Phá ngưỡng 1.900 USD, giá vàng sắp tới sẽ chinh phục mốc nào?
Sau 4 tuần tăng liên tiếp, giá vàng thế giới kết thúc tuần này chính thức vượt ngưỡng quan trọng 1.900 USD sau khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng trong tháng 4, khiến vàng lại trở nên hấp dẫn với vai trò phòng ngừa lạm phát.
- 29-05-2021Thị trường ngày 29/5: Giá vàng vượt 1.900 USD/ounce, dầu, quặng sắt, thép… đồng loạt tăng mạnh
- 27-05-2021Giá vàng đang được hỗ trợ tích cực
Giá vàng đã thể hiện xu hướng tăng rõ rệt trong 2 phiên vừa qua, khi liên tục vượt qua ngưỡng quan trọng là 1.900 USD/ounce, khi các nhà đầu tư cân nhắc lựa chọn mua gì trước bối cảnh có rất nhiều thông tin tác động.
Lúc kết thúc phiên cuối cùng của tuần, phiên 28/5, giá vàng giao ngay và giao tương lai đều đạt trên 1.900 USD/ounce, mức cao nhất trong năm 2021.
Cụ thể, giá vàng giao trên Sàn Vàng bạc London lúc đóng cửa tăng 0,3% lên 1.902,27 USD/ounce, tính chung cả tuần, giá đã tăng 1,1% và là tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 6 – đại diện cho các hợp đồng kỳ hạn tương lai ở thời điểm này – trên Sàn New York cũng tăng 0,4% trong phiên cuối tuần, kết thúc ở 1.905,3 USD/ounce.
Giá vàng đã xóa hết mức giảm từ đầu năm tới nay, với giá hiện tại bằng mức giá đầu năm 2021, trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu gia tăng và khả năng kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều, khi một số quốc gia đang chật vật bởi Covid-19 bùng phát trở lại.
Đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho vàng. Trước hết là phải kể tới nguy cơ lạm phát hiện hữu ở Mỹ - yếu tố mới nhất và có tác động mạnh nhất tới thị trường vàng lúc này.
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 4 năm nay, lên tới 3,4% (so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/1992 ), và kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 này, với mức tăng khoảng 4,6%, vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là thước đo lạm phát của Mỹ và có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: "Dữ liệu tiêu dùng cá nhân của Mỹ tăng mạnh ... điều này tiếp tục là môi trường hỗ trợ giá vàng tăng, vì tiêu dùng tăng chứng tỏ nguy cơ lạm phát đang hiện hữu – sẽ có lợi cho vàng".
Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang từ chối giảm tốc độ chương trình mua trái phiếu của họ cũng như từ chối tăng lãi suất cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Trong các cuộc phỏng vấn các quan chức Fed thì tất cả họ đều nhận định Fed sẽ chưa sớm nâng tỷ lệ lãi suất.
Trả lời phỏng vấn của một tờ báo tài chính mới đây, Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể kiềm chế sự bùng phát lạm phát, nếu nó xảy ra, mà không làm cho đà phục hồi đi chệch hướng, đồng thời nhắc lại rằng các dấu hiệu của lạm phát ""phần lớn chỉ là nhất thời".
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát của Fed, Randal Quarles, mới đây phát biểu rằng, điều quan trọng là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu thảo luận trong những tháng tới về kế hoạch giảm bớt quy mô mua trái phiếu – hiện đang ở mức rất cao - nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển mạnh trước khi thoát khỏi đại dịch.
Trong khi đó, New Zealand sẽ theo sau Canada bắt đầu nâng lãi suất vào năm tới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu giảm dần những chương trình kích thích kinh tế khẩn cấp.
Về triển vọng giá vàng, nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cho biết vàng giao ngay sẽ tiếp tục tăng để thử thách ngưỡng kháng cự mới, là 1.911 USD/ounce.
Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc RJO Futures cho biết, các chỉ số kỹ thuật đều hỗ trợ (giá tăng), vì vậy vào lúc này, bất cứ khi nào giá vàng giảm xuống đều là cơ hội tốt để mua vàng vào. Theo ông, nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng và lạm phát tiếp tục nóng lên, nhu cầu vàng sẽ tăng mạnh.
Tham khảo: Bloomberg, Refinitiv