MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải minh bạch giá nước

02-11-2019 - 22:00 PM | Thị trường

Từ giữa tháng 11, giá nước sạch tại TPHCM sẽ tăng nhẹ trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất nước sạch tại Hà Nội đang có ý kiến đề nghị UBND TP.Hà Nội tăng giá nước. Với người dân, hai vấn đề đáng quan tâm nhất là chất lượng nước sạch phải đảm bảo và giá nước phải minh bạch.

Từ giữa tháng 11, giá nước sạch tại TPHCM sẽ tăng nhẹ trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất nước sạch tại Hà Nội đang có ý kiến đề nghị UBND TP.Hà Nội tăng giá nước. Với người dân, hai vấn đề đáng quan tâm nhất là chất lượng nước sạch phải đảm bảo và giá nước phải minh bạch.

Mỗi nơi một kiểu

Tại TPHCM, hiện tại hộ gia đình đang sử dụng mức giá 5.300 đồng/m3, mới đây UBND TP.Hồ Chí Minh vừa thông tin về việc tăng giá nước từ giữa tháng 11, theo đó, mức mới đối với hộ dân cư là 5.600 đồng/m3 (tăng 5,66%). Riêng các hộ nghèo và cận nghèo (sử dụng dưới 4m3/người/tháng) vẫn được dùng giá cũ là 5.300 đồng. Đế năm 2020 mới phải trả 5.600 đồng/m3 và đến 2021 phải trả 6.700 đồng/m3.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì mức tăng này là vừa phải, không tác động nhiều đến đời sống người dân nhất là những hộ nghèo và cận nghèo.

Trong khi đó tại Cần Thơ, theo quyết định số 04/2019 của UBND TP.Cần Thơ về giá nước, hộ nghèo có sổ chỉ phải trả 4.000 đồng/m3. Đối với hộ gia đình dùng dưới 10m3 thì chịu giá 5.500 đồng/m3, hộ gia đình dùng từ 10m3 đến 20m3 chịu giá 6.800 đồng/m3.

Tại Đà Nẵng hiện nay, giá nước sinh hoạt được áp dụng từ năm 2017. Cụ thể, với hộ gia đình sử dụng dưới 10m3/tháng sẽ có giá 4.580 đồng/m3, cao nhất với hộ gia đình sử dụng từ 31m3 trở lên trong một tháng sẽ có giá 6.849 đồng/m3. Với cơ sở kinh doanh là 16.302,4 đồng/m3. Còn tại Huế, người dân đang phải dùng giá bình quân là 10.155 đồng/m3, khu vực đô thị chịu mức giá 8.733 đồng/m3. Nghệ An cũng đưa ra mức giá 8.300 đồng/m3 cho hộ gia đình từ 1m3 - 10m3 đầu tiên.

Còn tại Hà Nội, 10m3 đầu tiên có giá 5.973 đồng/m3, từ 10m3 đến 20m3 chịu giá 7.252 đồng/m3.

Ai quyết định giá nước?

Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ rõ: Giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm do các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc thực hiện tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn và bán lẻ nước sạch theo quy định của Quy chế tính giá do Nhà nước ban hành.

Khuyến khích các đơn vị cấp nước sạch nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu giảm chi phí, giảm thất thoát, thất thu nước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm và khuyến khích các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nước sạch.

Giá tiêu thụ nước sạch cho sinh hoạt áp dụng theo cơ chế giá luỹ tiến, những hộ sử dụng lượng nước theo định mức sử dụng nước thấp hơn được áp dụng mức giá thấp hơn và ngược lại. Thông tư liên tịch cũng xác định giá nước phải thông qua HĐND, do UBND tỉnh, thành phố quyết định nằm trong khung giá hoặc giới hạn giá do Nhà nước quy định; nhưng phải phù hợp với chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành do cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công bố hoặc ban hành.

Giá nước: Phải minh bạch

Nếu so với các địa phương trong cả nước thì giá nước tại Hà Nội hiện nay chỉ ở mức trung bình và đã áp dụng từ 2015 đến nay.

Theo ước tính, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2030 dự kiến 2,4 triệu m3/ngày đêm. Trong khi đó, sản lượng nước sạch hiện tại mới đạt 940.000 m3/ngày đêm mang lại cơ hội kinh doanh tiềm năng đối với doanh nghiệp trong ngành. Hiện hoạt động cung cấp nước sạch cho khu vực nội đô đang được giao cho 5 đơn vị chính gồm Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawacom); Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nước sạch (Viwaco); Cty Cổ phần Nước mặt sông Đuống và Cty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco). Trong số 5 Cty cung cấp nước này, Cty Hawacom hiện cung ứng hơn một nửa nhu cầu nước sạch của Thủ đô. Hai năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất tổng cộng 230 triệu mét khối, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000m3. Năm 2018, Hawacom đạt mức lãi ròng 356 tỉ đồng với tỉ suất lợi nhuận 19% trong năm 2018.

Một Cty khác chiếm thị phần lớn thứ hai sau Hawacom là Viwasupco đang dính bê bối cung cấp nước bẩn cho người dân Hà Nội. Theo báo cáo tài chính, trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Viwasupco đều đạt trên 400 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỉ đồng. Riêng năm 2018, Cty này ghi nhận 219 tỉ đồng lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012. Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Cty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 Cty chỉ lãi 215 triệu đồng).

Như vậy có thể khẳng định hầu hết các doanh nghiệp cung cấp nước tại Hà Nội đang lãi lớn. Riêng với Cty Nước mặt Sông Đuống, Hà Nội buộc phải mua nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống với giá là 10.264 đồng/m3, cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác. Hiện tại, nhà máy đang cung cấp nước với giá 7.700 đồng/m3 nước cho giai đoạn 1A. Nhưng đó là giá tạm tính của TP.Hà Nội.

Lý giải về điều này, đại diện nhà máy này cho biết, đó là do đầu tư lớn với hơn 81km đường ống dẫn nước. Đáng nói là, theo phát hiện của Lao Động, Nhà máy Nước mặt sông Đuống chưa nghiệm thu nhưng đã bán nước và chưa có kiểm toán.

Phải chăng Hà Nội tính tăng giá nước là để “cắt lỗ” và nhanh thu hồi vốn cho riêng Cty Nước mặt Sông Đuống?

Nhận xét việc Hà Nội trình phương án để tăng giá nước, ông Trần Quang Hưng - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh người dân đang còn lo lắng về nước sinh hoạt ô nhiễm thì việc tăng giá nước lúc này là không hợp lý. Về việc doanh nghiệp kinh doanh nước lãi khủng, ông Hưng đặt vấn đề, người dân nhìn thấy doanh nghiệp kinh doanh nước làm ăn có lãi nhưng lại tăng giá nước thì rất khó để người dân chấp nhận. “Với đường ống nước sông Đà vỡ hàng chục lần nhưng DN vẫn báo lãi hàng trăm tỉ đồng như vậy thì phải kiểm tra lại Hà Nội mua giá đầu vào từ các nhà máy nước hiện nay hợp lý hay chưa” - ông Hưng nói.

Theo Thông Chí - Linh Anh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên