Phải giải ngân ngay những 'ngày đầu, tháng đầu' của năm 2023
Theo ông Trần Quốc Phương, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải thực hiện trước 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
- 17-12-2022Chung tay chăm lo đời sống công nhân, người lao động
- 17-12-2022Phải giải ngân 700.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công trong năm 2023
- 17-12-2022Doanh nghiệp phía Nam 'hé lộ' kế hoạch thưởng Tết
Ngày 17/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023”.
Tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, mặt khác gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu.
Đồng thời, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh.
Công tác giải ngân 11 tháng năm 2022 đã đạt được kết quả khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Tuy nhiên, theo ông Phương, đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.
Cho hay chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, do đó, ông Phương đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124 của Chính phủ, trong đó đôn đốc chủ đầu tư triển khai thi công, có khối lượng ra kho bạc thanh toán ngay.
“Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Lạm phát duy trì ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi nhanh, mạnh. Giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững”, ông Phương bày tỏ.
Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi đó, hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu. Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.
Từ đó, ông Phương yêu cầu, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
“Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt”, ông Phương nhấn mạnh và cho rằng, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.
Đại đoàn kết