PGS Trần Đắc Phu: Lý do Việt Nam chưa tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi
Theo PGS Trần Đắc Phu – vắc xin là thứ vũ khí vô cùng quan trọng để chặn dịch Covid-19, nhưng đến nay vẫn chỉ có vắc xin cho người trưởng thành, chưa có vắc xin cho người dưới 18 tuổi.
- 15-06-2021Chính phủ đồng ý với đề nghị của TP HCM về mua và nhập vắc-xin Covid-19
- 15-06-2021Ngân sách trung ương sẵn sàng 14,5 nghìn tỷ mua vắc xin COVID-19
- 15-06-2021Việt Nam sắp nhận thêm 6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca
PGS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay vắc xin là vũ khí hiệu quả để phòng chống bệnh truyền nhiễm một cách bền vững nhất. Bình thường sản xuất vắc xin mất từ 4-5 năm, thậm chí 10 năm. Riêng vắc xin ngừa Covid-19 sản xuất chưa đầy 1 năm và được cấp phép sử dụng theo điều kiện khẩn cấp. Các vắc xin khác nhau có hiệu quả phòng bệnh khác nhau.
Không có vắc xin nào có hiệu lực 100%. Các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.
Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, rất nhiều người băn khoăn về việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào, PGS Phu cho rằng hiện đối tượng dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin.
"Hiện, chúng ta chưa thử nghiệm lâm sàng ở lứa tuổi dưới 18 tuổi, nên không tiêm chủng cho đối tượng này. Bởi vì, đối với Covid-19, cũng như các nước trên thế giới, chúng ta cần ưu tiên cho các đối tượng tiêm trên 18 tuổi trước.
Theo tôi, khi đã thành công ở các đối tượng này, sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng cho các đối tượng dưới 18 tuổi và sẽ tiêm chủng cho các đối tượng này khi cần thiết" – PGS Phu nhấn mạnh.
Ngoài việc chưa tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, PGS Phu cũng cho biết Việt Nam chưa tổ chức tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19 do chưa có đủ vắc xin ngừa Covid-19.
Việt Nam đang tiến tới tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân. Khi có đủ lượng vắc xin, ngành y tế sẽ có hướng dẫn cách đăng ký tiêm theo các địa điểm tiêm phù hợp với địa bàn và thuận lợi nhất cho người đi tiêm, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Vắc xin Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo, đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng.
Để triển khai tiêm chủng trên quy mô lớn với nhiều loại vắc xin mà Việt Nam tiếp nhận được thì Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch huy động tối đa nhân lực của hệ thống y tế bao gồm cả giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y tế trên toàn quốc, các hệ thống y tế tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này.
Tới đây sẽ tổ chức tiêm chủng theo hệ thống tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới quy mô xã/phường.
Doanh nghiệp và tiếp thị