PGS Văn Như Cương và giai thoại về một người nhà giáo tâm huyết của nền giáo dục Việt Nam
PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật. Dù vậy, tâm huyết của một người thầy hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà vẫn còn mãi.
- 09-10-2017Rạng sáng ngày 9/10, thầy Văn Như Cương đã qua đời ở tuổi 80
- 11-03-2017Những câu nói chạm đến trái tim mọi thế hệ học trò của thầy Văn Như Cương
- 10-03-2017Thầy Văn Như Cương qua lời kể xúc động của con gái: "Bố đã sống một đời vẻ vang"
Là một thầy giáo luôn tận tụy, mẫu mực và tâm huyết với học sinh, PGS Văn Như Cương được rất nhiều thế hệ học trò cũng như phụ huynh kính trọng.
Thầy Cương được chấn đoán mắc ung thư từ đầu năm 2014. Hồi tháng 3/2017, bệnh trở nặng khiến thầy Cương phải nhập viện điều trị hơn 10 ngày. Thời gian đó, gia đình, người thân luôn săn sóc bên thầy. Khi PGS Văn Như Cương nằm trên giường bệnh, vẫn có gần 4.000 học sinh hát đồng ca cổ vũ thầy.
Từ trước tới nay, thầy Văn Như Cương luôn được nhắc tới là một nhà giáo có tâm với nghề, và là một người thấy tận tuỵ, gần gũi và quan tâm tới học sinh. Với tất cả các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh, thầy Cương là người thầy lúc nào cũng nhận được rất nhiều sự mến yêu và kính trọng. Cuộc đời hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc cùng với những giai thoại đầy thú vị.
Giai thoại về "Tiến sĩ lợn"
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ) năm 1971 và trở về dạy học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời điểm kinh tế khó khăn như vậy, thầy Cương không nề hà bỏ qua cái "sĩ" của một người trí thức để tìm cách tự cứu lấy mình. Thầy Cương tìm cách nuôi lợn để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Mỗi lứa lợn, sau khi trừ đi các chi phí, tiền lãi còn lại được đúng 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ lúc đó. Chính vì vậy, thầy Cương thường nói vui với các đồng nghiệp rằng, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.
Tuy nhiên, việc tăng gia sản xuất của thầy Cương bị phản ánh là làm "ảnh hưởng đến môi trường tập thể" và bị lập biên bản. Thầy buộc phải từ bỏ việc nuôi lợn để cải thiện thu nhập của gia đình. Có giai thoại kể rằng, khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”.
Bạn bè đến chơi có hỏi đùa rằng: “Tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “Tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh.
Người thầy cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục
Ông là một nhà giáo Việt Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm Phó giáo sư.
Ông thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, ông lui về sau, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Thầy nổi tiếng thẳng tính, từng nhiều lần lên tiếng chỉ rõ những hạn chế của nền giáo dục.
Đã hơn 80 tuổi, nhưng tâm huyết và trăn trở với nền giáo dục Việt Nam, với các thế hệ học trò của thầy vẫn luôn nguyên vẹn. Với thầy, giáo dục không chỉ đơn thuần là để dạy kiến thức, mà còn để truyền tải cho các trí thức tương lai cái “Đạo” làm người.
Người thầy đáng kính trọng của nhiều thế hệ học trò
Với bộ râu tóc dài, bạc phơ, PGS Văn Như Cương còn được một số người ví là Dumbledore (Vị giáo sư được học trò kính trọng trong bộ truyện nổi tiếng Harry Potter) của Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp trồng người của mình, PGSVăn Như Cương luôn là một người thầy tâm huyết, mẫu mực. Thầy từng nhiều lần phát biểu thẳng thắn hay viết tâm thư gửi để chỉ ra những bất cập trong hoạt động giáo dục đào tạo và đề ra nhiều hướng đổi mới cho nền giáo dục. "Tôi là một nhà giáo đã lớn tuổi, luôn đặt trọn niềm tin, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà".
Đầu năm 2017, khi bệnh tình của thầy chuyển biến nặng, thầy đã phải nhập viện điều trị một thời gian.Biết tin sức khỏe thầy Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, Hà Nội) không tốt, học sinh toàn trường đã gửi thư, hát vang bài hát truyền thống của trường như một cách động viên, chúc thầy mau khỏe.
Nói về người cha đáng kính của mình, cô Văn Thùy Dương, Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh chia sử: "Sau những cú sốc, đến giờ phút này, gia đình tôi đã phần nào bình tĩnh. Chúng tôi đều có chung cảm nhận rằng bố đã sống một cuộc đời vẻ vang... Gánh nặng mà tôi đang mang vác là làm sao cho phụ huynh, học sinh hiểu rằng trường Lương Thế Vinh sẽ mang tinh thần của thầy đi mãi. Đó là nghị lực sống, tinh thần "có chí thì nên", "có công mài sắt, có ngày nên kim".
PGS Văn Như Cương đã qua đời, nhưng những gì ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục sẽ còn lại mãi. Với tất cả các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh và rất nhiều người khác, dù chưa từng được thầy giảng dạy, thầy Văn Như Cương vẫn là người thầy lúc nào cũng nhận được rất nhiều sự mến yêu và kính trọng.
“Ta phải về thôi tuổi xế chiều.
Dẫu còn dan díu chút tình yêu.
Bài ca sư phạm không đành bỏ.
Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo”.