MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông vua xe hơi" Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!

22-07-2020 - 10:22 AM | Sống

Cách đây hơn một thế ký, có lẽ sẽ không ai tin được rằng ô tô sẽ thay thế ngựa để trở thành phương tiện di chuyển phổ biến nhất thế giới. Thế nhưng, bằng sự học hỏi và kiên trì của mình, Henry Ford đã chứng minh cho cả thế giới thấy chẳng có gì là không thể

Henry Ford không phải là người đã phát minh ra ô tô, nhưng ông đã đóng góp rất nhiều nhằm thay đổi bộ mặt giao thông vận tải của thế giới vào đầu giai đoạn đầu thế kỷ 20. 

Khi ấy, xe ngựa vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, còn xe hơi là một thứ gì đó quá xa xỉ mà chỉ giới thượng lưu mới có thể sở hữu. Không bằng lòng với thực tế đó, nhà sáng lập thương hiệu ô tô Ford danh tiếng khẳng định đầy quyết tâm: “Tôi sẽ tạo nên một chiếc xe dành cho số đông dân chúng”.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 1.

Henry Ford sinh ngày 30/7/1863 tại Springwell Township, hạt Wayne, bang Michigan (Mỹ). Ông là con trai cả trong một gia đình có 6 anh chị em. Lớn lên trong một trang trại rộng lớn nhưng thay vì theo nghiệp bố quản chuyện đồng áng, Henry Ford lại tỏ ra thích thú với máy móc hơn.

Kể từ năm 12 tuổi, Henry Ford đã dành phần lớn thời gian trong một cửa hàng cơ khí nhỏ, nơi ông tự mày mò thử nghiệm các loại máy móc. Khi được bố cho một chiếc đồng hồ bỏ túi, Ford ngay lập tức tháo tung ra để khám phá động cơ tinh xảo bên trong, rồi lắp lại như cũ chỉ bằng các dụng cụ có sẵn. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã biết sửa đồng hồ thành thạo, nhiều lần giúp đỡ bạn bè và hàng xóm xung quanh.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 2.

Detroit, bang Michigan vào những năm 1880. (Ảnh: Detroit Public Library, Burton Collection)

Năm 13 tuổi, mẹ của Henry Ford qua đời. Cú sốc đầu đời này tuy khiến Ford suy sụp một thời gian, nhưng đồng thời cũng giúp ông nhận ra đam mê thực sự của mình và chế tạo động cơ hơi nước đầu tiên chỉ 2 năm sau đó. Từ chối tiếp quản trang trại của gia đình, Ford rời nhà lên thành phố Detroit để làm thợ máy học việc khi mới 16 tuổi. Trong thời gian ở đây, ông vừa làm việc cật lực để kiếm đủ tiền mở cửa hàng riêng, vừa không ngừng học hỏi về các loại động cơ với hy vọng tạo nên “một chiếc xe hơi đại chúng” dành cho mọi người.

Sau 3 năm, Henry Ford quyết định trở về quê nhà, nhận đủ loại công việc để kiếm sống: điều hành xưởng cưa, sửa chữa trang trại... Năm 1888, ông kết hôn với người phụ nữ tên là Clara Bryant. Những tưởng Henry Ford sẽ an phận với cuộc sống trang trại yên bình bên gia đình, nhưng chỉ 5 năm sau đó, ông gây bất ngờ khi trở thành kỹ sư trưởng tại Edison Illuminating Company của nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 3.

Thomas Edison (trái) và Henry Ford (phải) là những người bạn rất thân thiết với nhau.

Nhờ chăm chỉ, Henry Ford được thăng chức thành kỹ sư trưởng sau 2 năm làm việc. Tuy nhiên, công việc giám sát điện lưới đòi hỏi ông phải túc trực 24/7, không còn nhiều thời gian để thực hiện mơ ước sáng chế một loại xe chạy bằng xăng.

Ford từng viết trong cuốn hồi ký My Life and Work: “Tôi buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp đang lên và niềm đam mê ô tô. Cuối cùng, tôi đã chọn ô tô và từ bỏ công việc - thật sự chẳng còn lựa chọn nào khác. Bởi lẽ, tôi đã sớm biết chỉ ô tô mới đem đến thành công cho mình”.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 4.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 5.

Năm 1896, Henry Ford chế tạo thành công cỗ xe đầu tiên không cần ngựa kéo, gọi là Quadricycle. Tuy nhiên, thiết kế này còn quá nhỏ và chưa đủ hoàn thiện để sử dụng đại trà. Ông bán lại mẫu xe này để có tiền cải tiến sản phẩm, đồng thời tìm người tài trợ cho dự án “không tưởng” của mình. 

Sau 2 lần thử nghiệm, ông và một nhóm các nhà đầu tư đã thành lập Detroit Automobile Company vào tháng 8/1899. 10 ngày sau, ông nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty của Edison - nơi ông đã gắn bó suốt 8 năm trời. Người đàn ông này đã dũng cảm từ chối vị trí giám sát cấp cao với mức lương lên tới 1.900 USD/năm để theo đuổi niềm đam mê ô tô với thu nhập 150 USD/tháng.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 6.

Henry Ford ngồi trên chiếc xe Quadricycle của mình.

Dù vậy, Henry Ford khiến các nhà đầu tư thất vọng khi không thể đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành rẻ như đã hứa hẹn. Đến năm thứ hai hoạt động, Detroit Automobile Company buộc phải giải thể sau khi mới sản xuất được 20 chiếc xe hơi.

Nhằm lấy lại danh tiếng đã mất, Henry Ford sáng chế ra một chiếc xe đua mới và giành chiến thắng trong cuộc đua Grosse Pointe. Nhờ vậy, ông có thêm cơ hội thứ hai và thành lập Henry Ford Company - nơi ông sở hữu 1/6 số cổ phiếu. Để đảm bảo Henry Ford làm việc đúng tiến độ, ban giám đốc đã thuê người để giám sát ông. Điều này khiến Henry Ford không phục và quyết định rời công ty - sau này trở thành Cadillac Motor Car Division - dù mới làm việc tại đây chưa đầy 1 năm. 

Hai thất bại liên tiếp là đủ để nhiều người chùn bước, nhưng với Henry Ford thì không. Ông cho biết: “Thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại, một cách thông minh hơn”. 

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 7.

Năm 1903, Henry Ford tìm được nhà đầu tư mới và thành lập Ford Motor Company với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 28.000 USD. Ông vẫn kiên trì với lý tưởng của mình - sản xuất xe hơi bình dân phục vụ mọi đối tượng, kể cả khi các ngân hàng đầu tư vào công ty ông khuyên ông nên chế tạo xe cho người giàu để thu lợi nhuận cao. Với Henry Ford, “Kinh doanh mà không tạo ra gì ngoài tiền bạc chỉ là thứ kinh doanh nghèo nàn”. Ông muốn ngay cả những công nhân lắp ráp xe của mình cũng đủ khả năng mua xe hơi.

Trong vòng 5 năm trời, Henry Ford và các cộng sự đã cho ra mắt 8 mẫu xe hơi khác nhau - Model A, B, C, F, K, N, R và S - nhưng đều không mấy thành công. Bước ngoặt chỉ đến vào tháng 10/1918, khi ông tuyên bố bán một dòng xe duy nhất - Model T. Đây chính là sản phẩm mà Ford vẫn hằng ấp ủ: hiệu quả và đáng tin, với giá thành giảm dần theo thời gian (từ 950 USD xuống 280 USD trong 19 năm sản xuất). 

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 8.

Henry Ford cùng con trai Edsel lái chiếc xe Model T thứ 15 triệu. (Ảnh: The Henry Ford Museum)

Gần 15 triệu chiếc Model T đã được bán ra trên toàn nước Mỹ - một kỷ lục đã tồn tại trong suốt 45 năm tiếp theo. Quả thực, sản phẩm này của Henry Ford đã đánh dấu một cột mốc mới, mở ra Kỷ nguyên Ô tô đầy rực rỡ. Từ một sản phẩm cao cấp chỉ giới thượng lưu mới sở hữu được, xe hơi đã trở thành một loại phương tiện vận tải không thể thiếu của mọi tầng lớp. 

Nhờ nỗ lực quảng bá trên toàn quốc của Ford, một nửa số xe hơi tại Mỹ lúc bấy giờ là Model T. Dòng xe này rất đặc biệt ở chỗ: chúng chỉ có duy nhất màu đen. Trong hồi ký, ông giải thích: “Bất kỳ khách hàng nào cũng có thể tự sơn màu xe theo ý thích chừng nào nó là màu đen”.

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 9.

Henry II, Henry, và Edsel vào những năm 1940. (Ảnh: Getty Images)

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 10.

Sự ra đời của dòng xe Model T đã thay đổi đáng kể xã hội Mỹ: các vùng ngoại ô được mở rộng, hệ thống đường cao tốc quốc gia phát triển, người dân có thể thoải mái đi lại mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, những đóng góp của Henry Ford không chỉ dừng lại trong lĩnh vực xe hơi. Ông cũng tham gia xây hơn 30 nhà máy thủy điện tại Mỹ, cũng như thiết kế động cơ cho máy bay, xe jeep, xe tăng, tàu ngầm, xe cứu thương trong suốt Thế chiến I và II. Mặc dù vậy, Henry Ford vẫn luôn từ chối sản xuất vũ khí chiến tranh vì là người theo chủ nghĩa hòa bình. 

Henry Ford không phải là người sáng tạo ra dây chuyền lắp ráp tự động, nhưng ông ủng hộ và sử dụng nó nhằm cách mạng hóa quy trình sản xuất tại Mỹ. Vào năm 1914, nhà máy Highland Park của ông đã áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến, rút ngắn thời gian hoàn thành bộ khung xe từ 728 phút xuống còn 93 phút. Cùng với sự phân chia lao động và điều phối sản xuất cẩn thận, công ty của ông gia tăng cả về sản lượng và lợi nhuận. 

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 11.

Công nhân tại nhà máy sản xuất ô tô River Rouge của Ford. (Ảnh: The Henry Ford Museum)

Henry Ford cũng nổi tiếng là người rất coi trọng nhân viên. Ông trả lương công nhân 5 USD/ngày, cao gần gấp đôi so với các công ty khác. Cha đẻ của hãng xe Ford cũng giảm giờ làm từ 9 tiếng xuống 8 tiếng và chia thành 3 ca làm việc trong ngày. Henry Ford quan niệm: “Có một nguyên tắc cho các nhà cách mạng công nghiệp, đó là: Sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt nhất có thể, với chi phí thấp nhất có thể và trả lương cho nhân viên cao nhất có thể”.

Ở tuổi 64, nhẽ ra Henry Ford đã có thể nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ cống hiến không biết mệt mỏi. Thế nhưng, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ đối thủ Chevrolet với hàng loạt mẫu xe mới mỗi năm khiến hãng xe Ford lao đao vì doanh thu giảm. Lúc này, người sáng lập già buộc phải trở về điểm xuất phát: chế tạo một chiếc xe hơi mới. Lần lượt mẫu xe Model A và V8 với nhiều cải tiến mới được ra đời, đem lại thành công cho Ford và vực dậy công ty hai lần liên tiếp. 

Ông vua xe hơi Henry Ford và hành trình đáng kinh ngạc: Xóa sổ xe ngựa, đưa thế giới sang kỷ nguyên ô tô!  - Ảnh 12.

Tuy nhiên, vận xui vẫn không ngừng đeo bám Henry Ford cho đến tận những năm cuối đời. Ở tuổi 80, ông chứng kiến người con trai Edsel ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Henry Ford - lúc này đã già yếu và đầy bệnh tật - đành phải thay con lên làm chủ tịch của công ty Ford. Sau này, ông nghỉ hưu và trao quyền điều hành công ty cho cháu trai Henry Ford III vào năm 1945. 

Hai năm sau đó, Henry Ford qua đời do xuất huyết não, hưởng thọ 83 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương trong lòng người dân nước Mỹ. Cứ mỗi giờ, có hơn 5.000 người tới đám tang để tiễn biệt ông - người đã giúp thế giới chuyển từ ngựa sang ô tô - lần cuối.

“Khi bạn cảm thấy mọi thứ như đang chống lại mình, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió, không phải xuôi chiều gió.” - Henry Ford

(Theo History, Thought.co, Wikipedia, Joe Duffy, hồi ký "Henry Ford - My Life & Work"...)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên