MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Paul Krugman lý giải nguyên nhân khiến TTCK tăng điểm bất chấp kinh tế lao dốc thảm hại

05-05-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ ba nguyên tắc. Đầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế!

Tác giả bài viết là Paul Krugman, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 với công trình nghiên cwusu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế. Ông cũng là cây bút bình luận sắc sảo nổi tiếng của tờ New York Times.

Những ngày này, các tin tức kinh tế thật sự tồi tệ. Tuần trước, Mỹ công bố GDP quý I giảm 5%. Bình thường thì đó là một con số rất xấu, nhưng báo cáo này chỉ giống như "những hạt mưa" đầu tiên của 1 cơn mưa rào lớn. Những dữ liệu có độ trễ thấp hơn cho thấy 1 nền kinh tế đang lao dốc. Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 16% vào cuối năm nay, và thậm chí đó còn là con số khiêm tốn so với thực tế.

Thế nhưng sau khi lao dốc trong vài tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng Covid-19, giá cổ phiếu đã hồi phục rất mạnh mẽ, lấy lại phần lớn số điểm đã mất. Hiện đã ở mức gần tương đương với mùa thu năm ngoái, khi tất cả các bài báo đều ca ngợi nền kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái khỏe mạnh như thế nào.

Điều gì đang diễn ra vậy?

Thật ra thì, bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ ba nguyên tắc. Đầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế.

Đó chính xác là mối quan hệ giữa diễn biến của thị trường (chủ yếu bị chi phối bởi sự dao động giữa lòng tham và nỗi sợ hãi) và tốc độ tăng trưởng kinh tế thực. Quay trở lại những năm 1960, nhà kinh tế học vĩ đại Paul Samuelson đã đưa ra câu nói mỉa mai nổi tiếng rằng thị trường từng dự đoán được tới 9 cuộc trong số 5 cuộc khủng hoảng gần đây.

Nhưng tôi sẽ đưa ra những lý do sâu xa hơn lý giải mối quan hệ lỏng lẻo giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán: các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu một phần vì họ không có lựa chọn nào khác.

Đâu là lựa chọn chính thay thế cho cổ phiếu? Mua trái phiếu ư? Những ngày này trái phiếu đang mang lại mức lợi suất thấp một cách khó tin. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ là 0,6%, giảm mạnh so với mức hơn 3% ở thời điểm cuối năm 2018. Nếu bạn muốn trái phiếu bảo vệ mình trước lạm phát, thì bạn đã lựa chọn sai vì sau khi trừ đi lạm phát thì lợi suất xuống -0,5%.

Vì thế nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của những công ty vẫn có lãi bất chấp Covid-19 khiến kinh tế suy thoái.

Nhưng tại sao lãi suất lại thấp đến vậy? Vì thị trường trái phiếu dự đoán nền kinh tế sẽ trì trệ trong nhiều năm tới, và cũng tin rằng Fed sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ trong tương lai gần. Như vậy xét ở góc độ nào đó thì phản ứng của TTCK là chính xác bởi vì nền kinh tế thực đang quá yếu.

Giờ thì có lẽ bạn sẽ tự hỏi tại sao nếu như nền kinh tế yếu kém là tin tốt đối với cổ phiếu mà thị trường lại lao dốc trong thời gian đầu? Câu trả lời là trong vài tuần đầu tháng 3, thế giới cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng theo kiểu khủng hoảng tài chính 2008, khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi mọi thứ.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã được đảo ngược một phần nhờ những hành động quyết liệt của Fed, với chương trình mua tài sản có phạm vi rộng và quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Nếu Fed không hành động thì chúng ta còn ở trong thảm họa kinh tế khủng khiếp hơn thế.

Nhưng đó cũng là lý do bạn nên lo lắng về nỗ lực bổ nhiệm những người trung thành nhưng thiếu năng lực vào Fed của Tổng thống Trump. Thử tưởng tượng nếu Fed phản ứng với nguy cơ khủng hoảng kinh tế theo cách phản ứng khá chậm chạp với nguy cơ đại dịch.

Quay trở lại với sự mất kết nối giữa giá cổ phiếu và thực trạng nền kinh tế. Có lẽ Covid-19 sẽ là hiện tượng kéo dài sẽ không sớm biến mất, thậm chí một số chuyên gia dự báo sẽ còn kéo dài đến 2050. Hãy nghĩ về tất cả những điều tiêu cực mà chúng ta đã học được về nền kinh tế hiện đại kể từ 2007 đến nay. Chúng ta nhận thấy các nền kinh tế phát triển ít vững chãi hơn, dễ dàng bị tác động bởi những cuộc khủng hoảng theo chu kỳ hơn nhiều so với tưởng tượng của bất kỳ ai.

Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm mạnh, cho thấy thời kỳ bùng nổ trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 chỉ là tạm thời. Nhìn chung thì kinh tế Mỹ tồi tệ hơn nhiều so với kỳ vọng mà hầu hết các nhà quan sát đưa ra khoảng 15 năm trước.

Tuy nhiên, TTCK đã làm rất tốt. Hiện tỷ trọng giá trị vốn hóa của thị trường so với GDP – là chỉ số ưa thích của Warren Buffett – cao hơn đáng kể so với năm 2007, và cao hơn một chút so với đỉnh được lập trong thời kỳ bong bóng dotcom. Tại sao?

Một lần nữa chúng ta lại đi tìm câu trả lời ở những lựa chọn thay thế. Mặc dù thị trường việc làm cuối cùng đã hồi phục từ Đại suy thoái, đà hồi phục đó chủ yếu xuất phát từ mức lãi suất siêu thấp. Mà khi nền kinh tế cần đến lãi suất thấp thì đó là dấu hiệu chỉ báo những yếu kém từ gốc rễ: các doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư dù lợi nhuận cao, thay vào đó họ thích mua lại cổ phiếu quỹ. Lãi suất thấp cũng tốt cho giá cổ phiếu.

Chốt lại thì sự kiên cường của thị trường cũng là có lý bất chấp những tin tức xấu, nhưng TTCK khỏe mạnh cũng không làm những tin tức bớt u ám. Đừng chú ý đến chỉ số Dow, hãy để mắt đến những việc làm biến mất vì Covid-19.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên