MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Nguyễn Đức Thành kể chuyện kinh tế nền tảng số: Đường Tăng mất 15 năm, Con đường tơ lụa mất hàng trăm năm nhưng giờ con người chỉ cần một tích tắc để trao đổi thông tin

Nói về tác động của kinh tế nền tảng số tại buổi Tọa đàm Vai trò của kinh tế nền tảng số đến tương lai kinh tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chia sẻ quan điểm: Thất nghiệp do kinh tế nền tảng báo trước một kỷ nguyên phát triển khủng khiếp của loài người, chứ không phải là tạo ra một nhóm người "ăn không ngồi rồi".

Với góc độ nhân loại và toàn cầu, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, bản chất kinh tế nền tảng số không phải là một điều gì đó bí hiểm, hay một phép thần thông nào, mà chỉ đơn giản là trong hàng nghìn năm, con người trả lời câu hỏi làm sao để giao tiếp với nhau một cách dễ dàng nhất. Ngày xưa, ai làm việc nấy thì người ta tự làm ra, tự trồng cây, tự nuôi gà ăn, không giao tiếp thì vẫn sống và có thể sống như thế trong vòng mười nghìn năm, cũng chẳng sao cả, nhưng họ cứ sống đều đặn như vậy. 

Trong lịch sử loài người, sự phát triển bắt nguồn khi một người ở Trung Quốc có thể biết được người ở Trung Đông có cách làm khác, có sản phẩm khác, để học hỏi, trao đổi và chia sẻ lẫn nhau. 

Để làm được điều đó, Đường Tăng phải đi mất 15 năm thì mới có thể về chia sẻ được một số phương thức trong cuốn nhật ký hành trình, con đường tơ lụa mở ra trên biển cũng mất hàng trăm năm để con người có thể chia sẻ như vậy. Con người từ đó từ từ tiến hóa và tăng năng suất, thay đổi và phát triển tư duy.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành kể chuyện kinh tế nền tảng số: Đường Tăng mất 15 năm, Con đường tơ lụa mất hàng trăm năm nhưng giờ con người chỉ cần một tích tắc để trao đổi thông tin - Ảnh 1.

Giờ đây, với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão và các quá trình phát triển mang tính chất hội tụ công nghệ, con người trở nên gần nhau hơn rất nhiều. 

PGS dẫn dắt từ một câu chuyện: "Một anh chàng nào đó, với một sáng kiến thông minh nào đó ở một góc nào đó, chỉ cần đăng lên Facebook hay một nền tảng mạng xã hội nào đó của anh ta thì ngay lập tức một anh chàng khác ở nơi rất xa xôi có thể biết "À, hóa ra có ý tưởng như vậy" để có thể mua ý tưởng này. 

Tất cả các hệ thống sẽ hỗ trợ để có các giao dịch thực sự diễn ra về mặt kinh tế. Tiền có thể trao đổi được, hai người có thể trực tiếp trao đổi ngay lập tức, không cần có ai làm thân làm quen, giới thiệu. Việc đó làm cho mối quan hệ giữa con người với nhau thay đổi hoàn toàn, thay vì có thể không bao giờ gặp được nhau, hoặc gặp nhau phải mất đến 20 năm, 10 năm, thì giờ chỉ là một tích tắc. Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng khủng khiếp và năng lực của con người, trí tuệ và khả năng con người tăng vọt".

Khi tăng nhanh như vậy, kinh tế nền tảng sẽ loại trừ đi những người vốn làm vai trò trung gian, để kết nối mọi thứ lại và nhờ công việc kết nối thì họ được hưởng một phần thành quả, những người này sẽ biến mất hoặc ít nhất là giảm vai trò. Điều này sẽ giải phóng ra một lực lượng lao động lớn trong xã hội, gọi là thất nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành kể chuyện kinh tế nền tảng số: Đường Tăng mất 15 năm, Con đường tơ lụa mất hàng trăm năm nhưng giờ con người chỉ cần một tích tắc để trao đổi thông tin - Ảnh 2.

Tác động đầu tiên của kinh tế nền tảng có thể quan sát được là những thay đổi về nghề nghiệp, về cách sống rất nhiều và biểu hiện của thất nghiệp. Nhiều người cho rằng thất nghiệp là một vấn đề tiêu cực của xã hội. Nhưng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, với tư cách là một nhà kinh tế, ông cho rằng đó là những giai đoạn báo trước một kỷ nguyên phát triển khủng khiếp của loài người, chứ không phải là tạo ra một nhóm người "ăn không ngồi rồi". Nếu như nguồn lao động đó còn khả năng học hỏi thì thay vì làm các công việc cũ, họ làm việc khác, xã hội sẽ có thêm những nguồn lực mới, như vậy tổng sản phẩm toàn xã hội sẽ tăng lên. Xã hội có nhiều sản phẩm hơn thì cũng giàu có, thịnh vượng hơn. 

"Ở Việt Nam, quá trình này cũng đang bắt đầu diễn ra. Thoạt tiên, ta sẽ có cảm giác có rất nhiều vị trí không cần con người nữa, dẫn đến thất nghiệp. Nhưng những người bị thay thế đó mà cho rằng mình thất nghiệp là thất bại, là không hiểu gì về quá trình chuyển đổi xã hội hiện nay. Đơn giản là việc mình học để định làm thì đã có máy móc làm hộ mình rồi, thì mình phải làm việc khác. Phải học, phải làm quen để sau đó tạo ra giá trị mới. Đây là lúc mà con người phải tư duy rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều. Với tư duy như vậy, chúng ta sẽ chung sống được với xã hội hôm nay một cách thuận lợi và chủ động hơn" - Viện trưởng này cho biết. 

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên