MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS. TS Lê Xuân Trường: 'Doanh nghiệp Việt có tên trong hồ sơ Panama là một tín hiệu đáng mừng!'

16-05-2016 - 15:38 PM | Doanh nghiệp

Thế nhưng, ông Trường cũng nhấn mạnh rằng, đấy chỉ là tín hiệu đáng mừng khi và chỉ khi họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư cũng như các nghĩa vụ về thuế.

189 tổ chức, cá nhân của Việt Nam có trên trong hồ sơ Panama dấy lên sự nghi ngờ về những gian lận tài chính: liệu rằng tiền của doanh nghiệp có sạch? Có hay không hoạt động trốn thuế, rửa tiền? Tất cả đang trong một câu hỏi lớn cần thời gian để xác minh. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực, đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng.

Đấy là một phần nhận định của PGS. TS Lê Xuân Trường, trưởng khoa Thuế và Hải quan Học viện Tài chính về việc có nhiều tổ chức, cá nhân người Việt có tên trong hồ sơ Panama .

Theo ông, với việc hội nhập quốc tế như hiện nay thì việc đầu tư hai chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài là chuyện bình thường. Panama là một quốc gia vì vậy việc doanh nghiệp nước ta đầu tư sang đó là một câu chuyện không đáng ngạc nhiên. Đây là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai, ông nói, với tư duy của một người làm ăn, ở đâu có lợi thì doanh nghiệp sẽ đầu tư. Panama với tư cách là một “ thiên đường thuế ” với ngót nghét 100 lịch sử đương nhiên sẽ là điểm đến lý tưởng vì những ưu đãi thuế suất mang đến nhiều lợi nhuận của nó. Thậm chí, Panama có thể chỉ là một trong những thiên đường thuế mà doanh nghiệp Việt dừng chân.

Do đó, nên nhìn nhận việc doanh nghiệp Việt Nam có tên trong danh sách này là điều bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu nhìn nhận một cách tích cực, chúng ta còn nên mừng cho Việt Nam vì đã có những doanh nhân, doanh nghiệp đủ trí và tầm mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, ông cho biết.

Thế nhưng, ông cũng nhấn mạnh rằng, đấy chỉ là tín hiệu đáng mừng khi và chỉ khi họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư cũng như các nghĩa vụ về thuế.

Khi đó, việc đầu tư này của họ chỉ đang tìm cách giảm nghĩa vụ thuế, tức là tránh thuế, chứ không phải trốn thuế, đây là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn.

Trốn thuế là hành vi bất hợp pháp khi một số cá nhân, doanh nghiệp không kê khai nộp vào ngân sách nhà nước hoặc kê khai ít hơn với số thuế đã thu. Trong khi đó, tránh thuế là những phương pháp kỹ thuật giảm thiểu mức thuế phải nộp mà không được coi là bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, trước những câu hỏi về mô hình công ty offshore (ngoại biên) có làm hụt thu ngân sách như nhiều người đang nghi ngại hay không, ông Trường cho biết cần phải kiểm tra, vì nếu họ làm tốt thì ngân sách nhà nước vẫn tăng thu vì suy cho cùng thì khi họ đưa lợi nhuận thuế vào trong nước thì họ vẫn phải thực hiện quy định của pháp luật là nộp thuế với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Câu chuyện ở đây là có quản lý được hay không mà thôi.

Tóm lại, trên lý thuyết thì chỉ cần doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nhà nước sẽ có nguồn thu tiềm năng, còn chuyện có nhà nước có quản lý được để thu đủ hay không lại là câu chuyện khác.

Về cá nhân ông, khi được hỏi về những cảm quan đầu tiên khi đọc thông tin về hồ sơ Panama, ông cho biết cũng không tránh khỏi nghi ngờ. Bởi đây là một trong những thiên đường thuế, nó có dấu hiệu rủi ro rất lớn.

Do đó, cần được thanh kiểm tra. Tuy nhiên khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra thì không nên kết luận rằng doanh nghiệp có tên trong hồ sơ này là sai phạm.

Đây đồng thời là quan điểm của Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng vụ quản lý thuế DN lớn tổng cục thuế bộ tài chính khi cho rằng “Không thể cào bằng tất cả các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này đều là đen”.

Ông cho rằng việc có tên trong danh sách Panama là một điều hết sức bình thường của doanh nghiệp. Vì doanh nhân thì người ta có giao dịch với các đổi tác bên nước ngoài, các doanh nghiệp cũng có quan hệ đối tác với các nước khác vì họ đầu tư, mua bán, ký kết hợp đồng về dịch vụ thì theo thông lệ quốc tế thì thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng thì người ta lưu giữ những thông tin đó thì cũng là chuyện rất bình thường và chúng ta hết sức bình tĩnh để làm rõ có liên quan hay không liên quan.

"Chúng ta nên bình tĩnh đợi cơ quan điều tra kiểm tra, thanh tra rồi mới có thể khẳng định là doanh nghiệp có tên trong hồ sơ này là trắng hay đen", ông Trương cho biết.

Theo Đình Phương

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên