MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PECC4: Cổ tức áp đảo kết quả kinh doanh

11-01-2017 - 14:05 PM | Doanh nghiệp

Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (PECC4) là 1 trong 4 công ty tư vấn xây dựng điện được cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung với mã chứng khoán TV4.

PECC4, tiền thân là Phân viện Quy hoạch thiết kế điện miền Nam, đơn vị thành viên Viện Quy hoạch thiết kế điện thuộc Bộ Điện Than, thành lập từ tháng 7/1976. Đến năm 1999, PECC4 được chuyển thành đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2007 PECC4 được cổ phần hóa, trong đó EVN nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện EVN vẫn đang nắm giữ 71,56% cổ phần PECC4 và có dấu ấn đáng kể lên hoạt động của doanh nghiệp này.

Trong hơn 40 năm qua, PECC4 đã thực hiện nhiệm vụ tư vấn khảo sát và thiết kế nhiều dự án nguồn và lưới điện trên khắp đất nước và trong khu vực như tại Lào, Campuchia… Trong tháng 12/2016, PECC4 liên tục trúng các gói thầu có giá trị từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.

Lợi nhuận đến từ cổ tức

Tổng tài sản tính đến cuối quý III/2016 của PECC4 đạt 245 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với số dư đầu năm. Trong đó đáng kể nhất là khoản đầu tư vào công ty liên kết là Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn trị giá gần 104 tỷ đồng, tương đương 42,45% giá trị tổng tài sản. Đây là khoản đầu tư và cũng là tài sản có giá trị nhất của PECC4 – một công ty với chuyên môn tư vấn khảo sát và thiết kế lĩnh vực điện!

Năm 2015, PECC4 lãi trước thuế 22,5 tỷ đồng. Trong đó có đóng góp đáng kể từ khoản cổ tức gần 12 tỷ đồng nhận về từ Thủy điện Buôn Đôn. Như vậy, hoạt động kinh doanh chính của Công ty chỉ mang về khoảng 10,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với quy mô tổng tài sản 224 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ 146 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của PECC4 tương đối khiêm tốn.

Là doanh nghiệp EVN giữ cổ phần chi phối, hoạt động kinh doanh của PECC4 được hưởng nhiều lợi thế. Công ty đã trúng thầu nhiều dự án tư vấn trong ngành, trong đó không ít dự án là chỉ định thầu rút gọn trong nước. Với các dự án này, nếu không có “gốc Nhà nước” như PECC4, Công ty khó có thể được chỉ định.

9 tháng đầu năm 2016, PECC4 lãi 7,2 tỷ đồng sau thuế, giảm 34,5% so với cùng kỳ 2015. Như vậy, sau 9 tháng, PECC4 mới chỉ thực hiện 31,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra trước đó. Nguyên nhân chính của việc giảm sút lợi nhuận này là do cổ tức được chia trong 9 tháng đầu năm 2016 bằng 0 đồng, trong khi cùng kỳ 2015 con số lên tới 5,2 tỷ đồng. Khoản cổ tức từ Thủy điện Buôn Đôn có thể sẽ được chia và hạch toán lợi nhuận vào quý IV/2016. Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh của PECC4 tiếp tục phụ thuộc vào cổ tức từ công ty liên kết liên doanh. Trong trường hợp Công ty không thu được cổ tức từ Thủy điện Buôn Đôn, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận gần như bất khả thi.

Tiếp tục đầu tư

Là doanh nghiệp EVN giữ cổ phần chi phối, hoạt động kinh doanh của PECC4 được hưởng nhiều lợi thế. Công ty đã trúng thầu nhiều dự án tư vấn trong ngành, trong đó không ít dự án là chỉ định thầu rút gọn trong nước.

Nghị quyết HĐQT ngày 16/11/2016 của PECC4 vừa thông qua kế hoạch góp vốn vào Công ty CP Điện Sơn Giang với số tiền 15 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ Điện Sơn Giang. Tiến trình góp vốn sẽ theo yêu cầu từ phía Điện Sơn Giang.

Như vậy, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chính, việc rót vốn vào các doanh nghiệp ngành điện cũng đang được PECC4 quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.

Trong 4 doanh nghiệp tư vấn điện đang được niêm yết, PECC4 và PECC1 là 2 doanh nghiệp có vẻ “lép vế” nhất khi thị giá TV4 chỉ ở xung quanh mức 14.000 - 15.000 đồng/CP.

Vào giữa năm 2016, HĐQT của PECC4 đã nhận định rằng, năm 2016, mặc dù kinh tế đang trên đà phục hồi, vấn đề tìm kiếm nguồn công việc để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch vẫn là một thách thức của PECC4. Việc nắm giữ cổ phần chi phối của EVN dường như chưa đủ để PECC4 có được những hợp đồng béo bở.

Như vậy, vấn đề của PECC4 là năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong điều kiện năng lực cạnh tranh hạn chế, việc đầu tư vào các doanh nghiệp điện để thu cổ tức liệu có phải là quyết định khôn ngoan?

Trên thực tế, “người đồng nghiệp” PECC2 vẫn có tình hình kinh doanh cực kỳ khả quan trong điều kiện EVN nắm giữ 51,3% vốn điều lệ. Cổ phiếu của PECC2 thậm chí còn duy trì danh hiệu cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán, trên 200.000 đồng/CP.

Theo Đan Nguyên

Báo Đấu thầu

Trở lên trên