PCI 2017 nhìn từ chuyện của "nhà vô địch" Quảng Ninh
Đây là năm đầu tiên, tỉnh này với tới ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sau những nỗ lực bền bỉ...
Cũng như mọi năm, lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa diễn ra sáng 22/3 có mặt nhiều lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành.
Có tỉnh như Đồng Tháp thì Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan - người có sáng kiến "cà phê doanh nhân" - đích thân bay ra Hà Nội, nhiều địa phương là chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực đến dự.
Riêng Quảng Ninh cả ba chức danh này đều hiện diện tại buổi lễ.
Khi ngôi "vô địch" được xướng tên, Bí thư Nguyễn Văn Đọc và Chủ tịch Nguyễn Đức Long cùng lên nhận kỷ niệm chương.
Dư địa còn rất nhiều
Sự khác biệt nói trên từ Quảng Ninh có lẽ do đây là năm đầu tiên, tỉnh này với tới ngôi vị quán quân, sau những nỗ lực bền bỉ.
Khi chúc mừng và vinh danh danh hiệu "chính quyền kiến tạo" cho các địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng năm nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh rằng Quảng Ninh là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến cải cách táo bạo và hiệu quả.
Được mời chia sẻ kinh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long nói, 10 năm qua gắn bó với CPI đã để lại nhiều cảm xúc sau những bước thăng trầm.
"Năm 2007, Quảng Ninh còn đứng thứ 58/63 tỉnh thành, từ đây, chúng tôi đã soi lại mình và từ 2013 đến nay kiên trì bền bỉ để vươn dần từ vị trí thứ tư đến thứ nhất", ông Long kể.
Khẳng định PCI là "thương hiệu" để thu hút đầu tư, Chủ tịch Long cho biết 5 năm qua Quảng Ninh đã thu hút rất lớn lượng vốn FDI, tới trên 6 tỷ USD.
Hiện tỉnh đang có trên 14 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. 2017 Quảng Ninh đã vượt 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội GRDP, tăng 10,2% tăng tưởng, lần đầu tiên thu ngân sách nội địa đạt trên 27 ngàn tỷ, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.528USD, hộ nghèo chỉ còn 2,2%.
Thông tin đáng chú ý tiếp theo từ người đứng đầu chính quyền được đánh giá điều hành kinh tế rất tốt là trước 30/6/2018, Quảng Ninh sẽ kết nối cao tốc Hải phòng đến Vân Đồn, trong tương lai gần tỉnh này sẽ có khoảng 200 km đường cao tốc tốc (cả nước có khoảng 2.000km).
Với nền tảng sẵn có cùng với sự ra đời của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đặc khu Vân Đồn dự kiến đều vào giữa năm nay, ông Long khẳng định quyết tâm nâng cao điểm số, đặc biệt là mổ xẻ những chỉ số giảm để tìm giải pháp. Chủ tịch Quảng Ninh cho rằng khoảng cách của 70,69 - điểm số của tỉnh năm nay, với thang điểm 100 cho thấy dư địa để nâng điểm còn rất nhiều.
"Dư địa cải cách còn rất lớn, nếu cải cách thể chế từ Trung ương mạnh mẽ hơn", Phó chủ tịch tỉnh Long An - địa phương đứng thứ tư trong bảng xếp hạng - cũng nhấn mạnh.
Đồng tình với lãnh đạo cả hai địa phương là dư địa cải cách còn nhiều, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng ngay như tỉnh dẫn đầu là Quảng Ninh thì cũng còn "nợ" đến gần 30 điểm hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ của cải thiện chỉ số CPI với cải cách thể chế từ Trung ương, ông Lộc chia sẻ là vừa nhận được tin nhắn của một vị bí thư tỉnh uỷ (là uỷ viên Trung ương) một tỉnh cũng vừa được thăng hạng trong năm nay, rằng tất cả mọi người đều muốn cải cách nhưng "pháp luật chưa cho phép nên chúng tôi cũng mệt mỏi".
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, ông vừa thống nhất với Bí thư và Chủ tịch Quảng Ninh về vai trò dẫn dắt của "nhà vô địch". Trước mắt, VCCI sẽ cùng "quán quân" Quảng Ninh tổ chức hội nghị toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất về điều hành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Nhà vô địch" đăng cai để chia sẻ kinh nghiệm nhưng các tỉnh tốp dưới cũng có thể có cách làm hay để cùng bàn thảo, ông Lộc nói.
Chỉ 6% doanh nghiệp phải chờ đợi
Có lẽ không cần phải chờ đến khi đăng cai hội nghị, Quảng Ninh mới có thể chia sẻ những thông tin hữu ích cho các tỉnh khác.
Báo cáo PCI viết rằng, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công và thành lập ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Điều này được thể hiện qua việc Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong PCI 2017, với chỉ 6% doanh nghiệp phải chờ đợi trên 1 tháng cho việc có đủ các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động và trên 80% doanh nghiệp đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Hiệu quả cải cách hành chính về tổng thể, được đo lường qua chỉ số thành phần Chi phí thời gian, cũng cho thấy những đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp về Quảng Ninh qua một loạt các chỉ tiêu cụ thể: cán bộ giải quyết công việc hiệu quả (75%), có thái độ thân thiện (70%) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định (76%).
Không phải là nơi đầu tiên triển khai, nhưng Quảng Ninh lại là tỉnh áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo, điều hành tại các ngành, các cấp trong tỉnh. Đó là việc triển khai xây dựng và công bố thường niên bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015.
Công cụ DDCI cho phép tỉnh giám sát hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo các sở ngành, huyện thị đối với hoạt động của các đơn vị mà họ phụ trách.
Những lợi ích của việc triển khai DDCI có thể xác định được qua kết quả điều tra PCI. Cụ thể, nếu như năm 2014 tại Quảng Ninh có 80% doanh nghiệp nhận định "có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành", thì tỷ lệ này của năm 2017 chỉ là 64% (thấp thứ 2 trên cả nước).
Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng "lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện" đã giảm từ 64% của năm 2014 xuống còn 58% trong năm 2017.
VnEconomy