OPEC+ quyết định nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày đẩy giá dầu vọt lên cao nhất kể từ tháng 3
OPEC và Nga hôm qua 3/12 đã thống nhất sẽ tăng sản lượng thêm chút ít kể từ tháng 1/2021, thêm 500.000 thùg/ngày, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về chính sách dài hơi hơn về sản lượng của nhóm này (cho cả năm 2021).
- 03-12-2020Thị trường ngày 03/12: Giá vàng, dầu, quặng sắt, cao su đồng loạt tăng
- 01-12-2020OPEC+ hoãn việc đàm phán tiếp đến 3/12 vì còn có bất đồng, giá dầu lao dốc
- 30-11-2020Vì sao OPEC+ vẫn tính chuyện kéo dài thời gian giảm sản lượng dù giá dầu tăng nhanh?
Theo một số nguồn thông tin từ OPEC, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước đối tác, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) kết thúc cuộc họp ngày 3/12 đã đi đến nhất trí kể từ tháng 1/2021 sẽ chuyển sang giai đoạn cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu dầu toàn cầu. Mức cắt giảm hiện tại đang là 7,7 triệu thùng/ngày. Động thái này nhằm đáp ứng thực tế là nhu cầu dầu mỏ vẫn đang yếu giữa bối cảnh làn sóng Covid-19 đang gia tăng trở lại.
Sau khi kỳ vọng vào việc các vắc xin chống Covid-19 sẽ nhanh chóng được phê duyệt, giá dầu đã tăng khá nhiều vào cuối tháng 11 vừa qua. Và một số nhà sản xuất dầu bắt đầu nghi ngờ sự cần thiết của việc kiểm soát chặt chẽ chính sách dầu mỏ theo chủ trương của lãnh đạo OPEC – Saudi Arabia.
Các nguồn tin từ OPEC + cho biết, Nga, Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều tỏ ý quan tâm tới việc gia tăng cung cấp dầu mỏ cho thị trường trong năm 2021.
OPEC + đang nỗ lực hỗ trợ giá dầu mỏ, một hành động khó khăn khi mà họ vẫn cần phải đảm bảo ngân sách quốc gia và sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh.
Ngày hôm qua, nhóm OPEC+ quyết định sau tháng 1/2021 sẽ nhóm họp hàng tháng để đưa ra quyết định tiếp theo về chính sách sản lượng, nhưng mức tăng hàng tháng có thể cũng sẽ không vượt quá 500.000 thùng/ngày.
Giá dầu Brent tham chiếu cho thị trường dầu toàn cầu đã tăng 1% trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020, sau quyết định của OPEC+ là chỉ tăng nhẹ sản lượng, giữa bối cảnh kỳ vọng vào một gói kích thích kinh tế mới của Mỹ.
Paola Rodriguez-Masiu, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy cho biết: "Các thị trường hiện đang phản ứng tích cực và giá dầu tăng vì nguồn cung bổ sung 500.000 thùng/ngày sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cán cân cung – cầu dầu thế giới".
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 46 US cent (1%) lên 48,71 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 5/3/2020 (trước khi hầu hết các quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan); trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 36 US cent (0,8%) lên 45,64 USD/thùng, mức cao nhất trong một tuần.
Robert Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng kỳ hạn của Mizuho, cho biết: "Thị trường tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng do kỳ vọng nhu cầu dầu tăng nhờ vắc xin và kích thích kinh tế, chứ không phải từ việc quản lý nguồn cung của OPEC".
Tại Mỹ, các đảng viên đảng Cộng hòa trong cuộc họp Quốc hội đã bày tỏ thái độ lạc quan về một chương trình kích thích kinh tế mới trị giá 500 tỷ USD mà trước đó đã bị các đảng viên đảng Dân chủ phản đối với lý do cần thêm nhiều tiền hơn nữa mới đủ ngăn chặn đại dịch đang hoành hành.
Tham khảo: Reuters