PBOC bơm thanh khoản cứu nền kinh tế, chuyên gia nhận định mới chỉ là khởi đầu
Việc Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các Ngân hàng thương mại khiến 70 tỷ USD thanh khoản được bơm vào nền kinh tế nhưng các chuyên gia tin rằng PBOC sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này trong năm 2023.
- 25-11-2022Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giải phóng gần 70 tỷ USD thanh khoản dài hạn hỗ trợ nền kinh tế
- 25-11-2022Hơn 20.000 nhân viên mới của Foxconn, Trung Quốc nghỉ việc
- 25-11-2022Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc bơm hơn 160 tỷ USD giải cứu ngành bất động sản
- 25-11-2022CNN: Nếu tránh được suy thoái kinh tế, thế giới sẽ phải cảm ơn Trung Quốc và Ấn Độ
- 24-11-2022Trung Quốc: Bất ngờ với số ca Covid-19 cao nhất từ trước đến nay
Hôm 25/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại với mức giảm là 25 điểm cơ bản. Động thái này nhằm giữ thanh khoản dồi dào, thúc đẩy nền kinh tế thực.
Đây là lần thứ 2 Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng trong năm nay. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, đe dọa gây thêm những tác động không mong muốn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong tuyên bố chính thức, PBOC cho biết việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm “giữ thanh khoản dồi dào hợp lý” và “tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế thực” cũng như tạo điều kiện để các ngân hàng hỗ trợ những ngành chịu tác động nặng nề bởi đại dịch.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã có một loạt các động thái để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây khiến Nomura Holdings Inc. phải hạ dự báo tăng trưởng của nước này xuống 4% vào năm 2023.
David Qu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nói rằng: “Sự bùng phát số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng dẫn đến nhiều cản trở hơn tới quá trình vận hành của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, tăng trưởng toàn cầu đang chạm lại, tạo thêm những trở lực với quốc gia được mô tả là công xưởng của thế giới. Chính vì những triển vọng không mấy tươi sáng ấy, chúng tôi cho rằng PBOC sẽ duy trì lập trường nới lỏng dần dần vào năm 2023”.
Ông Qu cho rằng PBOC sẽ cắt giảm dự trữ bắt buộc lên tới 50 điểm cơ bản trong năm sau. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm ở mức 20 điểm cơ bản. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất này sẽ được tiến hành 2 lần và lần đầu tiên sẽ xảy ra trong quý 1/2023.
Với những động thái của mình, Trung Quốc đang đi ngược với sự thắt chặt chính sách tiền tệ mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương châu Âu đang theo đuổi. Lạm phát cao kỷ lục đã buộc phương Tây phải nâng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng có. Phải tới gần đây, các quan chức FED mới phát tín hiệu làm chậm tốc độ tăng lãi suất sau nhiều lần tăng ở mức kỷ lục 0,75% trong vài tháng qua.
Trong khi đó, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là cách giải phóng thanh khoản dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng đồng thời cho phép họ gia hạn thêm các khoản vay với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bruce Pang, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle Inc., cho rằng: “Động thái này vừa giúp giảm chi phí tài trợ cho các bên cho vay thương mại vừa khuyến khích gia hạn tín dụng để giảm chi phí vay của các công ty và người tiêu dùng”.
Mặc dù các chuyên gia kinh tế luôn mong đợi các động thái mạnh tay hơn từ PBOC nhưng quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn khiến họ bất ngờ bởi không lâu trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới lên tiếng cảnh báo về rủi ro lạm phát có thể xảy ra.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống Thị trường