PGS.TS Lê Quý Đức: "Ở khía cạnh đạo đức, văn hóa ép bia rượu là một tập tục lạc hậu và dã man"
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Quý Đức, bản thân rượu bia không có tội. Những việc ép nhau từng chén rượu ly bia là thói quen phản văn hóa. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, nó như một tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án.
- 06-05-2019Jacqui Saburido - cô gái mang khuôn mặt biến dạng khủng khiếp vì gã tài xế say rượu, dũng cảm đứng lên truyền cảm hứng sống cho hàng triệu người
- 06-05-2019Vì bản thân, vì gia đình, vì xã hội, xin đừng lái xe khi đã uống rượu bia
Thời gian gần đây, các vụ tai nạn đau lòng có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là tai nạn liên quan đến rượu bia. Các tài xế sau những cuộc vui "chén chú chén anh", đã không còn tỉnh táo nhưng vẫn tự tin lái xe rồi gây tai nạn cuớp đi mạng sống của những người vô tội, để lại đau đớn ám ảnh cho những đứa con, người chồng, người bạn - những người ở lại đối diện với mất mát lớn nhất đời mình.
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do tài xế sử dụng rượu bia.
Việc lạm dụng và ép nhau uống rượu bia đã và đang gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình, xã hội và chính bản thân người uống.
Dư luận chắc hẳn còn rùng mình, bàng hoàng và đau xót về vụ việc tài xế ô tô say rượu tông tử vong nữ công nhân môi trường khi đang làm việc. Chỉ mấy ngày sau, một tài xế say rượu khác bất chấp lái xe dẫn đến tai nạn ở hầm Kim Liên, cướp đi tính mạng của hai người phụ nữ.
Thực trạng uống bia rượu nhưng vẫn cố tình lái xe ngày càng ở mức đáng báo động. PV đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa để có cái nhìn sâu xa hơn về vấn đề này.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa. Ảnh Internet.
Ép người khác uống rượu bia là thói quen phản văn hóa
- Thưa PGS – TS, thời gian vừa qua cả nước nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đau lòng mà nguyên nhân chính là do tài xế say rượu cầm lái. Bản thân ông có suy nghĩ gì về việc này?
Những vụ tai nạn đau lòng vừa kể trên được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều nên tôi cũng đã nắm được. Mỗi ngày đọc tin bài trên báo mà thấy xót xa.
Những người uống rượu bia rồi ngồi trước vô lăng cầm lái, họ biết đang vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, biết mình không hoàn toàn tỉnh táo nhưng mặc kệ các nguy cơ. Như vậy bản thân họ thứ nhất coi thường pháp luật, thứ hai không coi trọng mạng sống chính mình và thứ ba, không biết nghĩ đến tính mạng của người khác. Đây là một thực trạng đáng buồn nhưng nó đang ngày càng gia tăng trong xã hội.
Pháp luật đã quy định, người đủ trưởng thành mới được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chính vì trưởng thành họ cũng đã ý thức được việc làm của mình, ý thức được tác hại của việc lái xe sau khi uống rượu bia. Nhưng họ vẫn cố tình vi phạm, như thế chính họ đã tự đẩy mình vào con đường tù tội.
- Sau các vụ việc, người ta lên án việc sử dụng rượu bia rất nhiều. Các tài xế cũng đổ lỗi cho việc vì không thể chối từ chén rượu ly bia nên phải nâng ly "làm tí" rồi gây nên hậu quả đau lòng. Rượu bia thực sự có lỗi đến như vậy không, thưa ông?
Không nên đổ lỗi hoặc ngụy biện. Việc uống rượu trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay luôn là một nét đẹp về ẩm thực. Bản thân rượu bia không có tội, thậm chí rượu bia còn được rất nhiều quốc gia đề cao vì những tác dụng mà thứ thức uống này mang lại.
Lỗi ở đây không phải là bia rượu, mà lỗi xuất phát từ chính hành vi của mỗi người, gây nên tội ác. Người có ý thức trong các cuộc nhậu họ đều uống rượu có điểm dừng, biết từ chối đúng lúc. Không bê tha, hơn thua với bạn bè mình từng ly bia chén rượu. Bởi họ biết hơn thua cũng chẳng để làm gì.
Ông Đức cho rằng, ép nhau rượu bia trên bàn nhậu, hơn nhau từng chén rượu là tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án. Ảnh minh họa.
- Hiện nay rất nhiều người đi nhậu có thói quen ép bạn nhậu uống đến khi say, không còn tỉnh táo. Người bị ép vì sợ ảnh hưởng công việc mà uống cho vừa lòng lãnh đạo, anh em. Làm sao để thói quen, văn hóa này sớm bị "khai tử"?
Đây là thói quen phản văn hóa. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, nó như một tập tục lạc hậu, dã man rất cần lên án.Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu bia.
Văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, đặc biệt như đám hỏi, tiệc tùng, rượu được xem như một thức uống quan trọng góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp con người xích lại gần nhau hơn.
Những người ép bia, rượu dù biết người bị ép còn phải lái xe về nhà đã thể hiện mình là người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu văn hóa đồng thời không tôn trọng người khác. Không phải ai cũng thích uống rượu và có khả năng uống rượu. Có những người bị bệnh về dạ dày, dị ứng, cơ địa không thích ứng với thức uống có cồn, các anh khi nâng chén nâng cốc phải hiểu rõ điều đó để không tổn hại đến sức khỏe người khác.
Để "bức tử" văn hóa ép rượu bia, bản thân người bị ép phải thẳng thắn nói "Không!". Đừng vì sĩ diện mà chiều lòng người khác. Một lần, hai lần, đến lần thứ 3 thì chẳng ai còn muốn mời bia ép rượu mình nữa. Càng nhiều người hành động quyết liệt, tuyên truyền mạnh mẽ thì thói quen này sẽ sớm bị dẹp bỏ. Ly bia chén rượu trên bàn sẽ quay về đúng chức năng của nó là chỉ để cho anh em vui vẻ gần nhau. Ai uống được bao nhiêu thì uống!
Áp phích của Tổ chức Y tế thế giới WHO (Văn phòng tại Việt Nam) về cảnh báo và xử lý các vi phạm an toàn giao thông do hậu quả của việc uống bia, rượu.
Cần triển khai mô hình "đưa người say về nhà"
- Như vậy theo ông, uống có điểm dừng thì sẽ hạn chế được những nguy hại. Thế nhưng trong cuộc vui đôi khi người ta cũng không giữ được mình, dù không bị ép uống nhưng vẫn "thả phanh" cùng nhau và say bí tỉ. Liệu chúng ta nên có một mô hình "đưa người say về nhà" để tránh vi phạm pháp luật và gây tai nạn giao thông?
Theo tôi, để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh khi đi nhậu, người dân không nên tự lái xe đi, có thể bắt xe grab hoặc xe taxi. Khi đó tâm lý mình nhậu sẽ thoải mái hơn, nhậu xong mình có người đưa về, vừa an toàn lại đỡ mệt cho bản thân. Hoặc đi nhậu bằng xe của mình nhưng đến khi say có thể để xe ở lại quán, bắt taxi về, mình chịu thiệt mấy chục ngàn tiền phí trông xe nhưng bù lại mình về nhà an toàn.
Trên thế giới và ở nước ta, mô hình "đưa người say về nhà" cũng đã được áp dụng, bên phương Tây họ thực hiện tốt hơn, ở nước mình vẫn còn hạn chế. Đây là mô hình rất tốt, cần được triển khai rộng rãi hơn, vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người vừa tránh được những sự cố đáng tiếc. Một số người cho rằng việc làm này mất chi phí khá cao, nhưng nếu bản thân anh có tiền đi nhậu, thì chắc chắn có tiền để có thể sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên mỗi người cũng nên nhớ rằng, dù đi taxi, có người chở về nhà thì cũng đừng vịn lý do đây mà uống thả phanh hết mức.
Đi nhậu bằng xe của mình nhưng đến khi say có thể để xe ở lại quán, bắt taxi về, mình chịu thiệt mấy chục ngàn tiền phí trông xe nhưng bù lại mình về nhà an toàn.
- Có thể thấy tâm lý của người uống rượu bia rồi lái xe là rất chủ quan, họ nghĩ rằng, mình còn khỏe, còn lái an toàn, ông nghĩ thế nào về việc này?
Có một số người có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng khi nhậu ngà ngà say sẽ tỉnh táo hơn, tay lái lụa hơn, đây là điều rất nguy hiểm.
Khi anh đã uống đến mức không còn tỉnh táo như bình thường thì trong quá trình lái xe anh không thể làm chủ được tay lái, cung đường đi có nhiều sự cố bất ngờ anh không thể xử lý kịp, dẫn đến tai nạn là điều đương nhiên. Hoặc khi va chạm với phương tiện khác, anh đã uống ngà ngà say thì không làm chủ được bản thân mình, dẫn đến dễ bị kích động rồi xô xát, các cuộc đánh nhau không mong muốn.
Mọi người đừng chủ quan, các cơ quan chức năng khi nghiên cứu y tế, sức khỏe, giao thông người ta biết được khi anh uống đến mức say thì anh không còn điều khiển được phương tiện nữa. Chính vì vậy, mới có quy định nồng độ cồn trong khí thở ở mức nào là tài xế đã say rượu.
Hình ảnh vụ tai nạn đau lòng của những đồng nghiệp chứng kiến bạn mình bị chiếc ô tô cán tử vong.
- Công tác tuyên truyền giáo dục từ trường học đến sở làm, công ty nên được thực hiện như thế nào ngay bây giờ để bất cứ ai cũng ý thức việc say xỉn không được lái xe? Các chế tài xử phạt đã đủ nghiêm minh chưa?
Theo tôi, ở đây nguyên nhân chính là ý thức của mỗi người, nếu đã là ý thức thì cần phải đẩy mạnh các chương trình giáo dục, tuyên truyền. Cần có sự giáo dục từ trong gia đình cũng như ở học đường dành cho lớp trẻ, để hình thành nên tư tưởng không tùy tiện, nhất là vùng nông thôn miền núi họ cứ gặp nhau là uống thì mình cần giáo dục cho thế hệ trẻ nơi đó từ ban đầu.
Ngoài ra, xã hội cũng phải quan tâm đến văn hóa ăn uống, đặc biệt, ở những nơi như công sở thì thủ trưởng phải làm gương cho các nhân viên, mọi người cùng xây dựng một môi trường làm việc văn minh hiện đại.
Hiện pháp luật cũng đã vào cuộc rất nhiều trong công cuộc chống lại nạn lạm dụng bia rượu, bằng cách như đo nồng độ cồn của các tài xế lái xe. Hay mới đây là dự thảo luật phòng chống tác hại của bia rượu chẳng hạn. Đồng thời có hình thức xử lý nghiêm với những trường hợp kinh doanh rượu giả, rượu độc.
Bên cạnh đó nhà nước, cơ quan chức năng cần đưa ra những chế tài xử phạt về hành vi này nặng hơn, đủ tính răn đe hơn nữa. Hiện tại, liên quan đến hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xét trên phương diện luật pháp, các quy định đã khá đầy đủ, khung hình phạt gần đây cũng tăng rất nặng.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân còn coi nhẹ luật. Lý do là việc xử phạt chưa đồng bộ, còn tâm lý nể nang. Do đó việc xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn cần được siết chặt, đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của luật pháp.
Xin cảm ơn ông!
Trí thức trẻ