Phác họa ngành địa ốc năm nay: Kế hoạch tăng trưởng cao, mở rộng quỹ đất
Tổng doanh thu của 8 doanh nghiệp năm nay dự kiến tăng 66% và lợi nhuận sau thuế tăng 12%, đạt lần lượt 30.823 tỷ đồng và 5.053 tỷ đồng. Mục tiêu mở rộng quỹ đất cũng được đặt ra.
- 26-03-2019Doanh nghiệp địa ốc "kêu" khó về thủ tục cấp phép đầu tư dự án mới
- 26-03-2019Vừa lên Thành phố, đất nền nơi đây đã rục rịch hút giới đầu tư địa ốc
- 21-03-2019Lý giải sức hút của Nam Phú Quốc trên thị trường địa ốc 2019
Tính đến nay, 8 doanh nghiệp - chiếm khoảng 50% ngành bất động sản cả 2 sàn - đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019. Con số này đạt khoảng 50% tổng doanh nghiệp cùng ngành ở cả hai sàn. Một số doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Novaland, Khang Điền... chưa công bố kế hoạch.
Khảo sát 8 doanh nghiệp ở những phân khúc sản phẩm khác nhau cho thấy bức tranh của ngành năm nay phần nào được lộ diện.
Mục tiêu doanh thu tăng bằng lần, lợi nhuận vượt nghìn tỷ đồng
CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh nhất là đạt 3.305 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với kết quả thực hiện năm trước.
Để hoàn thành, công ty dự kiến ghi nhận doanh thu khối thấp tầng dự án The Terra An Hưng khoảng 1.200 tỷ đồng; dự án Grandeur Palace - Giảng Võ khoảng 1.010 tỷ đồng; The Terra - Hào Nam khoảng 525 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn cùng với các công ty thành viên triển khai nhiều dự án khác.
Đơn vị: tỷ đồng
Một doanh nghiệp khác ở phía Nam là CTCP Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng lên kế hoạch doanh thu gấp 4 lần năm trước, đạt 9.000 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án The EverRich 2 và The EverRich 3.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, 2 doanh nghiệp có kế hoạch doanh thu không tăng trưởng hoặc giảm, như CTCP TTC Land (HoSE: SCR) giảm 1% hay CTCP Đầu tư Vạn Phát Hưng giảm 23%.
Về lợi nhuận, riêng LDG đặt mục tiêu giảm nhẹ 1% còn 7 doanh nghiệp khác đều có sự tăng trưởng.
CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - HoSE: SCR) có kế hoạch lợi nhuận tăng cao nhất, lên tới 41%, đạt 340 tỷ đồng. Kết quả này dự kiến đến từ các dự án TTC Plaza Bình Thạnh (quận Bình Thạnh), Jamona Home Resort (quận Thủ Đức), Jamona City (quận 7), Carillon 5, Carillon 7 (quận Tân Phú) và Cù Lao Tân Vạn (Biên Hòa - Đồng Nai).
CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng 20%, đạt 445 tỷ đồng. Công ty dự kiến tập trung triển khai các dự án trọng điểm của tập đoàn, lấy dự án Sonasea Vân Đồn Habor City làm trọng tâm, kinh doanh và vận hành các dự án Novotel Phú Quốc Resort, Best Western Premier Sonasea Phú Quốc.
Tuy nhiên về mặt số liệu tuyệt đối, CTCP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) và CTCP Tập đoàn Địa ốc Đất Xanh (HoSE: DXG) có kế hoạch lãi sau thuế trên nghìn tỷ đồng. Cụ thể, Nam Long mục tiêu lãi 1.002 tỷ đồng và Đất Xanh lãi 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 2%.
Dù là kế hoạch, lãnh đạo một số doanh nghiệp đưa ra lời khẳng định chắc chắn cho việc thực hiện hoặc vượt chỉ tiêu.
Trong kế hoạch lãi 600 tỷ đồng, ông Phạm Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT, cho rằng LDG vẫn sẽ vượt chỉ tiêu đề ra bởi hơn 300 tỷ đồng bàn giao dự án có sẵn từ quý IV/2018 chuyển qua. Con số 300 tỷ đồng còn lại trong tầm tay nên khả năng vượt kế hoạch cả năm là có. Ngoài ra năm 2019, công ty dự kiến bàn giao các dự án West Intela (quận 8, TP HCM), Marina Tower (Thuận An, Bình Dương), Viva Square (Đồng Nai), triển khai dự án Bình Nguyên (Dĩ An, Bình Dương).
Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Lương Trí Thìn khẳng định lợi nhuận 2019 không cao như năm trước nhưng kế hoạch này tự tin làm được và chỉ còn tính toán vượt bao nhiêu phần trăm.
Ưu tiên quỹ đất
Trong một hội thảo bất động sản hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG, cho biết giai đoạn 2019 - 2020, công ty sẽ hạn chế tối đa đầu tư bất động sản tại TP HCM. Ông gọi đây là việc "tạm tránh bão để công ty an toàn".Bởi lẽ, các doanh nghiệp ở TP HCM đang "đạp chân lên nhau" để tìm quỹ đất.
Chưa kể, quy trình thủ tục xin cấp phép đối với một dự án kéo dài vài năm, làm mất đi nhiều cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, trong 2 năm tới, ông Khang cho biết LDG sẽ đầu tư mạnh tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Nha Trang, đặc biệt là Cần Thơ. Hiện công ty này có khoảng 1.000 ha quỹ đất và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng quỹ đất có quy mô lớn từ 100 - 200 ha trong các năm sau.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2019, Ban Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) cho biết công ty hướng tới quỹ đất trên 400 ha trong năm nay. Công ty cũng tiếp tục đa dạng hóa dự án, sản phẩm. Tại TP HCM, các dự án phát triển sẽ thuộc phân khúc cao, trung cấp, trong bán kính 5 - 7 km từ trung tâm thành phố, giá bán 2.000 - 4.000 USD/m2.
Quỹ đất hiện có của Phát Đạt. Nguồn: PDR
Tại các tỉnh, thành khác, Phát Đạt sẽ bán đất nền trong các khu dân cư, khu đô thị mới và các sản phẩm đa dạng khác trong khu đô thị phức hợp.
Nam Long cũng nhanh tay thực hiện hai thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án với quỹ đất lớn gồm Nam Long - Waterfront 170 ha và Nam Long - Đại Phước 45 ha. Kế hoạch trong năm nay, Nam Long sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất mới tại phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và các tỉnh hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Người đồng hành