PGS.TS Trần Hoàng Ngân lý giải tầm quan trọng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Trao đổi với báo điện tử Tổ Quốc, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong lĩnh vực thương mại, ngoại giao vắc xin cũng như tiềm năng từ chuyến đi.
- 05-09-2021Chủ tịch Quốc hội lên đường dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới tại Áo
- 04-09-2021Công tác châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ triển khai ngoại giao vắc-xin
- 01-09-2021Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 tại Áo
- 30-08-2021Chủ tịch Quốc hội: Tổ công tác '24/7' làm việc không kể ngày đêm
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chuẩn bị có chuyến công du đầu tiên tới châu Âu. Theo đánh giá của ông, chuyến đi này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?
- Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nên chắc chắn nó phải quan trọng và ý nghĩa. Thứ nhất, chuyến công du sẽ góp phần cho ngoại giao vắc xin của chúng ta ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
Ngoài ra, EU là thị trường lớn với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này đạt 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ EU là 18,5 tỷ USD. So với 2019, số liệu có thấp hơn do đại dịch hoành hành nhưng hiện nay đang có cải thiện.
Những số liệu cho thấy, châu Âu là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Ngoài ra, số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đến từ thị trường châu Âu. Đây là nhóm nhà đầu tư có uy tín về công nghệ tiên tiến.
Việc Chủ tịch Quốc hội chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên sẽ góp phần làm cho quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam và châu Âu tốt hơn. Ngoài ra, chuyến đi sẽ giúp chúng ta sớm tiếp cận nguồn vắc xin tại châu Âu.
Trong những ngày qua, lãnh đạo các nước châu Âu cũng luôn là những người hỗ trợ sớm với một lượng lớn vắc xin cho Việt Nam, giúp nhiều người Việt có thể tiếp cận vắc xin. Tôi cho rằng đó là những giá trị hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, chuyến đi cũng góp phần gia tăng sự gắn bó, kết nối, tạo thêm mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Âu - một thị trường tiềm năng. Điều này không chỉ giúp Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh mà còn góp phần tạo đà để khôi phục kinh tế trong thời gian sớm nhất.
- Nghị viện châu Âu (EP) và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA ) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) trong năm ngoái. Chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng vai trò ra sao trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU?
Trước khi ký kết EVFTA và EVIPA, chúng ta đã có quan hệ rất tốt đẹp trong thương mại, đầu tư với châu Âu. Ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, khi chúng ta vẫn đang bị cấm vận, châu Âu đã là một trong những khu vực hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất. Mối quan hệ đó duy trì từ khi chúng ta còn là một nước khó khăn tới lúc nền kinh tế của chúng ta phát triển hơn. Châu Âu vẫn là thị trường phù hợp, hấp dẫn, chiếm thị phần xuất khẩu lên tới 20% của Việt Nam.
Châu Âu cũng là một thị trường tiềm năng, nhất là khi người ta đã quen với sản phẩm Việt Nam, nhất là hàng may mặc, hàng tiêu dùng. Chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng giúp đảm bảo những hợp đồng (nếu chúng ta kịp thời kiểm soát được dịch bệnh) sẽ tiếp tục được triển khai để kịp thời chuẩn bị sản phẩm cho mùa đông, Noel, Tết Dương lịch của châu Âu. Điều này sẽ rất tốt, nhất là với các ngành như dệt may, da giày….
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ kết hợp thăm Áo, Bỉ và Phần Lan - 3 quốc gia chưa thông qua EVIPA. Đây có thể hiện thiện chí của Việt Nam không, thưa ông?
Tôi cho rằng chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với thông điệp rõ ràng, sẽ thúc đẩy các nước trên sớm phê duyệt EVIPA. Chúng ta đi đến để thể hiện thiện chí, cung cấp thông tin cho bạn để bạn hiểu về đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
- Các nước EU đang viện trợ rất nhiều vắc xin cho Việt Nam. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc Việt Nam là đối tác thương mại lớn của EU trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng từng hỗ trợ EU vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia vẫn còn chậm trong tiếp cận vắc xin, chưa làm chủ được nguồn vắc xin. Trong cái nhìn của các nước, Việt Nam là một quốc gia thân thiện, cởi mở và có nhiều tiềm năng. Chính vì thế, EU chủ động hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
Việc hỗ trợ đó không chỉ là về vấn đề thương mại mà còn là quan hệ lâu dài của Việt Nam với các nước châu Âu. Việt Nam từng là điểm sáng phòng chống dịch bệnh trong năm 2020 nhưng chúng ta đang gặp khó khăn với Covid-19. Thế giới nói chung và EU nói riêng sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam bởi 2020, chúng đã thể hiện sự thân thiện, có những hỗ trợ lúc cần thiết với châu Âu.
Tuy nhiên, để đánh giá quan hệ Việt Nam – EU cần nhìn trong cả một quá trình chứ không chỉ 1-2 năm nay.
- Theo ông, chúng ta có thể mong chờ hơn nữa về sự hỗ trợ của châu Âu cho công cuộc chống dịch ở Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hay không?
Tôi nghĩ chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Việt Nam thành công khi đảm trách cương vị Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) năm 2020. Chắc chắn châu Âu nói riêng và thế giới nói chung sẽ có cái nhìn thiện cảm về đất nước, con người Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta sẽ có thành công lớn trong ngoại giao vắc xin thời gian tới.