Phải mất bao lâu nữa bán đảo Thanh Đa - Bình Quới mới thành siêu đô thị?
Khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư nước ngoài liên danh với Bitexco là tập đoàn Emaar Properties PJSC (Dubai) đã rút khỏi dự án khiến siêu dự án đô thị này đang bị "treo", lãnh đạo địa phương báo cáo Chính phủ quyết định.
- 26-07-2017Đại gia địa ốc Dubai rút lui, Bitexco đang làm gì với siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới?
- 20-07-2017Có thể hủy bỏ quy hoạch siêu dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa
- 06-07-2017Kiến nghị cho HFIC đầu tư Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Bitexco thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa
- 03-12-2015Đại gia Dubai "bắt tay" Bitexco đầu tư dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa
Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, Thành phố giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ, đến năm 2010, Thành phố quyết định thu hồi, sau đó giao cho 1 tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) của khu vực này.
Tưởng chừng như dự án sẽ được hồi sinh, nhưng lại tiếp tục rơi vào quên lãng. Mãi đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND Thành phố chỉ định là nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội-kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư trên chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong đó, riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng cho gần 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Hơn 50% diện tích đất bán đảo Thanh Đa - Bình Quới hiện là đất nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp
Khu bán đảo được nhìn từ hướng quận Thủ Đức. Hàng ngày người dân qua lại giữa các nơi phải đi bằng những chuyến phà tạm bợ.
Theo Ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) xin rút khỏi dự án.
Theo Luật đất đai, nếu sau ba năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố vừa có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Muốn đến bán đảo Thanh Đa, nhiều người buộc phải đi trên cầy cầy duy nhất này, hoặc có thể chọn đường sông trên những con thuyền nhỏ
Tại cuộc họp mới đây với UBND quận Bình Thạnh, UBND TP.HCM cho biết do đối tác nước ngoài trong Liên danh rút lui nên chỉ còn lại một mình Bitexco, nhưng Bitexco vẫn quyết tâm đề nghị được tiếp tục đầu tư dự án. Sau khi tổ chức đánh giá năng lực, kinh nghiệm của Bitexco trên cơ sở hồ sơ yêu cầu đã được phê duyệt và quy định hiện hành, UBND TP.HCM hiện đang trình Thủ tướng về dự án này.
UBND TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thì dự án sẽ kéo dài thời gian, gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống các hộ dân thuộc đối tượng phải di dời của khu vực dự án, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư phát triển của TP.HCM. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Khó khăn lớn nhất để đưa khu này thành siêu đô thị như trên bản vẽ là bài toán đền bù giải tỏa.
Khu vực này đang tồn tại nhiều chung cư được xây từ trước giải phóng, hiện thành phố đang tập trung di dời để bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư xây dựng dự án hiện đại hơn.
Thời gian qua nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã triển khai dự án chung cư tại Thanh Đa.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bitexco cho biết, hiện trình tự thủ tục xin chủ trương đầu tư đều phải thực hiện lại từ đầu. Tuy không còn đối tác ngoại thì Bitexco vẫn sẽ tiếp tục đầu tư siêu dự án này dựa vào tiềm lực tài chính của tập đoàn.
Về phía Bitexco, một đại diện tập đoàn này cho biết thêm việc có kêu gọi đối tác khác cùng tham gia dự án này hay không lúc này Bitexco cũng đang tính toán đến, nhưng doanh nghiệp sẽ tiếp tục những gì đã đầu tư vào đây trong nhiều năm qua. Tuy nhiên chiến lược hợp tác với đối tác trong hay ngoài nước hiện Bitexco chưa thể thông tin do vẫn đang trong giai đoạn đàm phán.
Theo Bitexco, khó khăn lớn nhất của dự án này là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bởi nó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Bitexco đang tích cực phối hợp với các sở ngành để xây dựng phương án đền bù và tái định cư.
Một trong nhiều dự án có diện tích khá lớn nằm dọc bờ sông "trùm mền" hơn 10 năm qua.
Do thuộc khu quy hoạch nên người dân không thể đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa. Hàng ngày phải đi lại trên những con đường rộng khoảng 1m như thế này.
Người dân ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh - TP.HCM) vẫn đang ngóng chờ siêu dự án này, đất vẫn tiếp tục được chào bán với giá tăng cao dao động từ 20 - 60 triệu đồng/m2, nhà cửa không được sửa chữa chứ nói gì đến bán đất do đang bị vướng quy hoạch.