MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PG Bank công bố họp bất thường về phương án tái cơ cấu

30-03-2018 - 17:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Trước đây PGBank được cho là sẽ sáp nhập với VietinBank nhưng hai bên đã mất quá nhiều thời gian tìm hiểu mà chưa đi đến kết quả cuối cùng. Mới đây, Ngân hàng Quân đội cho biết cũng đang "tìm hiểu" PGBank.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vừa có thông báo về cuộc họp ĐHCĐ bất thường năm 2018. 

Theo đó, nội dung cuộc họp là để thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự là 6/4/2018. Ngày tiến hành họp là vào thứ bảy, ngày 21/4/2018.

Trước đó, hồi cuối năm 2017, trên thị trường có xuất hiện thông tin Ngân hàng TMCP Quân đội đang nghiên cứu việc sáp nhập PG Bank. 

Ngày 29/3, trong ĐHĐCĐ thường niên 2018 của Ngân hàng Quân đội (MB), khi cổ đông hỏi về tin đồn sáp nhập trên, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB đã xác nhận ngân hàng đã nghiên cứu, tìm hiểu một số ngân hàng và trong đó có PG Bank. Tuy nhiên, ông Thái cho biết mọi việc vẫn đang trong quá trình đàm phán, đánh giá trao đổi sâu với PG Bank và vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng nào được thông qua. 

Ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB thì cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, ngân hàng có thể sẽ mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả. 

Câu chuyện sáp nhập của PGBank không phải bây giờ mới xuất hiện mà từ 2013 đã được cho là sáp nhập với VietinBank. Tuy nhiên mối duyên của ngân hàng có vẻ rất gian nan, ngay cả khi hai bên đã gửi tới cổ đông tờ trình kế hoạch sáp nhập tỷ lệ 1:0,9. Các cổ đông hai bên cũng đã đồng thuận và ủy quyền cho HĐQT đàm phán về thời gian cũng như các thủ tục sáp nhập. 

Thế nhưng đến cuối cùng vẫn không thể đi đến tiếng nói chung. Lý do được đưa ra, theo phía VietinBank là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu phải tính toán lại tỷ lệ hoán đổi. 

Còn phía PGBank, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, nhiều cổ đông nhà băng này phải lên tiếng rằng thời gian chờ sáp nhập quá lâu và làm ảnh hưởng đến hoạt động, tinh thần của ngân hàng và đề nghị nếu không sáp nhập được với VietinBank thì nên dứt khoát, tìm phương án khác. 


Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên