OPEC+ họp khẩn sau khi dầu thô giảm giá kỷ lục
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác hay còn gọi là OPEC+ đã tiến hành họp khẩn trực tuyến khi giá dầu giảm kỷ lục.
- 22-04-2020Điều hành linh hoạt giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng
- 22-04-2020Có bao nhiêu thùng dầu thô bán giá -37 USD?
- 22-04-2020Giá xăng dầu trong nước có giảm tiếp?
Chỉ một ngày sau khi rớt giá thê thảm nhất trong lịch sử xuống dưới 0 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 ngày 21/4 (theo giờ Mỹ) tiếp tục chứng kiến thêm một ngày giao dịch ở mức âm. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác hay còn gọi là OPEC+ đã tiến hành họp khẩn trực tuyến.
Theo các nhà phân tích, những diễn biến trên thị trường dầu mỏ đang cho thấy cam kết cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày hôm 12/4 vừa qua dường như vẫn là quá ít và quá muộn để có thể vực dậy giá dầu, vốn đã mất tới 80% giá trị kể từ đầu năm.
Tại cuộc họp bất thường ngày hôm qua, các nước tham dự đã một lần nữa khẳng định cam kết điều chỉnh sản lượng dầu mỏ. Một tuyên bố được giới quan sát cho là không có gì mới so với thỏa thuận đạt được hôm 12/4 nhằm cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày bắt đầu từ tháng 5 tới.
. (Ảnh: KT)
Nhu cầu về tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh do nhiều nước trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 đã khiến giá dầu thô giảm xuống mức âm và các kho trữ dầu đã tràn trề không còn chỗ chứa. Trong ngày giao dịch 21/4, giá dầu thô Brent Biển Bắc đã lần đầu tiên trong hai thập kỷ giảm xuống còn 18,1 USD/thùng trước khi phục hồi nhẹ ở mức 21,51 USD/thùng do thị trường dao động. Trả lời hãng tin AFP, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ không nêu cụ thể những nước tham dự, song nhấn mạnh muốn thường xuyên tổ chức những cuộc tham vấn không chính thức như thế này nhằm đánh giá tình hình thị trường. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết, những quốc gia đóng góp phần lớn vào việc cắt giảm sản lượng, trong đó có Saudi Arabia, Kuwait, United Arab Emirates và Nga lại vắng mặt.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 của Mỹ tiếp tục chứng kiến thêm một ngày giao dịch âm, ở mức - 9,2 USD/thùng. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay ngày hôm qua đã yêu cầu chính quyền của ông đưa ra một kế hoạch nhằm bảo vệ các công ty dầu mỏ trong nước trước sự dư thừa quá mức nguồn cung, cũng như giá dầu thô xuống thấp kỷ lục. Trước đó nhà lãnh đạo Mỹ thông báo ý định bổ sung 75 triệu thùng dầu vào Kho dự trữ chiến lược (SPR), song chỉ khi được Quốc hội Mỹ cho phép hoặc chính phủ liên bang có thể cho các doanh nghiệp thuê miễn phí các kho chứa dầu.
“Đây là thời điểm tuyệt vời để mua dầu và chúng tôi muốn nhận được sự cho phép của Quốc hội để làm điều này. Tôi tin rằng trong các kho dữ trự chúng ta vẫn có khả năng mua bổ sung thêm 75 triệu thùng, đó là một con số lớn. Vì thế, chúng ta sẽ phải có sự cho phép của Quốc hội hoặc chính phủ liên bang có thể thuê các kho chứa dầu cho bên thứ 3. Dù là bằng cách này hay cách khác, các kho dự trữ sẽ được lấp đầy” - Tổng thống Trump nói.
Chính phủ Nga cùng ngày kêu gọi không nên “kịch tính hóa” tình hình. Theo Người phát ngôn Chính phủ Nga Dmitry Peskov, Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác do Nga dẫn đầu vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng tất cả các phương tiện phản ứng cần thiết.
“Nga có sẵn tất cả các kho dự trữ cần thiết để bù đắp tác động tiêu cực của biến động giá dầu trên thị trường thế giới, cũng như đối với nền kinh tế Nga. Nếu cần tất cả các tài nguyên này sẽ được huy động. Mặt khác, cũng luôn có các cơ chế để đánh giá cam kết của Nga và các đối tác về thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nếu cần thiết, các liên hệ sẽ ngay lập tức được thiết lập” - người phát ngôn Chính phủ Nga nói.
Chính phủ Saudi Arabia thì tuyên bố quyết tâm duy trì sự ổn định trên thị trường xăng dầu. Nước này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và sẵn sàng bất kỳ biện pháp bổ sung cần thiết nào trên cơ sở phối hợp với các đối tác trong OPEC+ và các nhà sản xuất khác.
Nga và Saudi Arabia, những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới trước đó đã chấp nhận gạt bỏ những bất đồng, chấm dứt cuộc chiến giá dầu và thị phần kéo dài hơn 1 tháng qua để đi tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục hôm 12/4 vừa qua. Tuy nhiên, việc những “ông lớn” sản xuất dầu mỏ này đều vắng mặt trong cuộc họp trực tuyến ngày hôm qua đã phần nào cho thấy mối bất hòa không dễ hóa giải trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo, sự sụp đổ của giá dầu thô có nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Phi phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ. Tất cả các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Á, châu Âu đã đồng loạt lao dốc do tâm lý hoang mang bao trùm trên các thị trường quốc tế, khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi những tài sản có nguy cơ cao./.
VOV