MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nhiều người tài trợ mua phòng điều trị áp lực âm để chống dịch, nhưng nếu không cẩn trọng có thể khiến virus phát tán nhiều hơn

26-03-2020 - 16:41 PM | Sống

Việc tài trợ mua phòng áp lực âm để chống dịch Covid-19 là điều vô cùng cần thiết và quý giá trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách, điều này có thể góp phần phát tán virus ra môi trường xung quanh.

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã có những diễn biến khó lường với tổng số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Trước tình hình đó, rất nhiều doanh nhân, nghệ sĩ đã có những động thái ý nghĩa nhằm ủng hộ nhà nước để cùng người dân cùng nhau vượt qua quãng thời gian khó khăn này. Hưởng ứng lời kêu gọi, ca sĩ Hà Anh Tuấn và 2 người bạn, ca sĩ Chi Pu... đã tặng những phòng điều trị cách ly áp lực âm để phục vụ công tác điều trị cho những người nhiễm virus Covid-19.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, hành động này "lợi bất cập hại, nếu không cẩn trọng có thể góp phần phát tán virus ra môi trường xung quanh". Tại trang cá nhân trên mạng xã hội Lotus, PGS. TS Nguyễn Huy Nga đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Phòng áp suất âm là một phương pháp cách ly được sử dụng trong các bệnh viện để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo giữa các phòng bệnh với nhau. Phương pháp này sử dụng một hệ thống thông gió có chức năng tạo áp suất âm để không khí chỉ có thể đi vào phòng chứ không thể đi ra, bởi không khí di chuyển từ vùng có áp suất cao sang vùng có áp suất thấp. Nhờ đó ngăn chặn việc không khí bị nhiễm khuẩn lọt ra khỏi phòng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nhiều người tài trợ mua phòng điều trị áp lực âm để chống dịch, nhưng nếu không cẩn trọng có thể khiến virus phát tán nhiều hơn - Ảnh 2.

Hình ảnh phòng áp lực âm để cách ly bệnh nhân Covid-19. Nguồn: GenK

Theo ông Nguyễn Huy Nga, phương pháp này được sử dụng để cách ly bệnh nhân các bệnh truyền nhiễm qua không khí như lao, sởi hay thủy đậu. Khi không khí đi ra phải qua một hệ thống xử lý bằng các bộ lọc để loại trừ mầm bệnh. Virus sẽ được giữ lại trên các màng lọc này, cho đến khi chúng tự chết hoặc bị giết chết khi bộ lọc của HEPA được các nhân viên kỹ thuật bệnh viện khử trùng và thay mới.

Bên trong phòng áp lực âm vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn. Nên bác sĩ, nhân viên y tế nếu tham gia làm nhiệm vụ tại phòng cách ly áp lực âm phải chấp hành nghiêm các quy trình khử khuẩn, mặc áo bảo hộ, đeo kính và đeo khẩu trang phòng bệnh.

Phòng áp lực âm có 2 buồng đệm, trước khi vào phòng cách ly, nhân viên y tế phải qua buồng đệm đầu tiên. Sau khi điều trị, nhân viên y tế dời khỏi phòng cách ly bằng buồng đệm thứ 2. Tại đây các vật tư y tế tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và tiêu hủy, đảm bảo việc virus lây nhiễm không thể thoát ra môi trường.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nhiều người tài trợ mua phòng điều trị áp lực âm để chống dịch, nhưng nếu không cẩn trọng có thể khiến virus phát tán nhiều hơn - Ảnh 3.

Đường đi của không khí và mầm bệnh trong phòng áp lực âm. Nguồn: GenK

Phòng cách ly áp lực âm được trang bị đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị cấp cứu. Người bệnh được cách ly và giám sát qua màn hình camera, nhân viên của bệnh viện dễ dàng trao đổi với người bệnh qua hệ thống camera.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, các bệnh viện của ta hiện nay không được thiết kế để bố trí các phòng áp lực âm này nên có thể phản tác dụng. Sự vận hành nếu không cẩn trọng lại góp phần phát tán virus ra môi trường xung quanh, làm lây nhiễm cho những người khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Nhiều người tài trợ mua phòng điều trị áp lực âm để chống dịch, nhưng nếu không cẩn trọng có thể khiến virus phát tán nhiều hơn - Ảnh 4.

Hoàng Lan

Trở lên trên