cảnh báo từ lịch sử

06-12-2017 - 09:37 AM | Tài chính quốc tế

Trong quá khứ cũng đã từng có những tài sản tăng giá chóng mặt nhưng phải chứng kiến kết cục khá bi thảm.

Các chuyên gia đang so sánh bitcoin với các vụ bong bóng kinh tế khác trong quá khứ vì mức tăng “điên cuồng” của đồng tiền kĩ thuật số này trong năm nay. Và dưới đây là một số bài học lịch sử có lẽ là “cay đắng” nhất.

Cơn cuồng hoa tulip

Là một trong những ví dụ sớm nhất của bong bóng tài sản, vụ bùng nổ giá hoa tulip này xảy ra vào thế kỷ 17. Các nhà đầu cơ Hà Lan đã lợi dụng sự phấn khích vô lý dành cho những “củ” hoa tulip, thứ mà vào thời điểm đó vẫn còn là một loại hoa mới mẻ đối với châu Âu được mang về từ thủ phủ của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Các nhà đầu cơ bắt đầu mua và bán hoa tulip, đẩy giá lên cao ngất, trong khi ngày càng có nhiều người hơn đổ xô vào thị trường này sau khi được nghe về số tiền người khác kiếm được. Giá hoa tulip lần lượt vọt lên những mức không bền vững, trước khi lao dốc không phanh khi nhu cầu không còn nữa.

Bong bóng South Sea (Nam Hải)

Nhà bác học Isaac Newton là một trong số những người được cho là đã bị mất một số tiền rất lớn khi đầu tư vào South Sea, công ty được độc quyền mua bán giữa nước Anh và Nam Mỹ vào đầu thế kỷ 18.

Do kỳ vọng vào lợi nhuận, giới đầu tư đã mua cổ phiếu của công ty này. Tuy nhiên, giá của nó liên tục bị đẩy lên những mức hết sức phi lý so với mức chào bán ban đầu. Khi nước Anh rơi vào cuộc chiến với Tây Ban Nha để giành quyền kiểm soát Nam Mỹ, công ty này chỉ kiếm được rất ít lợi nhuận, thế là giá cổ phiếu của họ “rớt thảm”.

Bong bóng dotcom (công nghệ)

Sự xuất hiện của rất nhiều công ty internet mới trên thị trường chứng khoán, trong đó có cả sàn giao dịch Nasdaq ở New York, đã tạo ra một sự phấn khích hồi cuối những năm 1990, dẫn đến sự đầu cơ quá mức. Nhiều công ty chỉ là “lính mới” nhưng đã có thể đạt được các mức định giá khổng lồ, mặc dù họ chỉ tạo ra rất ít hoặc gần như không có lợi nhuận.

Do liên tục dẫn đầu danh sách bị bán trên thị trường, các cổ phiếu này đã gây ra một cơn hoảng loạn hồi đầu năm 2000. Trong khi đó, các nguồn cung cấp vốn cho những công ty với ít khả năng tạo ra lợi nhuận này lại cạn kiệt, khiến cho sự rớt giá của họ càng tồi tệ thêm và kết quả là làm cho thị trường sụp đổ.

Khủng hoảng nợ dưới chuẩn

Do bị “mờ mắt” trước những khoản lợi nhuận khổng lồ, ngành ngân hàng đã cho các hộ gia đình Mỹ vay tiền một cách vô trách nhiệm, dù thừa biết rằng họ không thể thật sự kham nổi món nợ vay mua nhà của mình.

Khi số hộ gia đình không thể trả nổi các khoản vay mua nhà bắt đầu tăng lên, nhà đầu tư mới nhận ra quy mô của lượng tài sản xấu được bơm vào các thị trường tài chính. Tuy nhiên, họ vẫn không thể làm được gì hơn vì mọi chuyện đã quá muộn. Hậu quả là, hệ thống ngân hàng Mỹ bị sụp đổ vào năm 2008.

Thanh Hải

Guardian

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên