OPEC tiếp tục hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới
OPEC hôm thứ Năm (12/5) một lần nữa cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022, là lần hạ thứ 2 liên tiếp, với lý do thị trường chịu tác động từ cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng và dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc khiến nhiều khu vực bị phong tỏa kéo dài.
- 12-05-2022100 USD/thùng sẽ là đáy cản của giá dầu?
- 10-05-2022Nga cần bán dầu và sắp cạn các phương án lựa chọn
Trong báo cáo hàng tháng, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2022 sẽ tăng 3,36 triệu thùng/ngày so với năm trước, giảm 310.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022.
Chiến tranh ở Ukraine đã khiến giá dầu có lúc vượt 139 USD/thùng/ngày vào tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2008, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát. OPEC dẫn những yếu tố cơ sở để hạ dự báo là việc Trung Quốc phong tỏa chặt chẽ một số khu vực quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khiến thị trường này đang phải đối mặt với cú sốc nhu cầu lớn nhất kể từ năm 2020, với lượng sử dụng dầu giảm đáng kể.
Trong báo cáo này, OPEC cho biết: "Nhu cầu trong năm 2022 dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những diễn biến liên quan địa chính trị đang xảy ra ở Đông Âu, những như những chính sách hạn chế do đại dịch Covid-19".
Tuy nhiên, OPEC vẫn kỳ vọng tiêu thụ dầu của thế giới sẽ vượt qua mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm nay, và trung bình năm 2022 sẽ vượt chút ít so với mức trước đại dịch 2019.
OPEC cũng nêu ra vấn đề lạm phát đang gia tăng và các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó đáng chú ý nhất là ngân hàng trung ương Mỹ; đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 3,9% xuống 3,5%, thêm vào đó là tiềm năng tăng trưởng "khá hạn chế".
Tổ chức các nước sản xuất dầu chủ chốt này cho biết: "Thị trường chỉ có thể kỳ vọng có một giải pháp cho tình hình Nga - Ukraine, các biện pháp kích thích tài chính nếu có thể, và dịch Covid-19 giảm dần, kết hợp với sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ".
Nguồn cung từ Nga giảm sút
OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC +, đang khôi phục dần sản lượng – đã giảm kỷ lục trong giai đoạn đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất, năm 2020, và từ chối làm theo yêu cầu của phương Tây là tăng sản lượng với tốc độ nhanh hơn.
Tại cuộc họp gần đây nhất, OPEC + đã quyết định tiếp tục thực hiện kế hoạch về sản lượng đã được thống nhất trước đó, là tăng sản lượng hàng tháng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6/2022.
OPEC + đã nhấn mạnh vào việc khó tăng sản lượng mạnh mẽ do việc một số nước thành viên đầu tư cầm chừng cho việc khai thác mỏ dầu trong thời gian qua, và gần đây là sản lượng của Nga bị tổn thất do các lệnh trừng phạt và bị người mua né tránh.
Báo cáo cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 4 đã tăng 153.000 thùng/ngày lên 28,65 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 254.000 thùng/ngày OPEC được phép theo thỏa thuận OPEC +.
Dự báo tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC trong năm 2022 cũng giảm 300.000 thùng/ngày xuống 2,4 triệu thùng/ngày. OPEC đã cắt giảm dự báo mức tăng sản lượng của Nga xuống 360.000 thùng/ngày và giữ nguyên ước tính tăng trưởng sản lượng của Mỹ.
OPEC dự kiến nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng 880.000 thùng/ngày vào năm 2022, không thay đổi so với dự báo tháng trước, mặc dù có khả năng sản lượng sẽ mở rộng thêm vào cuối năm nay.
Biến động của thị trường dầu không liên quan đến OPEC +
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) nói rằng sự biến động của thị trường dầu có liên quan đến các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC +, chẳng hạn như động thái một số đối tượng tẩy chay một số nhà cung cấp, ý nói việc phương Tây hạn chế / cấm vận dầu của Nga.
Giá dầu tuần trước đã tăng mạnh sau khi Ủy ban Châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, việc phê duyệt đề xuất này đã bị trì hoãn trong bối cảnh các thành viên Đông Âu yêu cầu được miễn trừ và nhượng bộ do họ không thể cắt đứt ngay nguồn cung từ Nga.
Giá dầu Brent đang trong giai đoạn biến động mạnh
Bộ trưởng Suhail al-Mazrouei cho biết: "Sự biến động mạnh không phải do cung và cầu, mà là do một số người không muốn mua một số loại dầu thô nhất định và phải mất thời gian để các nhà giao dịch chuyển từ thị trường này sang thị trường khác". Ông nói: "Ý tưởng cố gắng tẩy chay một số loại dầu thô nhất định sẽ rất rủi ro bất kể động cơ đằng sau đó là gì."
Theo ông al-Mazrouei: "Chúng tôi đang cố gắng họp hàng tháng chỉ để xem xét và theo dõi thị trường, và chúng tôi đang tăng cường sản xuất để đáp ứng những gì được yêu cầu".
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng mọi người đang tập trung vào giá dầu cao chứ không phải giá xăng hoặc dầu diesel đang tăng. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine là một vấn đề giữa châu Âu với Nga, và OPEC gác vấn đề chính trị sang một bên, và cho biết tỷ suất lợi nhuận lọc dầu tăng lên, thay vì chỉ đơn giản là giá dầu thô tăng, đang dẫn đến chi phí nhiên liệu mà người tiêu dùng phải chịu cũng tăng.
Tham khảo: Refinitiv