OPEC+ duy trì kế hoạch tăng sản lượng bất chấp biến thể Omicron
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) vừa kết thúc kỳ họp tháng 12 với kết quả nhất trí tiếp tục lộ trình tăng sản lượng dầu hàng tháng chứ không dừng lại, bất chấp lo ngại việc Mỹ giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia và virus biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến giá dầu.
- 03-12-2021Thị trường ngày 3/12: Giá dầu, thép và lúa mì tăng mạnh, vàng giảm sâu, đường thấp nhất 4 tháng
- 02-12-2021Biến thể Omicron có thể đảo ngược mọi dự báo về giá dầu
- 01-12-2021Lao dốc mất 7%, giá dầu WTI xuống dưới 65 USD
Sau thông tin này, giá dầu thô tham chiếu – Brent – giảm hơn 1 USD, nhưng nhanh chóng hồi phục trở lại để giao dịch quanh mức 70 USD/thùng. Ở mức này, giá dầu đang thấp hơn rất nhiều so với mức cao kỷ lục 3 năm chạm tới vào tháng 10 vừa qua, là trên 86 USD, nhưng vẫn cao hơn trên 30% so với hồi đầu năm.
Cuộc họp của OPEC+ là nhân tố chính chi phối thị trường dầu trong mấy phiên gần đây, trước những đồn đoán trái chiều về việc nhóm này có hay không tiếp tục kế hoạch nâng sản lượng như đã nhất trí từ trước, giữa bối cảnh xuất hiện virus biến thể Omicron và Mỹ cùng một số nước tiêu thụ dầu lớn gây áp lực bằng động thái xuất kho dầu dự trữ quốc gia.
Đó là lý do khiến giá mặt hàng này liên tục biến động mạnh trong phiên 2/12, giảm vào đầu phiên nhưng ổn định trở lại vào giữa phiên trước khi đảo chiều tăng về cuối phiên và kết thúc ngày tăng 1% so với phiên liền trước, biên độ dao động giá trong ngày là 5 USD.
Kết thúc phiên 2/12, giá dầu Brent tăng 80 US cent, tương đương 1,2%, lên 69,67 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp 65,72 USD, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 93 cent, tương đương 1,4%, lên 66,50 USD, sau khi có lúc giảm xuống mức 62,43 USD.
Cuộc họp của OPEC+ là sự kiện mới nhất trong một loạt các sự kiện khiến dầu thô lao dốc dữ dội trong thời gian gần đây, mất 24% trong ba tuần qua.
Nhà Trắng đã hoan nghênh quyết định của OPEC và các đồng minh tăng dần sản lượng dầu, nhưng nói thêm rằng Mỹ không có kế hoạch xem xét lại quyết định giải phóng kho dự trữ dầu thô.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với đối tác Saudi Arabia, UAE và các nhà sản xuất OPEC + khác để giúp giải quyết áp lực giá cả".
Mỹ đã nhiều lần yêu cầu OPEC + đẩy nhanh sản lượng tăng khi giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt. Đối mặt với những phản đối, tuần trước Washington cho biết họ và những nước tiêu thụ dầu lớn khác sẽ giải phóng lượng dự trữ.
Một số nguồn tin cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đã cân nhắc một loạt các lựa chọn trong các cuộc đàm phán vào thứ Năm (2/12), bao gồm việc tạm dừng mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1, hoặc vẫn tiếp tục tăng nhưng với mức độ ít hơn.
Tuy nhiên, bất cứ động thái nào nào như vậy cũng sẽ đều đẩy OPEC +, bao gồm cả Saudi Arabia và các đồng minh khác của Mỹ ở Vùng Vịnh, vào một cuộc va chạm với Washington. Do đó, nhóm này đã lựa chọn thực hiện thỏa thuận hiện tại để tăng sản lượng trong tháng 1/2022 thêm 400.000 thùng/ngày.
Nhà quan sát kỳ cựu của OPEC, ông Gary Ross, cho biết: "Chính trị chiến thắng kinh tế. Các quốc gia tiêu dùng đã tạo đủ áp lực". "Nhưng giá yếu hơn bây giờ sẽ chỉ có nghĩa là mạnh hơn sau này."
Trước cuộc đàm phán, Thứ trưởng Năng lượng Mỹ David Turk hôm thứ Tư (1/12) đã nói với phóng viên Reuters rằng có thể có sự linh hoạt trong việc giải phóng kho dự trữ của Mỹ, rằng chính quyền của ông Biden có thể điều chỉnh thời gian hành động nếu giá dầu giảm đáng kể.
OPEC + vẫn lo ngại rằng đại dịch COVID-19 có thể một lần nữa làm giảm nhu cầu xăng dầu. Trên thực tế, tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tăng cao đã dẫn đến những hạn chế mới ở châu Âu, và biến thể Omicron đã dẫn đến những hạn chế mới đối với một số chuyến du lịch quốc tế.
"Chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ thị trường để xem tác động thực sự của Omicron", một đại biểu OPEC + cho biết sau cuộc hội đàm.
Các bộ trưởng của OPEC + dự kiến nhóm họp lần tiếp theo vào ngày 4 tháng 1, nhưng nhóm này cho biết trong một tuyên bố rằng họ có thể gặp lại sớm hơn thời điểm đó nếu tình hình thị trường có sự thay đổi cấp bách và cần thiết OPEC+ phải thay đổi kế hoạch.
Trước các cuộc đàm phán vào tuần này, Saudi Arabia và Nga, các nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC +, đều nói rằng không cần thiết phải có ‘phản ứng đầu gối’.
Bình luận sau quyết định của OPEC +, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết thị trường dầu đang cân bằng và nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng chậm lại.
OPEC + đã từng bước tháo gỡ các "nút thắt" của thị trường dầu thế giới, kể cả đợt giá giảm kỷ lục vào năm ngoái do đại dịch, với việc giảm sản lượng tới khoảng 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung trên toàn cầu. Mức độ giảm đó hiện đã được thu hẹp dần còn khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Nhưng OPEC + thường xuyên không đạt được mục tiêu sản lượng và sản xuất ít hơn khoảng 700.000 thùng/ngày so với kế hoạch trong cả tháng 9 và tháng 10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp OPEC + dự kiến vào ngày 3/1, trong khi cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát Bộ trưởng hỗn hợp OPEC + sẽ tiến hành vào ngày 4/1, một số nguồn tin cho biết.
OPEC+ dự báo cán cân cung - cầu dầu mỏ năm 2022
Tham khảo: Reuters