OPEC+ xem xét giảm sản lượng: Mũi tên trúng nhiều đích?
Nhiều thông tin cho rằng OPEC+ đang xem xét đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
- 05-10-2022Lo vực dậy giá dầu, OPEC+ dự định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày
- 04-10-2022OPEC+ khả năng sẽ cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất kể từ năm 2020
- 28-09-2022Nga có thể đề xuất với OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu
Giá dầu tăng trước thềm cuộc họp OPEC +
Tâm điểm của thị trường tài chính hôm nay (5/10) sẽ là cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tại Vienna, Áo. Đây sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các thành viên của OPEC+ kể từ tháng 3/2020.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều thông tin cho rằng OPEC+ đang xem xét đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, do lo ngại tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và giá dầu mỏ. Động thái này đang khiến thị trường vàng đen nổi sóng.
Sau 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng đen đã tăng khoảng 6 - 7 USD/thùng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua (4/10), giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng. Còn dầu WTI giao dịch quang ngưỡng hơn 86 USD/thùng. Như vậy sau 2 phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng đen đã tăng khoảng 6 - 7 USD/thùng.
OPEC+ xem xét cắt giảm sản lượng
Hiện nhiều đồn đoán cho rằng, quyết định giảm sản lượng của OPEC+ thậm chí khiến giá dầu sẽ trở lại mức 3 con số như giai đoạn hồi tháng 6/2022.
Theo các nguồn tin được đưa ra cho báo chí Trung Đông, đề xuất cắt giảm đầu tiên được đưa ra bởi Nga. Các nguồn tin này cho biết Nga đã đề xuất cắt giảm 1 triệu thùng/ngày.
Báo chí nhà nước tại Saudi Arabia ngày hôm qua cũng tiết lộ khả năng cao OPEC+ sẽ cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, hoặc ít nhất cũng phải 500.000 thùng/ngày. Như vậy, có thể nói khả năng cao OPEC+ sẽ có những bước đi cắt giảm mạnh tay tại cuộc họp hôm nay. Tháng trước, cơ chế này đã cắt giảm 100.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên cần lưu ý, nếu OPEC+ cắt giảm 1 triệu thùng hay thậm chí hơn 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp hôm nay thì cũng không có nghĩa thị trường dầu sẽ bị thiếu hụt 1 triệu hay hơn 1 triệu thùng/ngày so với hiện nay. Lý do là bởi sản lượng thực tế của OPEC+ vốn vẫn đã thấp hơn tới khoảng 3 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng mục tiêu rồi. Nếu cắt giảm cũng chỉ là đưa mức sản lượng mục tiêu về gần hơn mức sản lượng thực tế OPEC+ đang cung ra thị trường. Nếu cắt giảm, giá dầu chắc chắn sẽ tăng, nhưng lý do phần nhiều do yếu tố tâm lý.
OPEC+ cắt giảm sản lượng tác động thế nào đến Nga?
Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ đến đúng thời điểm Liên minh châu Âu EU đang xem xét gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga liên quan đến chiến sự tại Ukraine, trong đó có biện pháp áp trần giá dầu của Moscow với bên thứ 3.
Phần lớn giới chuyên gia cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ là một yếu tố tích cực đối với Nga. Theo Trung tâm Phát triển Năng lượng, Nga sản xuất ít hơn hạn ngạch trong OPEC+ khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, có nghĩa là việc cắt giảm trong thời gian tới sẽ không ảnh hưởng đến mức sản xuất hiện tại ở Nga. Nói một cách khác, các công ty dầu mỏ Nga có thể thu về nguồn lợi lớn hơn hơn trong khi vẫn xuất khẩu khối lượng như hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nga ngày 3/10, giá trung bình của dầu Ural trong giai đoạn từ tháng 1 - 9/2022 ở mức khoảng 80,6 USD/thùng.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu Ural đang là 87,5 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent là 91 USD/thùng.
Theo nhà phân tích của Finam, ông Andrey Maslov, nếu giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày hoặc hơn được công bố, ngay lập tức giá dầu có thể nhảy lên mức 100 USD/thùng và cao hơn, dao động trong biên độ 97 - 110 USD/thùng.
Ấn Độ, Trung Quốc đang giảm mua dầu giá rẻ từ Nga. Nguyên nhân là khi giá dầu thế giới giảm, mức chiết khấu mà Nga có thể dành cho họ cũng giảm. Nếu giá dầu tăng cao sẽ giúp Nga lấy lại vị trí nhà cung dầu cho 2 đối tác lớn này tại châu Á.
Nước cờ của OPEC+ là một mũi tên trúng nhiều đích?
Ngày 13/9, trong báo cáo cập nhật mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tổ chức này đã giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023 nhờ các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp tình hình lạm phát ngày càng tăng.
Dư luận Trung Đông không nhìn thấy nhiều yếu tố chính trị ở đây. Bước đi cắt giảm tới đây của OPEC+, nếu là thực, được cho phản ánh 2 điều. Thứ nhất là có vẻ như các nước xuất khẩu dầu trong OPEC, đặc biệt là các nước Vùng Vịnh không còn hài lòng với mức giá dầu 60 - 70 USD/thùng. Hiện nay, lạm phát cao, các chính sách nới lỏng tiền tệ khiến mức 60 - 70 USD/thùng nay không còn mang giá trị của 60 - 70 USD cách đây 1 - 2 năm.
Thứ hai, các nước xuất khẩu dầu OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia được cho vẫn còn e ngại khả năng Nga sẽ còn bị sụt giảm sản lượng dầu cung ra thị trường sâu hơn vào năm tới, khi các chính sách cấm vận của châu Âu phát huy đầy đủ hiệu lực. Như vậy khi đó, Saudi Arabia hay OPEC sẽ phải cung ra thêm dầu để ổn định thị trường.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, sản lượng dầu còn dư của các nước hiện nay đã cạn kiệt. Vì vậy, cắt giảm lúc này được cho còn là bước đi phòng xa để OPEC hay OPEC+ còn giữ lại cho mình ít công cụ, dư được chút ít sản lượng dầu đề phòng cho những biến động của năm tới. Khi OPEC không còn khả năng chi phối thị trường dầu, OPEC sẽ không còn là gì nên họ cũng không thể dùng hết sản lượng dự trữ của mình.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng tưởng chừng là một nước cờ lùi trên bàn cơ năng lượng, tuy nhiên đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh từ đầu tháng 12 tới các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và áp giá trần với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực. Giảm để giữ giá và thế chủ động.
Bên cạnh đó, thông tin Bộ Năng lượng Mỹ sẽ bán ra tới 10 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ dầu chiến lược vào tháng 11 tới cũng được OPEC dự báo là khiến thị trường "NGẬP TRONG DẦU" khi nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
Cũng trong ngày hôm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ công bố báo cáo cập nhật tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất tháng 10, dự báo sẽ tiếp tục hạ mức tăng GDP của cả năm nay và năm sau. Có thể thấy, nước cờ của OPEC+ là một mũi tên trúng nhiều đích.
VTV