MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá thế khó cho thủy sản

27-03-2023 - 20:21 PM | Thị trường

Phá thế khó cho thủy sản

Sau một năm lập được kỳ tích, ngành thủy sản rơi vào thế khó khi đơn hàng sụt giảm trong lúc chi phí sản xuất lại tăng

Theo lịch công tác, hôm nay (27-3), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến cùng các ban, ngành liên quan sẽ làm việc với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.

Nhiều chỉ số cùng giảm

VASEP dẫn thống kê mới nhất của hải quan cho thấy 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỉ USD - giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm diễn ra ở tất cả các thị trường chính: Mỹ chỉ đạt 155 triệu USD, giảm 55%; Trung Quốc 151 triệu USD, giảm 11%; Nhật Bản 187 triệu USD, giảm 11%; Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%. Cả 3 nhóm mặt hàng chính đều sụt giảm: tôm 355 triệu USD, giảm 40%; cá tra 240 triệu USD, giảm 38%; cá ngừ 109 triệu USD, giảm 30%.

Cập nhật gần hết quý I/2023, VASEP cho biết ngành thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do lạm phát ở các thị trường nhập khẩu khiến nhu cầu giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu của DN lại tăng cao. Giá thức ăn thủy sản hiện ở mức kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn và sản phẩm thủy sản đều cao.

Phá thế khó cho thủy sản - Ảnh 1.

Tăng cường chế biến sâu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam

Trong khi đó, mặt bằng giá thủy sản xuất khẩu lại đang giảm. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tháng 1-2023, giá tôm nhập khẩu nước này còn 8,5 USD/kg, giảm 10%; giá cá tra phi-lê đông lạnh còn 3,14 USD/kg, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong thời gian này, Mỹ nhập khẩu 3.899 tấn tôm Việt Nam, giảm 40%, trong khi nhập từ Ecuador lại tăng đến 26% nhờ giá nguyên liệu thấp hơn 30%. Thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ trong tháng 1 bị thu hẹp từ 8% xuống 6%.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, giá thức ăn thủy sản là một trong những lý do khiến giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao. "Ecuador ở ngay vùng nguyên liệu, còn Việt Nam phải nhập khẩu và phải chịu thuế (2% đối với khô đậu nành). Việt Nam cũng không sản xuất được khô đậu nành nên đưa thuế về 0% là hợp lý. Nếu kiến nghị này được chấp thuận sẽ hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, giúp Việt Nam củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất thủy sản lớn trên thế giới" - Tổng Thư ký VASEP kỳ vọng.

Nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh

Dù số liệu xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái giảm sâu nhưng nếu so với 2 năm 2020-2021 thì vẫn cao hơn và tương đương trước dịch COVID-19.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT, cho biết khâu nuôi trồng thủy sản vẫn đang ổn định, chưa phải mùa thu hoạch nên khâu tiêu thụ chưa phát sinh vấn đề gì khó khăn. Đối với thủy sản, thời gian nuôi đến thu hoạch kéo dài, Bộ NN-PTNT không khuyến cáo nông dân giảm hay giãn đàn vào thời điểm này.

"Khuyến cáo chung là khi sản xuất phải liên kết chặt chẽ với DN và bên thu mua để bảo đảm đầu ra. Chúng tôi đã được phản ánh về tình trạng thiếu đơn hàng của các DN. Do đó, cuộc họp ngày 27-3 với các DN nhằm ghi nhận cụ thể những khó khăn để tìm hướng tháo gỡ. Hiện nay, nhiều DN cũng chuẩn bị nắm bắt các cơ hội khi thị trường phục hồi" - ông Luân cho biết.

Là người tham dự Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ - Boston (Mỹ) vào giữa tháng 3-2023, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, nhận xét các DN Việt đã rất nỗ lực nâng giá trị đầu ra để bù lại chi phí cao ở đầu vào. "Những DN như Vĩnh Hoàn, Khang An, Godaco… đã đầu tư cho sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm kết hợp giữa thủy sản và rau củ quả, tạo nên những bữa ăn lành mạnh. Những sản phẩm này có biên độ lợi nhuận cao, không phải cạnh tranh giá rẻ" - bà Tường Lan nhìn nhận.

Theo bà Tường Lan, Việt Nam rất có lợi thế trong việc sản xuất các sản phẩm tinh chế bởi tay nghề của người lao động cao, tỉ mỉ và tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian gần đây, nhiều DN đã đầu tư cho đội ngũ nghiên cứu phát triển, đầu tư sản phẩm mới, chủ động chào hàng. Hiện dòng sản phẩm tinh chế đã bán tốt ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… Thị trường Mỹ đang ở giai đoạn thử nghiệm vì người tiêu dùng nước này trước nay chỉ quen với sản phẩm chế biến đơn giản như tẩm ướp, chiên bột; dạng sản phẩm phối trộn với rau củ vẫn còn mới mẻ.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa sau dịch COVID-19 cũng là cơ hội cho thủy sản sớm phục hồi, nhất là khi Việt Nam có lợi thế chung biên giới. Tính riêng tháng 2-2023, xuất khẩu thủy sản của ta sang Trung Quốc đã tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn, cho hay nhờ thị trường 1,5 tỉ dân mở cửa mà tôm sú, cua Cà Mau hút hàng, tăng giá. "Nhu cầu của thị trường này rất lớn. Chúng tôi mong muốn mọi người đồng lòng kiểm soát và nâng cao chất lượng để giữ thị trường vì Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính" - bà Thư bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư cũng cảnh báo khả năng Việt Nam bị mất thị phần tôm hùm bông tại Trung Quốc khi nước này có thêm nguồn nhập từ Philippines, Nam Phi với chất lượng tương đương và giá rẻ hơn nhiều. 

Bất ngờ với nghêu, ốc

Trong khi 3 mặt hàng chính xuất khẩu bị giảm mạnh thì nhóm thủy sản phụ lại có tín hiệu tích cực. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ (nghêu, ốc, hàu, sò điệp...) đạt giá trị xuất khẩu 19 triệu USD - tăng 39% so với cùng kỳ. Nghêu là sản phẩm chủ lực trong nhóm này, thu về 11 triệu USD, chiếm 56%. Thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ. Năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt hơn 144 triệu USD, tăng nhẹ 1,6% so với năm 2021.

Theo Ngọc Ánh

nld.com.vn

Trở lên trên